Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 11511256
Số người đang truy cập: 9

Kỹ Thuật KNKN

Nhận diện các mối nguy về phân bón và chất bón bổ sung cho bưởi VietGAP
Phân bón và chất bón bổ sung là những vật tư đầu vào rất quan trọng cho sản xuất cây bưởi. Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển nhưng cũng là nguy cơ gây ô nhiễm cho sản phẩm.

Sự tập trung ở mức cao của các kim loại nặng (As, Pb, Cd, Hg, …):

Sự có mặt của các kim loại nặng (đặc biệt là cadimi) trong các loại phân bón cấp thấp và chất bón bổ sung như thạch cao, phân gia súc, phân ủ, v.v..

Sự có mặt của kim loại nặng trong phân bón và chất bón bổ sung sẽ làm tăng hàm lượng kim loại nặng trong đất. Cây trồng có thể hút các chất này và tích luỹ trong sản phẩm quả bưởi.

Vi sinh vật (Vi khuẩn, virus và vật ký sinh)

Phân bón và nước thải của động vật và con người không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Tiếp xúc trực tiếp của phân bón hữu cơ chưa xử lý với phần ăn được của trái bưởi.

Biện pháp phòng ngừa, loại trừ và giảm thiểu mối nguy

Đánh giá nguy cơ ô nhiễm:

Phải đánh giá và ghi chép hồ sơ của tất cả các nguy cơ ô nhiễm về hoá học và sinh học của phân bón và chất bón bổ sung lên sản phẩm ở mỗi vụ sản xuất. Đánh giá này có thể được thực hiện thông qua việc phân tích phân bón và chất bón bổ sung đã sử dụng hoặc kiểm tra phần ăn được của quả bưởi. Nếu kết quả cho thấy có sự ô nhiễm rõ rệt từ việc sử dụng phân bón và chất bón bổ sung thì cần thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Ghi chép lại đầy đủ thông tin về quá trình xử lý, hành động khắc phục.

Mua và tiếp nhận phân bón và chất bón bổ sung

Phải lựa chọn phân bón và chất bón bổ sung có thể giảm thiểu được nguy cơ về các mối nguy hoá học và sinh học. Chỉ mua, tiếp nhận và sử dụng các loại phân bón đã có trong danh mục phân bón được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, đang có hiệu lực. Không mua phân bón không rõ nguồn gốc hoặc các loại phân bón không có bao bì nhãn mác hoặc nhãn gốc. Không sử dụng phân gia súc, chất thải hữu cơ chưa qua xử lý trong sản xuất cây bưởi vì chúng có thể chứa các loại nấm bệnh và VSV, tuyến trùng.

Bảo quản và vận chuyển phân bón và chất bón bổ sung

Tất cả phân bón hữu cơ, vô cơ và chất bón bổ sung phải được cất trữ và bảo quản ở điều kiện khô thoáng, không gây ô nhiễm cho các vật tư nông nghiệp khác (VD: thuốc BVTV, vật dụng thu hoạch…) và sản phẩm đã thu hoạch, đóng gói. Phân chuồng, tàn dư thực vật… cần được lưu trữ ở nơi riêng biệt với các loại phân bón khác, không gây ô nhiễm cho nguồn nước và vùng sản xuất. Nếu phát hiện có nguy cơ ô nhiễm lên khu vực sản xuất liền kề hoặc nguồn nước, phải thực hiện các biện pháp khắc phục (VD: kiểm soát chỗ rò rỉ) để giảm thiểu nguy cơ.

Xử lý phân chuồng và tàn dư thực vật tại trang trại

Nếu xử lý phân động vật hoặc tàn dư thực vật tại chỗ, người sản xuất phải thực hiện quy trình xử lý thích hợp để loại bỏ mầm bệnh. Nơi xử lý phân chuồng phải được xây dựng cách xa nơi sản xuất và nơi chứa sản phẩm thu hoạch, đảm bảo ngăn ngừa được nước thải từ phân chuồng và chất hữu cơ không ảnh hưởng đến sản phẩm và gây ô nhiễm môi trường.

Sử dụng phân bón

Mặc dù việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất bưởi có ít nguy cơ gây ô nhiễm nhưng phân cần được bón trực tiếp xuống đất hoặc kết hợp sao cho phân bón không có nguy cơ tiếp xúc với phần ăn được của trái bưởi hoặc rửa trôi. Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm (lên trái cây và môi trường), phân hữu cơ nên được bón tối thiểu 60 ngày trước khi thu hoạch. Thời gian thích hợp nhất để áp dụng phân bón hữu cơ là ngay sau khi vụ thu hoạch kết thúc bởi vì đây là thời điểm tốt nhất để tránh cho quả tiếp xúc với phân và đây cũng là thời gian cho người sản xuất vệ sinh vườn trồng, đốn tỉa và bón phân cải tạo đất trồng cho vụ mới. Đối với phân bón vô cơ, liều lượng bón phải phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng và thời kỳ sinh trưởng, tránh bón quá mức. Bón quá nhiều phân urê hoặc phân chứa đạm hoặc bón quá muộn có thể làm cho cây trồng hấp thu quá mức nitrat và tích luỹ vào sản phẩm. Việc này không những làm giảm chất lượng của quả bưởi mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Bảo dưỡng, sử dụng và vệ sinh dụng cụ

Dụng cụ bón phân và chất bón bổ sung phải được giữ trong điều kiện hoạt động tốt và sạch sẽ sau khi sử dụng. Các dụng cụ liên quan đến định lượng hoặc cân phân cần được hiệu chỉnh định kỳ theo quy định. Dụng cụ dùng để ủ phân, chứa phân và bón phân hữu cơ không được sử dụng cho các việc khác.

Thanh Khiết