Kỹ Thuật KNKN
Chế phẩm sinh học?
Chế phẩm sinh học là các chiết suất sinh học và chế phẩm vi sinh được sử dụng để cải thiện sức khỏe của vật nuôi. Chúng chứa vi sinh vật có lợi giúp ích trong quá trình sinh trưởng của vật nuôi.
Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản đã quá quen thuộc với bà con nông dân. Gần như bất kỳ vụ nuôi nào bà con cũng cần đến những sản phẩm này để bổ sung những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng tiêu hóa, giúp xử lý môi trường nước, ổn định chất lượng nước trước khi thả giống,…
Các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản đa dạng, tập trung vào những mục đích chính như: xử lý khí độc trong ao nuôi tôm, xử lý bùn đáy, xử lý nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm cá nuôi…
Lợi ích khi sử dụng chế phẩm sinh học
Chế phẩm sinh học (Probiotic) hiện được sử dụng như một trong những công cụ thực sự có hiệu quả, đồng thời giải quyết tốt 02 vấn đề cơ bản sau:
- Cải thiện, ổn định chất lượng nước trong ao nuôi.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, phòng, trị bệnh đường ruột.
Tuy nhiên, người dân cũng cần có những hiểu biết nhất định về chế phẩm sinh học, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của nhà sản xuất về phương pháp bảo quản, cách sử dụng và liều dùng đối với từng loại chế phẩm vi sinh mới đem lại hiệu quả.
Cơ chế hoạt động của chế phẩm sinh học
Chế phẩm sinh học Probiotics được gọi dưới các tên khác nhau như "chế phẩm vi sinh", "vi khuẩn có lợi" hoặc "vi sinh vật hiệu quả", bao gồm vi khuẩn Lactobacillus, Actinomycetes, Nitrobacteria, vi khuẩn chuyển hóa đạm, Bifidobacterium, nấm men… Những vi khuẩn hữu ích này có thể cải thiện chất lượng nước nuôi thủy sản và hạn chế mầm bệnh trong nước từ đó gia tăng năng suất thủy sản nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản khi sử dụng chế phẩm sinh học có các tác dụng:
Cạnh tranh loại trừ vi khuẩn gây bệnh hoặc tạo ra hoạt chất ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; Cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường dinh dưỡng cho vật nuôi; Cung cấp men tiêu hóa để gia tăng quá trình tiêu hóa ở vật nuôi; Trực tiếp hấp thụ hoặc phân hủy vật chất hữu cơ hoặc chất độc trong nước cải thiện chất lượng nước; Thay đổi quá trình trao đổi chất của vi khuẩn, kích thích hệ miễn dịch của vật chủ.
Hình: Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm (Ảnh minh hoạ)
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng chế phẩm vi sinh
Chế phẩm vi sinh có hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý môi trường và phòng bệnh cho tôm. Tuy nhiên, nếu dùng chế phẩm sinh học không đúng cách sẽ không có hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả dùng chế phẩm vi sinh, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Cách dùng và liều lượng dùng nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhưng chu kỳ giữa các lần sử dụng dài hay ngắn phụ thuộc vào chất lượng môi trường của từng ao, từng giai đoạn phát triển, không nên hoàn toàn dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nếu có thể, nên thay nước mới trước khi cho chế phẩm vi sinh xuống ao để tránh ảnh hưởng của kháng sinh hay các chất diệt khuẩn dùng trước đó sẽ làm giảm tác dụng của chế phẩm sinh học.
Không dùng chung chế phẩm vi sinh với thuốc kháng sinh hay chất diệt khuẩn vì sẽ làm mất tác dụng của vi sinh. Nếu tôm bị bệnh cần phải dùng kháng sinh hay chất diệt khuẩn để trị bệnh thì sau khi tôm khỏi bệnh 3-5 ngày nên dùng chế phẩm vi sinh để phục hồi các vi khuẩn có lợi ở đáy ao hoặc trong đường ruột của tôm.
Vào các ngày có nhiệt độ nước ao thấp hơn 20oC, nên nuôi cấy chế phẩm vi sinh trong nước ấm 30-35oC trước khi tạt xuống ao, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tăng nhanh về số lượng và hoạt động phân hủy các vật chất hữu cơ của vi sinh vật.
Trong thời gian dùng chế phẩm vi sinh cần chú ý tăng lượng ôxy hòa tan trong nước ao, đặc biệt ở đáy ao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển và phân hủy các chất hữu cơ.
Chế phẩm vi sinh được khuyến cáo dùng trong hệ thống nuôi thâm canh vì phương thức nuôi này có nhiều nguy cơ ô nhiễm chất hữu cơ, không nên sử dụng trong nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến vì tốn kém.
Cách sử dụng chế phẩm sinh học
Mỗi loại chế phẩm sinh học có chứa thành phần vi sinh nhất định với mục đích sử dụng và cách sử dụng khác nhau, vì vậy tùy theo mục đích phòng bệnh mà người nuôi chọn cách dùng cho phù hợp.
Trộn vi sinh vào thức ăn tôm để kích thích tôm tiêu hóa thức ăn, phòng bệnh đường ruột. Có thể sử dụng thường xuyên, định kỳ hay sau khi trị bệnh cho tôm bằng thuốc kháng sinh.
Đào Thị Thanh