Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13449089
Số người đang truy cập: 8

Kỹ Thuật KNKN

Kiến thức cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong canh tác nông nghiệp
Thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng, cho nông lâm sản hay để điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ đồng ruộng cho đến kho bảo quản. Bên cạnh những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật đem lại cho ngành nông nghiệp thì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, môi trường cũng là một vấn đề cấp bách. Bài viết bên dưới cung cấp cho chúng ta những kiến thức cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trung bình 90.000 – 200.000 tấn/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, EU, ASEAN … Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường, hằng năm nước ta có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hoá chất BVTV phải nhập viện và có trên 300 trường hợp tử vong (đây là con số thống kê của ngành y tế, số lượng thực tế trong nông nghiệp còn cao hơn nhiều mà chưa được thông kê đầy đủ). Tác hại của thuốc BVTV đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.
Đối với người, khi sử dụng không đúng cách, thuốc BVTV sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương (thiếu máu bất sản và loạn tạo máu); ảnh hưởng đến sinh sản (vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...); gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ: giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong. Do đó theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc BVTV là rất cần thiết.
Sử dụng thuốc BVTV một cách không kiểm soát và thiếu hiểu biết sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Phân loại theo mục đích sử dụng.
Thuốc BVTV được sử dụng trên cây trồng, hạt giống, nông lâm sản hoặc công trình nhằm 2 mục đích:
Phòng trừ dịch hại (sinh vật gây hại):  Thuốc trừ sâu, côn trùng; trừ bệnh (nấm, vi khuẩn); trừ cỏ dại; và các đối tượng khác như chuột, nhện, ốc, mối, nhện, tuyến trùng (giun), tảo…
Tác động quá trình sinh trưởng cây trồng: bằng hóc-môn như kích thích phát triển bộ phận mong muốn, ra hoa sớm, điều chỉnh giới tính của hoa, ngăn ngừa sự rụng nụ hoa quả…
Ngoài một số lĩnh vực ứng dụng ít gặp như trừ mối, trừ tuyến trùng, trừ nhện, bảo quản lâm sản, xử lý hạt giống, bảo quản nông sản sau thu hoạch, khử trùng kho, sử dụng cho sân golf thì thuốc BVTV được sử dụng rộng rãi nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: Thuốc trừ sâu; trừ bệnh; trừ cỏ; trừ ốc; trừ chuột; điều hòa sinh trưởng; Chất điều hoà sinh trưởng thực vật; điều hoà sinh trưởng côn trùng; dẫn dụ côn trùng nhằm bẫy diệt; và hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả khi pha thêm vào thuốc BVTV.
Phân chia theo nguồn gốc điều chế.
Thuốc BVTV chủ yếu là các hoá chất diệt sinh vật có hại, ngoài ra nó còn bao gồm một số vi sinh vật như trong thuốc BVTV sinh học. Thuốc BVTV chia thành 2 nhóm dựa vào nguồn gốc điều chế:
Hóa học: là các chất được tổng hợp từ phản ứng hóa học, bao gồm 4 nhóm phổ biến nhất là Clo hữu cơ, Lân hữu cơ, Carbamat, Pyrethoid, ngoài ra có rất nhiều nhóm thuốc trừ cỏ như Phenylamide, Phtalimide, Chloroacetamide, Triazine, Triazole, Urea, Sulfonylurea, Phenoxy, Neonicotinoid, Propionate, Dinitrophenol, Benzoic,… và nhiều nhóm thuốc trừ bệnh. Trong đó về khối lượng sử dụng, nhóm Lân hữu cơ nhiều nhất, kế đó là nhóm Carbamat.
Sinh học: có nguồn gốc từ sinh vật như vi sinh (vi khuẩn, nấm, virus, tuyến trùng và động vật nguyên sinh hoặc chất do chúng tiết ra) và thảo mộc (kháng sinh, chất độc, pheromone dẫn dụ giới tính, hóc-môn điều hòa sinh trưởng) như Abamectin, Emamectin benzoat, Dinotefuran...
Phân chia theo thành phần hoá học (các nhóm phổ biến).
Bao gồm 4 nhóm phổ biến nhất:
Nhóm Clo hữu cơ (Organochlorine): Chia làm 4 nhóm chính là: Nhóm Cyclodien; Diphenyl aliphatic; Hexachlorocyclohexane; và Polychloroterpenes.
Nhóm Lân hữu cơ (Organophosphorus): Là các este của axit phosphoric. Đây là nhóm hóa chất độc với người và động vật máu nóng, điển hình của nhóm này là: Malathion, Fenitrothion, Methyl Parathion, Ethyl Parathion, Diazinon, Phosphamidon, Dichlorvos, Chlopyrifos, Monocrotophos, Chlorophos, Methamidophos, Dimethoate, Phenthoate, Glysophate….
Nhóm Carbamat: Chia làm 3 nhóm chính là: Nhóm Methyl, Thio, Dithio.
Nhóm Cúc tổng hợp (Pyrethroid): Là các este có thêm các Cl, N. Ban đầu, bắt nguồn từ hoạt chất pytherin có nguồn gốc tự nhiên từ cây hoa cúc (pytherum), có phổ trừ sâu rộng, hiệu lực diệt cao, độc tính thấp với động vật máu nóng, nhưng độc cao với cá, dễ bị phân hủy quang hóa nên thường dùng để diệt và loại côn trùng trong nhà. Chính nhờ tình chất quý báu đó của Pyrethrin, đã thúc đẩy quá trình nghiên cứu tổng hợp các đồng đẳng của nó như Cyfluthrin, Cyhalothrin, Cypermethrin, Deltamethrin, Pyrethrin, Fenvalelate…
Phân chia theo độc tính
Để thể hiện mức độ độc hại của mỗi loại thuốc, người ta sử dụng chỉ số gây độc cấp tính LD50 hay còn gọi là liều gây chết trung bình căn cứ thử nghiệm trên thỏ hoặc chuột bạch. Chỉ số LD50 càng thấp thì thuốc càng độc và ngược lại chỉ số LD50 càng cao thì thuốc càng ít độc.

Nhóm

Độc tính

Gồm:

LD50 liều gây chết chuột
(mg/kg thể trọng)

Đường miệng

Tiếp xúc da

Ia

Rất cao

Aldrin, Chlordane, Chlordecone, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Lindane, Toxaphene, Parathion, Parathion methyl, Phosphamidon, Aldicarb, Captafol, Carbendazim...

<5

<50

Ib

Cao

Endosulfan, Hexachlorobenzen, Dichlorvos, Methamidophos, Nicotine, Carbofuran, Zinc phosphide, Abamectin, Cyfluthrin...

5-50

50-20

II

Vừa

Butachlor, Pretilachlor, Paraquat, DDT, 2,4-D, Diazinon, Chlorpyrifos, Cypermethrin, Carbosulfan, Fipronil...

50-2.000

200-2.000

III

Nhẹ

Malathion, Chlorpyrifos methyl, Atrazine, Glyphosate, Diuron...

>2.000

>2.000

U

Có thể không độc

Tetramethrin, Triasulfuron, Benomyl, Captan, Imazapyr...

≥5.000

Phân loại độ độc cấp tính theo Hệ thống phân loại hài hòa toàn cầu đối với các chất và hỗn hợp hóa học GHS (Nguồn: Globally Harmonised Classification System for Chemical Substances and Mixtures - WHO 2019)
Tuy nhiên, bảng phân loại theo WHO chỉ đo lường khả năng ngộ độc ngắn hạn (cấp tính) đối thí nghiệm trên chuột, do đó, một số hoá chất dù thuộc nhóm U như Benomyl, Captan vẫn bị cấm sử dụng trong Danh mục thuốc BVTV. Tính đến năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã loại bỏ 12 hoạt chất gồm Carbendazim, Thiophanate Methyl, Benomyl, Paraquat, 2,4-D, Acephate, Diazinon, Zinc phosphide, Malathion, Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate vì có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.

Bảng phân loại thuốc BVTV có thể ghây ung thư cho người theo Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC)

Nhóm

Gây ung thư cho người

Các loại thuốc BVTV

1

Chắc chắn

Lindane, PCB, PCP, Dioxin, As, Cd, Cr6+...

2A

Hầu như chắc chắn

DDT, Dieldrin, Glyphosate, Malathion, Diazinon, Captafol...

2B

Có thể

Mirex, Toxaphene, Hexachloro benzene, Heptachlor, Chlordane, 2,4-D, Parathion, Dichlorvos, Furan, methyl-Hg...

3

không xếp loại vào tác nhân có thể

Methoxychlor, Aldrin, Endrin, Methyl parathion, Carbaryl, Aldicarb, Deltamethrin, Fenvalerate, Permethrin, Trifluralin, Atrazine, Captan, Hg, Se, Cr3+...

4

Không

Gồm các loại còn lại.

Liên quan việc cấm hoặc kiểm soát các thuốc BVTV, có thể xem thêm danh mục cảnh báo của Tổ chức FAO và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam.

Bảng ký hiệu màu và biểu tượng trên thuốc BVTV thể hiện độ độc của thuốc

Quy định ghi nhãn mức độ nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường theo Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV.
Tóm lại.
Các loại thuốc BVTV nhóm clo hữu cơ rất lâu phân hủy. Nhóm lân hữu cơ, nhóm carbarmat có tốc độ phân hủy trung bình. Do đó, khi sử dụng thuốc BVTV trên rau, không nên dùng các thuốc BVTV nhóm clo hữu cơ và nhóm lân hữu cơ, nên dùng nhóm cúc tổng hợp, nhóm thảo mộc và nhất là nhóm thuốc vi sinh phân hủy rất nhanh.

Nhóm thuốc BVTV

Thời gian tồn lưu trong đất

Thuốc diệt côn trùng họ Clo hữu cơ (DDT, chlordane, dieldrin)

2-5 năm

Thuốc diệt cỏ họ Triazin (amiben, simazine)

1-2 năm

Thuốc diệt cỏ họ Benzoic (amiben, dicamba)

2-12 tháng

Thuốc diệt cỏ họ Urea (monuron, diuron)

2-10 tháng

Thuốc diệt cỏ họ Phenoxy (2,4-D; 2,4,5-T)

1-5 tháng

Thuốc diệt côn trùng họ lân hữu cơ (malathion, diazinon)

1-12 tháng

Thuốc diệt côn trùng họ Carbamat

1-8 tuần

Thuốc diệt cỏ họ Carbamat (barban, CIPC)

2-8 tuần

Phần lớn các loại thuốc BVTV mà người dân thuộc nhóm carbamat, lân hữu cơ, cúc tổng hợp. Nhóm clo hữu cơ vẫn được người dân sử dụng diệt cỏ dại, nấm. Nhóm clo hữu cơ và lân hữu cơ đã được sử dụng ít đi, trong khi việc sử dụng nhóm cúc tổng hợp, carbamat có chiều hướng gia tăng.
Không sử dụng nhóm Ia, chỉ được phép dùng để diệt chuột hoặc bảo quản quản lâm sản, các công trình xây dựng, đê điều. Khuyến khích sử dụng hai nhóm III, U và phải nằm trong Danh mục thuốc BVTV cho phép sử dụng. Hiện nay, nông dân chủ yếu sử dụng các thuốc BVTV thuộc hai nhóm II, III và một ít nhóm U. Nhìn chung, nhóm II chủ yếu sử dụng cho diệt sâu, một ít cho trừ bệnh diệt nấm.
Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều ban hành, cập nhật Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam. Năm 2022, Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT cấm tổng cộng 31 hoạt chất (23 hoạt chất thuốc trừ sâu, 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh, 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ). Đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Châu Âu, Uỷ ban Châu Âu đã có quy định Regulation (EC) No 396/2005 về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) cho hơn 1.300 hoạt chất BVTV trong 378 mặt hàng rau quả, thực phẩm. Tương ứng, Bộ Y tế cũng có Thông tư 50/2016/TT-BYT quy định mức MRL cho 205 hoạt chất thuốc BVTV trong rau quả, thực phẩm.

Hồ Hạnh