Kỹ Thuật KNKN
Thực trạng nông nghiệp xanh
Nông nghiệp xanh tại Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ để gia tăng hiệu quả và hướng đến sự phát triển bền vững:
Chưa có quy hoạch cụ thể về việc sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang hạn chế lớn cho việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung do diện tích canh tác quá lớn.
Do chưa có khả năng phân biệt sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường, người tiêu dùng còn thiếu tin tưởng và chưa ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ.
Hạn chế về trình độ, kiến thức khiến người nông dân khó tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thói quen và tư duy cũ trong sản xuất như sử dụng quá mức phân bón vô cơ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và trong chăn nuôi – thú y – thủy sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và uy tín sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hình: Mô hình nông nghiệp xanh (Ảnh minh hoạ)
Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và nông nghiệp xanh
Trên thế giới, tăng trưởng xanh và nông nghiệp xanh đã trở thành xu hướng chủ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, khẳng định vai trò quan trọng của nền nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng và bền vững.
Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp.
Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đưa Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới.
Với các chính sách nêu trên, mô hình nông nghiệp xanh tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nông dân. Ở nhiều địa phương, nhiều mô hình đang chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp xanh và sinh thái, theo xu hướng thị trường toàn cầu và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp, và hợp tác xã đã nâng cao nhận thức cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo "4 đúng," giảm lượng phân bón vô cơ, và áp dụng tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" hay kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi.
Các giải pháp trên đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa-tôm và lúa-cá ở Đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ điển hình, giúp giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng. Công ty Cổ phần T&T 159 Hòa Bình thu mua phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi và đệm sinh học, giảm thiểu ô nhiễm và tăng thu nhập.
Nông nghiệp hữu cơ cũng phát triển mạnh mẽ, với diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 77.000 ha năm 2016 lên khoảng 240.000 ha năm 2022, lan tỏa rộng rãi tại 59/63 tỉnh, thành phố.
Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng được tiêu thụ mạnh mẽ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác.
Các mô hình nông nghiệp xanh phổ biến hiện nay
Dưới đây là 4 mô hình nông nghiệp xanh đang phổ biến nhất hiện nay:
Mô hình trồng rau thủy canh
Trồng rau bằng phương pháp thủy canh là mô hình rất quen thuộc mà ai cũng có thể áp dụng ngay tại nhà. Chỉ cần một không gian thoáng mát và có ánh sáng như gần cửa sổ hay sân thượng, là có thể tự tay trồng rau sạch cho gia đình mình.
Hiện nay, mô hình trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mô hình này không chỉ cung cấp rau sạch mà còn có chi phí duy trì thấp và lợi nhuận cao, trong khi nhu cầu về rau sạch trên thị trường luôn cao.
Nuôi trồng thủy canh, hệ sinh thái trồng cây, nuôi cá
Aquaponics là hệ thống kết hợp trồng rau thủy canh hữu cơ và nuôi cá tại nhà với nguyên tắc "3 Không": Không dùng đất; Không phân bón; Không cần tưới. Hệ thống này cung cấp cả cá sạch và rau sạch cho nhu cầu hàng ngày.
Aquaponics hoạt động theo chu trình khép kín tại nhà. Chất thải của cá được lọc qua vi sinh và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng (Nitrat) để nuôi cây, trong khi rễ cây hấp thụ chất dinh dưỡng, lọc sạch nước và trả lại cho bể cá.
Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần bổ sung khi bị bay hơi. Quy trình này được lặp đi lặp lại tạo thành Aquaponics tuần hoàn khép kín.
Phương pháp này không chỉ giúp tự động làm sạch hồ cá mà còn cung cấp rau sạch hữu cơ. Các gia đình sở hữu sẵn hồ cá cảnh hoặc nuôi cá có quy mô lớn thì công nghệ Aquaponics càng tối ưu hơn, vừa tự động làm sạch hồ cá, vừa cung cấp rau sạch hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày.
Du lịch gắn với nông nghiệp xanh
Du lịch kết hợp với nông nghiệp xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho nhiều địa phương và doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của người nông dân không chỉ làm phong phú và hấp dẫn thêm sản phẩm du lịch mà còn giúp họ tăng thu nhập.
Một số tour du lịch tiêu biểu của loại hình này bao gồm trải nghiệm và tham quan nông trường Mộc Châu, ngắm ruộng bậc thang và thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu hay tham gia các hoạt động nghề nông ở Hội An như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm và làng bắp Cẩm Nam.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn
Mô hình cánh đồng mẫu lớn là một trong những mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu, thường áp dụng cho việc trồng cây lương thực như lúa mì, lúa gạo. Mô hình này có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cả sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của cuộc cách mạng xanh.
Người nông dân sẽ được hỗ trợ về máy móc như máy gặt và kỹ thuật hiện đại. Áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp giảm diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn môi trường sinh thái và dễ dàng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chẳng hạn như sử dụng máy bay nông nghiệp.
PTMT