Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15130624
Số người đang truy cập: 11

Kỹ Thuật KNKN

Kỹ thuật trồng cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP

Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng mới cây bưởi cần được giải phóng trước từ 4 - 6 tháng. Nếu là đất chu kỳ 2 nên trồng 2 - 3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất, trước khi trồng cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

Thời vụ trồng

Thời vụ thích hợp trồng cây bưởi ở miền Bắc Việt Nam vào mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 10). Trong điều kiện chủ động được nước tưới, trồng vào vụ thu cây ổn định sinh trưởng, đến mùa xuân năm sau cây sinh trưởng tốt hơn. Thời vụ thích hợp trồng cây bưởi ở miền Nam Việt Nam vào đầu mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 7) và cuối mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 9).

Đào hố và bón lót

Sau khi đã thiết kế xong tiến hành đào hố và bón lót trước lúc trồng cây khoảng 1 tháng.

- Kích thước hố: nguyên tắc đất xấu phải đào rộng và sâu, đất tốt đào hố nhỏ và nông hơn. Thông thuờng hố trồng cây bưởi đào hố 60cm x 60cm x 60cm. Khi đào hố xong dùng đất đào lên với đất phá thành lấp xuống 4/5 hố, phần đất còn lại trộn đều với phân chuồng + vôi + lân lấp trên mặt hố cao hơn mặt đất vườn 15 - 20 cm.

- Lượng phân bón lót (tính cho 1 hố) + Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục): 50 - 60kg + Phân lân Supe: 1 - 2kg + Vôi bột: 1kg + NPK tổng hợp bón lót: 0,2 - 0,3kg Lưu ý: Nếu không có phân chuồng hoai mục thì có thể sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng bón 0,5 - 1kg/hố/cây.

Trồng cây: Khi trồng, đào lỗ giữa mô (xé bỏ túi bầu Polymer); đối với đất bằng đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô từ 3 - 5 cm; đối với đất đồi đặt bầu cây con ngay trên mặt đất. Dùng tay ấn nén đất xung quanh bầu cây tạo sự liên kết giữa đất ở ngoài và bầu cây. Khi đặt cây phải xoay hướng cành ghép theo hướng chiều gió để tránh gẫy nhánh, cụ thể cắm cọc để giữ cây con khỏi tác hại của gió. Trồng xong tưới đẫm nước và dùng cỏ mục, rơm rạ khô để tủ gốc.

Hình: trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP

Chăm sóc sau trồng

+ Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết khô nắng mà có thể tưới bổ xung chống hạn cho cây.

+ Làm cỏ và quản lý cỏ dại: Những năm đầu cây còn nhỏ chưa giao tán phải làm sạch cỏ gốc thường xuyên, làm cỏ gốc theo hình chiếu của tán cây, phần cỏ còn lại trong vườn cần được giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi…; Áp dụng biện pháp cắt cỏ trong vườn cây bưởi để trả lại phân xanh cho đất, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây bưởi (bộ rễ cây bưởi rất mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ).

+ Cây trồng xen:  Ở những vùng đất bằng hoặc hơi dốc nên trồng cây phân xanh ở giữa các hàng cây để vừa che phủ đất giữ ẩm, chống cỏ dại, vừa tạo nguồn phân xanh cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trồng xen cây họ đậu (lạc, đậu tương, đậu đen, đậu xanh…), các loại cây dược liệu, cây rau thơm…dưới tán cây bưởi trong những năm đầu cây chưa giao tán. Trồng xen phải theo phương châm cây trồng xen không chèn cây trồng chính.

Tăng cường chất hữu cơ trong đất trồng bưởi

Chất hữu cơ có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, làm đất thông thoáng tránh sự tạo váng, tránh sự xói mòn. Cải thiện lý, hóa và sinh học đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng. Với hoá tính đất: Chất hữu cơ xúc tiến các phản ứng hoá học, cải thiện điều kiện oxy hoá, gắn liền với sự di động và kết tủa của các nguyên tố vô cơ trong đất. Chất hữu cơ làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Với đặc tính sinh học đất: Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho vi sinh vật, khoáng và hữu cơ nên khi vùi phân hữu cơ vào đất tập đoàn vi sinh vật trong đất phát triển nhanh, giun đất cũng phát triển mạnh. Chất hữu cơ và mùn là kho thức ăn cho cây trồng và vi sinh vật.

Phân hữu cơ cũng giúp cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí. Từ đó:

+ Làm cho nước thấm trong đất thuận lợi, hạn chế đóng váng bề mặt, hạn chế chảy tràn, rửa trôi chất dinh dưỡng, ổn định nhiệt độ đất, tăng cường hoạt động của sinh vật đất.

+ Giúp đất thoát nước tốt, cải thiện tình trạng ngập úng, dư thừa nước.

+ Trên đất sét nặng, việc bón phân hữu cơ làm đất tơi xốp sẽ giúp rễ cây trồng phát triển tốt, tăng cường sự thu hút chất dinh dưỡng cho cây.

Phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho đất, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu, tăng cường giữ phân cho đất.

+ Phân hữu cơ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng như: đạm, lân, kali, các nguyên tố trung, vi lượng, các kích thích tố sinh trưởng, các vitamin cho cây.

+ Gia tăng chất mùn cho đất, tăng khả năng giữ dinh dưỡng cho đất, tăng khả năng điều chỉnh của đất khi bón dư thừa phân hóa học, khắc phục các ảnh hưởng xấu như nứt quả…

Tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đất, tăng cường "Sức khỏe" của đất. Đất sẽ gần như trở thành "đất chết" nếu hệ vi sinh vật đất không hoạt động được.

Trương Đăng