Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 14870357
Số người đang truy cập: 11

Kỹ Thuật KNKN

Những lợi ích và kỹ thuật tạo tán cho cây bưởi
Tỉa cành tạo tán để loại bỏ những cành sâu bệnh hại, dọn cành tăm giúp vườn cây thông thoáng nhận đủ ánh sáng, khống chế chiều cao để thuận lợi cho việc chăm sóc và đặc biệt là tập trung dinh dưỡng để nuôi các cành cho quả.

Những lợi ích khi tỉa cành tạo tán

Điều chỉnh hướng mọc hợp lý sẽ nhận được nhiều ánh sáng và khoảng không gian để phát triển, điều này giúp cho việc sử dụng nước và chuyển hóa dinh dưỡng trong cây được hữu hiệu. Nói cách khác, cắt tỉa cành, tạo tán đúng cách sẽ cải thiện được năng suất và chất lượng quả.

Cắt tỉa cành, tạo tán hợp lý sẽ tạo ra kích thước và hình dạng phù hợp cho cây. Khi đó người sản xuất dễ dàng kiểm soát và chăm sóc vườn tốt hơn. Việc cắt tỉa còn làm tăng sức chịu đựng của cây với những điều kiện bất thuận khác, cũng như duy trì sự cân bằng giữa cành mang quả và cành không mang quả.

Thông qua việc tỉa cành để loại bỏ những cành sâu bệnh, giúp cây nhận được nhiều ánh sáng và không khí. Thường xuyên cắt tỉa cành sẽ giúp người sản xuất kiểm soát được dịch hại trong vườn.

Làm tăng diện tích lá hữu hiệu và thúc đẩy sự quang hợp bằng cách tăng sự hấp thụ ánh sáng và không khí của lá.

Thời kỳ kiến thiết cơ bản

Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng xong, bấm ngọn toàn bộ lộc của cây bưởi để ra lộc đồng đều. Sau khi ra lộc cắt tỉa bớt để lại 2 - 3 cành to mập nhất phân bố đều về các hướng để làm cành khung gọi là cành cấp 1. Khi cành cấp 1 cao khoảng 50 - 60 cm thì cắt đoạn ngọn chỉ để lại đoạn cành dài 40 - 45 cm. Cành cấp 1 sau khi cắt tiếp tục mọc rất nhiều cành, song mỗi cành cấp 1 cũng chỉ để lại nhiều nhất 2 - 3 cành phân bố theo hướng thẳng đứng và vươn ra ngoài tán; những cành này gọi là cành cấp 2. Tiếp tục làm như vậy sẽ có được các cành cấp 3, cấp 4,...

Cắt bỏ những cành mọc xiên vào trong tán tạo cho cây bưởi có dáng hình chữ Y (khai tâm). Và sau 3 năm cây bưởi có một bộ khung tán cơ bản để bắt đầu cho quả năm sau.

Hình: Nếu có thời gian cắt tỉa định kỳ hàng tháng sẽ giúp vườn thông thoáng sẽ giảm thiểu được rất nhiều nấm bệnh gây hại.

Thời kỳ kinh doanh

Giai đoạn cắt tỉa chính của cây bưởi là sau mỗi vụ thu hoạch.

+ Cắt tỉa hàng năm: Thời kỳ cây có quả, sau mỗi lần thu hoạch đều phải đốn tỉa hạ tán, khống chế chiều cao cây bưởi từ 3 đến 3,5 m; Những thời kỳ chăm sóc khác cần cắt tỉa những cành tăm, cành khô, cành vượt, cành sâu bệnh.

Công việc đốn tỉa phải được tiến hành thường xuyên nhằm tạo cho cây có sức bật mầm mới, thoáng, không sâu bệnh.

+ Giai đoạn cây nuôi quả cần cắt tỉa với mục đích tập trung dinh dưỡng cho quả. Tiến hành cắt bỏ các cành bị sâu, cành bệnh, cành lộc ở phía trên và các cành thừa không có tác dụng; chọn ngày nắng ráo để cắt tỉa; tránh cắt vào trời mưa sẽ dễ lây lan bệnh từ cây này qua cây khác và lây bệnh từ cây sang quả. Nếu có thời gian cắt tỉa định kỳ hàng tháng sẽ giúp vườn thông thoáng sẽ giảm thiểu được rất nhiều nấm bệnh gây hại.

+ Sau mỗi lần cắt tỉa tiến hành quét nước vôi trong lên các vết cắt để phòng trừ nấm bệnh và xén tóc đẻ trứng

Một số lưu ý khi tỉa cành, tạo tán cho cây

- Phải kiểm tra theo dõi thường xuyên vườn cây để can thiệp kịp thời.

- Tỉa cành, tạo hình phải làm sớm ngay từ cây còn nhỏ. Khi cây chưa có hoa quả, chú ý không quá nhiều, chỉ ngắt đi những nụ, mầm non, bấm ngọn và cắt bỏ những cành vô ích, mọc sai vị trí ngay từ khi còn nhỏ để tránh cây mất sức và tiết kiệm dinh dưỡng cho cây.

- Đến khi cây cho quả quan trọng nhất là sau khi thu hoạch, cắt bỏ những cành già yếu, sâu bệnh, những cành bị oằn gãy do mang quả quá nặng… và giữa mùa mưa cũng cần phải cắt bỏ những cành vượt che lấp ánh sáng.

- Khi tỉa cành phải xác định ở mỗi cây, đốn nhẹ, nặng, hay trung bình.

- Khi cây ra quá nhiều quả, nên bẻ bớt để tăng chất lượng quả (quả to, đồng đều và đẹp mã hơn) và quan trọng là giữ cho cây khỏe không sớm kiệt sức.

- Cây bưởi trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính thường cho nhiều nhánh mọc dầy gần mặt đất, do đó cần tạo hình cho cây trong những năm đầu. Ngay sau khi trồng lưu ý chọn giữ một thân chính mọc thẳng.

Sau khi các cành bên mọc ra, chọn giữ lại một số cành tốt làm cành chính, loại bỏ các cành còn lại. Nên chọn các cành hợp với trục thân chính một góc khoảng 45- 900. Trong thời gian cây tiếp tục phát triển, các cành chính ban đầu cũng tiếp tục được chọn lại và loại bỏ các cành mới mọc xen kẻ giữa các cành chính.

- Tỉa bỏ những cành nhỏ yếu mọc ra từ những cành lớn bên trong tán, những cành mọc thẳng đứng, để giúp cây được thoáng, thụ phấn dễ dàng và quả phát triển tốt hơn. Thường xuyên loại bỏ những nhánh sâu bệnh, khô chết và giập gãy.

- Nên chọn những ngày không mưa để tiến hành cắt tỉa.

- Nếu vết cắt lớn, sau khi cắt cần dùng vôi bôi kín vết cắt trên thân cành để tránh sự xâm nhập của sâu, bệnh hại.

- Cần phải khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước Javel hoặc cồn 900 khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh qua cây khác.

Trang Trình