Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15484992
Số người đang truy cập: 8

Kỹ Thuật KNKN

Các mô hình trồng rau trong nhà có thể áp dụng tại các tỉnh phía Nam
Các mô hình trồng rau trong nhà có thể áp dụng tại các tỉnh phía Nam

Mô hình thứ nhất: Trồng rau trong nhà trên nền đất bình thường

Ưu điểm: Ít vốn, không yêu cầu kỹ thuật cao, nhiều người áp dụng được; có thể trồng hầu hết các loại rau ăn lá và một số loại rau ăn quả. Do không bị mưa, đất khô nên chủ động thời vụ, chủ động bón phân, tưới nước, phun thuốc sâu bệnh. Cũng do không bị mưa, phân thuốc không bị rửa trôi, hiệu suất sử dụng phân thuốc cao. Đất khô, môi trường trong nhà khô ráo nên cũng hạn chế nhiều loại sâu bệnh từ đất. Đặc biệt cây rau không bị hại do mưa, lá không rách nát, mẫu mã đẹp. Nhược điểm: Vẫn còn nhiều nguy cơ sâu bệnh từ đất, không hoàn toàn chủ động được dinh dưỡng, vì vậy khó đạt được NS và chất lượng đỉnh cao.

Rau ăn lá trồng trêntrên đất tại BRVT

Kết quả trồng rau của anh Nguyễn Văn Nam tại Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) cho thấy: trên cùng diện tích 1000 m2 , nếu trồng trong nhà màng (trên đất) một năm trồng 9 vụ gồm 2 vụ tần ô 2 vụ ngò rí (mùa mưa) 3 vụ xà lách, 2 vụ cải xanh (mùa khô) đạt được lợi nhuận 77, 2 triệu đồng, trong khi ngoài trời, công thức tốt nhất là trồng 4 vụ cải xanh, 5 vụ xà lách, cũng chỉ đạt được lợi nhuận 37,7 triệu đồng (giá năm 2010).

Để trồng rau theo mô hình này, cần phải làm những cái nhà có mái lợp bằng polyethylene (nylon), xung quanh nhà quây bằng nylon kết hợp  với lưới. Tùy khả năng về vốn, khung nhà có thể làm bằng sắt, sắt kết hợp với tầm vông hoặc hoàn toàn bằng tầm vông. Trường hợp trồng rau ăn quả có leo dây, khung nhà phải đảm bảo vững chắc để treo đươc cây và quả. Trong nhà, lên luống và trồng rau như bình thường (trồng ngoài trời). Vấn đề cần nghiên cứu cho phù hợp từng nơi là độ cao nhà và phần thoát hơi nóng trên mái sao cho phù hợp, đảm bảo nhà chắc chắn và thông thoáng. Nói chung, tất cả các loại rau ăn lá đều có thể trồng trong nhà này, các loại rau ăn quả phải chọn loại chuyên trồng trong nhà (thường không cần ong bướm vẫn thụ phấn được)

Cà chua trồng trong nhà màng tại Lâm Đồng

 Mô hình thứ 2: Trồng rau trong nhà, trên giá thể

 Ưu điểm: Môi trường trồng trọt sạch, hạn chế được hầu hết các loại sâu bệnh, nhất là các loại sâu bệnh cư trú trong đất. Vì vậy rau rất ít sâu bệnh, có điều kiện đạt được NS và chất lượng đỉnh cao. Có thể trồng được nhiều loại rau ăn lá và một số loại rau ăn quả nhưng phải có hệ thống trồng trọt (dụng cụ chứa giá thể, hệ thống tưới, hệ thống cung cấp dinh dưỡng) thích hợp. Nhược điểm: cần nhiều vốn hơn, nhất là chi phí cho việc tạo nên môi trường sạch (sàn nhà, giá thể, nước, cây giống cần thật sạch); cần kỹ thuật cao hơn trồng trên đất và phải chọn được giá thể cũng như dụng cụ chứa và cách tưới thích hợp.

Hiện nay các nghiên cứu về trồng cà chua, dưa vân lưới và một số loại rau ăn lá trên giá thể đang được tiến hành tại TPHCM và Bình Dương.

Rau bó xôi trồng trên giá thể tại TP.HCM

Về cơ bản, kiểu nhà trồng rau trên giá thể cũng giống như kiểu nhà trồng rau trên đất nhưng "nội thất" thì khác nhiều. Cụ thể: mặt sàn nhà này phải sạch, thường thì được lót bằng loại bạt chuyên dùng lót sàn nhà màng. Để trồng rau, người ta tạo nên những dụng cụ hay hình thức thích hợp để chứa giá thể. Ví dụ để trồng cà chua, dưa leo, dưa vân lưới, ớt ngọt người ta dùng các chậu nhựa hay túi nhựa để dựng giá thể. Nhưng nếu trồng rau ăn lá, người ta phải tạo thành những máng hay luống (có bờ bao) để chưa giá thể. Ở nước ta, một số vật liệu có thể làm giá thể tốt là mụn xơ dừa, tro trấu, đá bọt núi lửa hoặc cát. Khi trồng bằng phương thức này, người trồng trọt phải cung cấp dinh dưỡng nhân tạo cho cây. Nói chung dinh dưỡng được pha từ hỗn hợp các loại muối, cung cấp cho cây trồng đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng, phương pháp chủ yếu để cung cấp dinh dưỡng là dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. 

Dưa lưới trồng trên giá thể tại Hải Phòng 

Mô hình thứ 3: Trồng rau trong nhà theo phương thức thủy canh

Thực ra, trồng trên giá thể như nói trên, thế giới vẫn gọi là thủy canh (Hydroponics). Tuy nhiên, chúng tôi dùng danh từ thủy canh cho phương thức này để chỉ một phương thức trồng không dùng đến giá thể mà trồng trực tiếp trong dụng dịch. Thế giới có một số kiểu trồng thủy canh áp dụng cho rau ăn quả và rau ăn lá. Tuy nhiên chúng tôi không khuyến cáo áp dụng phương pháp này để trồng rau ăn quả. Tại Việt Nam, chúng tôi đã chọn, cải tiến để có có mô hình trồng thủy canh theo kiểu bè nổi (floating cultivation), phù hợp cho hầu hết các loại rau ăn lá. 

 Ưu điểm: Môi trường trồng trọt sạch sẽ, không bị sâu bệnh từ đất. Với hệ thống thủy canh hở (không có dung dịch dư và thu hồi) và trồng theo lối "bè nổi", rủi ro do bệnh cư trú lan truyền trong dung dịch là rất thấp. Việc vệ sinh xử lý bể trồng sau mỗi vụ rất đơn giản. Vì vậy trong nhà rất ít sâu bệnh, có điều kiện đạt được NS và chất lượng đỉnh cao. Nhược điểm: cần nhiều vốn, nhất là chi phí cho việc tạo nên môi trường sạch (sàn nhà, bể trồng, vỉ ươm cây giống và vỉ trồng); cần kỹ thuật cao hơn trồng trên đất.

 Những kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi cho thấy theo phương thức này thời gian của mỗi vụ rất ngắn và và thu xong vụ trước, trồng được ngay vụ sau trong ngày vì vậy số vụ trong năm là cao nhất, ví dụ rau muống, rau cải, rau tần ô có thể làm 20-24 vụ/năm. Năng suất mỗi vụ 2,5-3kg/m2, tương đương với 50-72 kg/m2/năm hay 500-720 tấn/ha/năm, trong khi trồng ngoài nhà cao lắm được 9 vụ x 30 tấn/ha/vụ =270 tấn/ha/năm.

 Khi trồng thủy canh theo phương thức "bè nổi", rau được gieo hoặc cấy vào các lỗ trên vỉ xốp và thả nổi trên bể dung dịch. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và giới thiệu các phương pháp tạo bể từ kiên cố đắt tiền đến đơn giản, rẻ tiền để trồng được hầu hết các loại rau ăn lá. Cũng như nhà trồng rau trên giá thể, nhà này cũng phải có nền rất sạch, cách ly với đất. Tùy điều kiện vốn để lựa chọn khung nhà sắt, sắt kết hợp tầm vông hay tầm vông toàn bộ. Dinh dưỡng cho rau trong phương thức canh tác này cũng được pha từ các loại muối và cung cấp vào bể trồng.

Một  góc nhà trồng rau thủy canh tại Bình Dương

Mô hình thứ 4: Ươm cây rau giống theo lối công nghiệp

Đây là công nghệ đã được áp dụng phổ biến từ lâu ở các nước tiên tiến. Cây rau giống được ươm trên vỉ với giá thể trộn sẵn. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được đặt trong nhà ở điều kiện sạch sẽ. Tuỳ mức độ đầu tư, người ta có thể cơ khí hoá, tự động hoá đến 80-90% các khâu công việc. Ở các nước phát triển, việc sản xuất cây rau giống thường do các Công ty đảm nhiệm. Cây giống được chở bằng xe chuyên dùng đi rất xa, đôi khi không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Ví dụ Canada SX cây cà chua ghép cho trong nước và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đáng kể nhất có lẽ là tập đoàn Hishtil của Israel, không chỉ có các trang trại SX cây rau giống trong nước mà còn lập trại ở các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Nam Phi với quy mô hàng trăm ha mỗi trại. Trong XS rau, thu nhập từ nghề làm cây giống có lẽ chỉ đứng sau thu nhập từ bán hạt giống, rất ít rủi ro (khác với trồng rau thương phẩm, nhiều rủi ro).

Theo tài liệu điều tra của Phòng NN Đà Lạt (2007), tại Đà Lạt có 80 cơ sở (vườn) ươm cây rau giống . Theo số liệu chưa đầy đủ của chúng tôi, thông kê tháng 9 năm 2012,  tại Đức Trọng có 23 cơ sở, tại Đơn Dương có 76 cơ sở . Như vậy, ít nhất Lâm Đồng hiện có khoảng gần 200 cơ sở chuyên ươm cây rau giống. Ước tính  hàng năm, các vườn ươm này đã cung cấp cho nông dân khoảng 3 tỷ cây giống rau các loại gồm cà chua, cải bắp, cải thảo, cải bông, cải dưa, xà lách hành tây, cà tím, đủ trồng cho khoảng 20.000 ha trong tổng số 30.000ha rau toàn tỉnh (trừ khoảng 10.000 ha các loại rau gieo hạt trực tiếp như cà rốt, bầu, bí, đậu). Một số hộ gia đình còn bán cây giống đi Quãng Ngãi, Đắc Lắc, Gia Lai, đôi khi ra Hà Nội. Có thể nói Lâm Đồng là tỉnh duy nhất trong cả nước có số lượng vườn ươm lớn. Điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp trong sản xuất rau của tỉnh. Vườn ươm tại Lâm Đồng hiện nay đã đạt mức cơ giới hóa trung bình khoảng 80% công việc, tập trung  trong các khâu ủ giá thể,phun thuốc, phun dinh dưỡng và gieo hạt. Họ dùng máy xúc, máy trộn, máy sàng khi  ủ giá thể, máy phun áp lực cao để phun dinh dưỡng hay thuốc, dùng máy gieo hạt hoặc máy liên hoàn nạp giá thể vào vỉ và gieo hạt luôn, dùng xe ô tô vận chuyển cây giống đi giao cho dân. Tất cả các vườn ươm đều có hệ thống nhà màng với kệ đặt vỉ cách xa mặt đất. Diện tích mỗi vườn ươm bình quân  5000 m2. Khoảng 10% chủ hộ có 2-5 vườn ươm phân bố ở các vùng có nhiều khách hàng, với tổng diện tích 1-3ha nhà màng, vốn đầu tư nhiều chục tỷ đống. Gần như tất cả các vườn ươm đều có thuê công nhân từ 5-10 người, cá biệt có những chủ vườn thuê 40-50 công nhân lao động thường xuyên. Sau đây là số liệu bình quân một vườn ươm ươm cà chua ghép: quy mô vườn 5000m2, có 1,2 máy gieo (30 triệu đồng/cái), 1,5 xe vận chuyển (80 triệu đồng/cái), 1 năm dùng hết 656 triệu đồng tiền hạt giống,  130 m3 giá thể (32,5 tr.đồng), dùng hết 37,8 tr. đồng tiền thuốc sâu bệnh, Một năm bán 4.000.000 cây, lãi 500 tr. đồng, thu nhập từ SX cây giống cà chua ghép đóng góp 47% thu nhập của gia đình.[N.Q Vinh, tài liệu cá nhân, 2013]

Một góc trại ươm câcây rau giống tại Lâm Đồng

 Cây giống ươm sẵn đem lại cho người trồng rau những lợi ích sau: (1) Chủ động thời vụ và kế hoạch trồng trọt, không bị lỡ vụ (2) Đủ cây giống theo kế hoạch, không bị lỡ ruộng, (3) Cây giống có chất lượng tốt, đồng đều, sạch sâu bệnh, (4) Cho phép cấy được cả khi trời còn nắng vì cây giống có bầu rễ, (5) Sau khi cấy, cây  phục hồi nhanh, tỷ lệ cây sống cao do không bị đứt rễ, (6) Trên ruộng cây phát triển đồng đều (7) Hiệu quả sử dụng hạt giống cao, nhất là đối với hạt lai vốn đắt tiền, nhờ được gieo trên giá thể và chăm sóc trong nhà. 

 Các loại cây rau giống sản xuất theo lối công nghiệp này tùy thuộc vào chủng loại rau từng vùng. Nói chung người ta thường SX và cung cấp các loại sau đây: cà chua (có ghép hoặc không ghép), ớt cay, ớt ngọt (có ghép hoặc không ghép), cà tím, cải bắp, cải bông, rau cải dưa, xà lách, dưa hấu, dưa chuột, hành tây. 

 Để góp phần sớm đưa sản xuất rau đến gần với sản xuất hàng hoá trình độ tiên tiến, việc xây dựng và phát triển mô hình Trại sản xuất cây rau giống trong nhà để sau đó nông dân học tập làm theo là một việc cần thiết, mang tính đột phá trong nông nghiệp, phù hợp với chủ chương công nghiệp hóa nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.  Để sản xuất cây giống theo lối công nghiệp cần xây dựng những Trại trong đó chủ yếu gồm các nhà màng để đặt vỉ và chăm sóc cây sau khi gieo hạt, các khu chức năng khác như khu ủ và chế biến giá thể, khu ghép cây (nếu cần). 

Công nhân đang ghép cà chua

Mô hình thứ 5: Vườn rau gia đình trên sân thượng

Trước những mối đe dọa về chất lượng vệ sinh thực phẩm, những vườn rau nhỏ đã lần lượt mọc lên trong gia đình của những ai muốn bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Và đây là một phương cách tự cứu mình hữu hiệu nhất. Sỡ dĩ rau trồng tại nhà được coi là an toàn bởi vì người trồng rau trồng cho chính mình ăn nên họ lựa chọn, kiểm soát đầu vào chặt chẽ: chỉ sử dụng đất sạch (đất không nhiễm hóa chất, không bị ngấm hay tưới nước thải, nước bẩn hoặc đất nhân tạo, thường gọi là "giá thể" hay "đất sạch", nước sạch (nước máy, nước giếng ăn uống được), phân bón sạch (phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh) và các phương thức BVTV ít dùng thuốc hóa học nhất (bắt sâu, dùng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc). Thêm vào đó rau vườn nhà còn là rau tươi nhất. Bình thường rau ngoài chợ, từ khi thu hoạch đến khi người tiêu dùng đem nấu nướng thường thì ít nhất phải 1 ngày đêm, còn đa số là phải 2-3 ngày, thậm chí cả hàng tuần nếu như người tiêu dùng cất giữ thêm trong tủ lạnh. Ở đây, ăn bữa nào thu hoạch bữa đó. Rõ là không rau nào tươi hơn. 

Trong nhiều loại hình vườn rau gia đình chúng tôi xin giới thiệu vườn rau gia đình trên sân thượng. Đây là loại chuyên cho các gia đình ở thành thị. Trong nhà, sân thượng thường là nơi có diện tích lớn, tập trung một chỗ, tiện cho việc chăm sóc, trong đó có việc áp dụng công nghệ tưới hiện đại, tự động; rất phù hợp cho người còn bận việc công sở. Vườn rau trên sân thượng góp phần rất tốt cho việc làm mát nhà.

Vườn rau trên sân thượng có thể từ 10 m2 trở lên. Và, tùy theo diện tích mà ưu tiên trồng các loại rau theo xu hướng: nhỏ thì chủ yếu trồng rau gia vị, lớn hơn thì rau gia vị và rau ăn lá, lớn hơn nữa thì có thêm rau ăn quả. Nói chung có thể trồng hàng chục loại rau như ớt hành, ngò, húng nhủi, húng quế, tía tô, rau răm, rau dấp cá, rau ngò ôm, xà lách, các loại cải (cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải cúc ...) rau dền, mồng tơi, rau đay, rau muống, rau ngót, dưa leo, khổ qua, mướp, bí đao chanh, đậu bắp, đậu cô ve, đậu đũa, cà chua, cà tím, cà pháo.

Trồng rau trên sân thượng

Để trồng được rau quanh năm trên sân thượng cần phải có mái che, làm bằng tấm nhựa sáng (polycarbonat). Khay trồng rau cũng dùng loại chuyên dùng để có sự đồng dạng, đẹp; trong khay chứa giá thể trồng. Hàng ngày vườn rau được tưới bằng hê thống phun hoặc có thêm hê thống tưới nhỏ giọt cho rau ăn quả. Hàng tuần bón bổ sung hỗn hợp phân hóa học hoặc phân sinh học. Thường thì một vườn rau khoảng 2030 m2 là cơ bản đủ rau cho một gia đình 4-5 người. Rau sẽ rất sạch vì trồng trên cao, giá thể sạch, gần như không phải dùng thuốc sâu bệnh. Nếu có sẽ chỉ dùng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc.