Kỹ Thuật KNKN
Vai trò của rừng ngập mặn đối với nguồn lợi thủy sản
Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển đồng thời còn là nơi "ương ấp" những cơ thể non của nhiều loài sinh vật biển, nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển.
Các loài thuộc họ tôm He như tôm sú, tôm he mùa, tôm rảo, tôm bột, tôm sắt…là những cư dân trong vùng cửa sông nhiệt đới mà đời sống rất gắn bó với môi trường ngập mặn như cách nói của người dân "Con tôm ôm cây đước". Tôm là loài ăn tạp, trong thành phần thức ăn, các mảnh vụn hữu cơ của cây ngập mặn chiếm một lượng đáng kể. Rừng ngập mặn là nơi ương nuôi, nơi sống bắt buộc cho các giai đoạn phát triển sớm của đời sống các loài tôm và cua. Tương tự như vậy, các loài cá, các động vật đáy thường là những loài sống định cư cả đời hoặc ở phần lớn những giai đoạn phát triển sớm của sự phát triển cá thể của chúng trong rừng ngập mặn.
Như vậy, thông qua vai trò của rừng ngập mặn đối với nguồn lợi thủy sản chúng ta thấy được muốn sử dụng bền vững tài nguyên thủy sản rừng ngập mặn thì trước hết phải bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn ngay từ bây giờ.
Theo kết quả nghiên cứu và phân tích của các nhà khoa học về rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ chính Minh cho thấy, tổng giá trị kinh tế của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng của rừng ngập mặn Cần Giờ lên tới 3.881 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp (gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, muối, du lịch...) lên tới 3.422 tỷ đồng/năm (chiếm 88,1%), giá trị sử dụng gián tiếp (phòng hộ ven biển, hấp thụ carbon) là 454,8 tỷ đồng/năm (chiếm 11,7%) và giá trị tồn tại là 4,3 tỷ đồng (chiếm 0,11%). Tính trung bình, mỗi ha rừng ngập mặn Cần Giờ có thể cung cấp một lượng hàng hóa và dịch vụ lên tới 111,8 triệu đồng/năm tại thời điểm nghiên cứu năm 2020 (Trần Thị Thu Hà và cộng sự, 2022).
Hình: cảnh hoang rừng ngập mặn nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm)
Các giải pháp bảo tồn và phục hồi nguồn lợi thủy sản
Việc nuôi trồng thủy sản thiếu qui hoạch, xây dựng các khu công nghiệp làm mất mát khá nhiều diện tích rừng ngập mặn trong tỉnh. Do đó, việc làm đầu tiên và cấp thiết nhất là phải tiến hành trồng thêm rừng. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn loại cây trồng thích hợp. ví dụ: cây đước, bần, mắm và các loài mọc tự nhiên khác. Ngoài khả năng hạn chế tác dụng của gió bão, thủy triều các loài cây này còn có giá trị kinh tế khá cao (than đước rất được ưa chuộng).
Bảo vệ các bãi đẻ và nơi nuôi dưỡng những loài hải sản có giá trị kinh tế cao vùng ven bờ giúp bảo vệ các cá thể còn non của các loài sinh vật biển.
Nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, không làm giảm cơ hội của người sử dụng tài nguyên trong tương lai và không làm thay đổi quá đáng hay làm giảm chất lượng môi trường và đa dạng sinh học.
Vận động người dân kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn.
Kinh nghiệm của các nước và nhiều địa phương ở nước ta cho thấy không nên sử dụng quá 25% - 30% diện tích rừng vào nuôi trồng thủy sản để đảm bảo sự ổn định của môi trường và sự bền vững của hệ sinh thái nhạy cảm này.
Tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn cho người dân.
Quy hoạch một cách rõ ràng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng rừng ngập mặn, vùng kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn và phổ biến đến các hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản.
Đào Thị Thanh