Kỹ Thuật KNKN
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, mưa trái mùa thất thường dẫn đến năng suất điều các vùng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giảm, cùng với đó là giá các loại vật tư nông nghiệp (Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) tăng cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thu được từ trồng điều thấp hơn so với những năm trước. Để phát triển cây điều bền vững và đảm bảo sinh kế cho người sản xuất điều, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp thâm canh tăng năng suất và đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu cho ngành điều, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2023 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện dự án Xây dựng Mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững thuộc chương trình dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021-2023 tại xã Cù Bị huyện Châu Đức và xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc.
- Mô hình thâm canh điều bền vững được triển khai trên địa bàn xã Cù Bị, huyện Châu Đức với quy mô 05 ha/05 hộ tham gia. Trong năm 2023 các hộ tham gia dự án được nhận vật tư gồm phân bón, thuốc BVTV để đầu tư thâm canh. Mô hình nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu thực tế của bà con nông dân trồng điều. Việc triển khai mô hình thâm canh điều bền vững có tác động thay đổi nhận thức về tập quán canh tác của người trồng điều về biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho nông hộ trong vùng. Các vườn điều thâm canh theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT: thâm canh theo hướng bền vững, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Năng suất các vườn điều của bà con tham gia dự án đạt từ 2,0-2,2 tấn/ha, cao hơn 10-15% so với các vườn điều canh tác theo phương thức truyền thống.
Tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc thực hiện các mô hình:
- Mô hình chăm sóc năm thứ 2 sau trồng (5 ha) giống điều ghép PN1 và AB0508, Thời điểm tháng 9/2023 (27 tháng sau trồng) chiều cao cây các giống biến động từ 300 – 350 cm, đường kính tán từ 220 – 300 cm; đường kính thân từ 4,2 – 5,5 cm.
- Mô hình chăm sóc năm thứ 3 sau trồng (5 ha) giống điều ghép PN1 và AB0508, sau 24 tháng trồng, chăm sóc, cây điều sinh trưởng tốt, ra nhiều chồi, tỷ lệ cây sống đạt 95%. Cây điều bắt đầu ra hoa bói, số cây ra hoa từ 50-80%. Nông dân tham gia Dự án cho biết, các giống điều ghép mới phù hợp với điều kiện đất đai và sinh thái của địa phương và sẽ được nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
- Mô hình thâm canh điều trong thời kỳ kinh doanh (15 ha) được thực hiện trên vườn điều trên 6 năm tuổi, chủ yếu là giống điều AB0508. Áp dụng theo quy trình canh tác thâm canh điều bền vững (Quyết định số 324/QĐ-VNNMN-VP ngày 26/10/2020 của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam). Các biện pháp tỉa cành, tạo tán, bón phân; xử lý thuốc BVTV hợp lý đúng thời điểm đã giúp cây ra hoa nhiều, tăng tỷ lệ đậu trái, năng suất điều trong mô hình tăng lên đáng kể. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu năng suất trong mô hình đạt 1.973 kg/ha, ngoài mô hình đạt 1.462 kg/ha. Năng suất tăng 32,5% so với ngoài mô hình.
Thông qua các mô hình, dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới và thâm canh cây điều tổng hợp cho hơn 60 lượt người dân ngoài mô hình.
Hình: Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh Điều bền vững
Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất điều Hòa Bình với 20 hộ tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi. Mục đích của tổ hợp tác là thông tin, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hạt điều và tăng thu nhập cho các thành viên; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt điều để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Với kết quả trên, Dự án được chính quyền địa phương, người dân mong muốn tiếp tục thực hiện, mở rộng để nhiều người dân quan tâm được tham gia học.
Huỳnh Vân