Kỹ Thuật KNKN
Trái sầu riêng được xướng danh tại cuộc thi trên là giống sầu riêng Chín Hóa do ông Vũ Ngọc Thịnh trồng tại ấp Phước Hữu, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
VỊ CỦA TÌNH THƯƠNG
Ông Thịnh trước kia vốn là cháu của một nhà vườn thứ thiệt. Lúc nhỏ, nhờ được ngoại cưng chiều nên ông dường như đủ đầy mọi thứ, duy chỉ có mỗi một chuyện buồn cười đó là "Sầu riêng của ông ngoại cho dường như mình chưa bao giờ ăn thấy đã". Ông Thịnh cho biết, ngay từ lần ăn đầu tiên ông đã "mê mẩn" với loại trái cây này, và sau này cho dù làm việc gì ở đâu ông cũng luôn mơ ước sở hữu một vườn sầu riêng để nhớ về những kỹ niệm với người ông thân thương.
Có lẽ những ký ức trên cùng với giá trị kinh tế của sầu riêng mang lại mà ông Thịnh đã dồn hết những đam mê và tâm huyết của mình để có được kết quả như ngày hôm nay. Chỉ với 70 gốc sầu riêng đang cho trái, nhưng mỗi vụ ông Thịnh cũng thu về hơn 300 triệu đồng. Được biết, vườn sầu riêng của ông Thịnh nằm trong khu vực quy hoạch phát triển các khu vườn trái cây đặc sản phục vụ cho du lịch sinh thái của thành phố Bà Rịa. Tại khu vực này trước kia có đến vài chục hộ trồng sầu riêng nhưng đến nay ông Thịnh là một trong số ít hộ thành công với loại cây này.
Tại Hội thi trái cây ngon an toàn Nam bộ vừa qua, sầu riêng của ông Thịnh đạt giải nhất bởi chất lượng vượt trội. Được biết, những tiêu chí chấm điểm tại hội thi này rất khắt khe. Đầu tiên trái cây phải có hình thức đẹp mới được "cấp vé" vào cổng, sau đó sẽ cân đo tỉ lệ cơm so với trái. Về chất lượng, Ban tổ chức sử dụng các phương pháp hóa học, sinh học kiểm tra độ an toàn trái cây, phân tích lượng đường và hàm lượng dinh dưỡng khác… và kết quả cuối cùng sầu riêng của ông Thịnh vượt qua hàng trăm mẫu sầu riêng khác để đứng lên bục cao nhất.
BÍ QUYẾT
Ông Thịnh cho biết, để sầu riêng cho trái ngon trước hết là phải đảm bảo cho cây không bị bệnh tật, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để giúp cây sung mãn cho trái bự, cơm dày. Điều quan trọng nhất là phải bón phân hữu cơ như phân bò, phân chim cút hoai mục để cây cho trái có mùi thơm đặc trưng như vốn có. "Nhiều chủ vườn thu hoạch đồng loạt, không để trái chín tự nhiên cũng làm giảm chất lượng của sầu riêng" ông Thịnh cho biết thêm.
Quy trình bảo vệ thực vật cho cây cũng phải chú trọng lên hàng đầu để cho cây cho bộ lá đẹp quang hợp tốt, giúp cho cành chắc khỏe có khả năng "gánh" được nhiều trái. Theo ông Thịnh phải chú ý phun thuốc định kỳ để phòng trừ các loại nấm gây hại làm xì mủ thân, gốc rễ làm cây dễ chết hoặc yếu sức, hoặc bệnh thán thư cũng làm trái bị thối làm mất phẩm cấp hoặc giảm năng suất của vườn gây thiệt hại kinh tế.
Rầy đuôi trắng cũng là đối tượng nguy hiểm vì chúng tàn phá bộ lá làm giảm khả năng quang hợp của cây. Theo ông Thịnh, mỗi lần sầu riêng ra lá non cần phải xịt 2 – 3 lần thuốc để giữ bộ lá việc làm này cũng giúp hạn chế rụng trái. Ngoài ra phải chú ý tiêu diệt con xén tóc, loài này đục thân gây hư cành hư thân, đối với những con non hoặc trứng của chúng cần sử dụng thuốc để diệt, tuy nhiên theo ông Thịnh với những con trưởng thành phải bắt bằng tay mới tiêu diệt được chúng.
Tin mới nhất
- Colletotrichum orbiculare gây bệnh thán thư trên họ bầu bí (10/12)
- Rhizoctonia solani gây bệnh thối quả, loét thân, chết cây (09/12)
- Sâu cắt (09/12)
- Ghi nhận 01 trường hợp người tử vong do mắc bệnh dại tại thành phố Bà Rịa (09/12)
- Bệnh truyền nhiễm do nguyên sinh bào và Rickettsia từ động vật lây sang người (08/12)