Kỹ Thuật KNKN
1. Nguyên nhân:
Những nái có sức tiết sữa cao, thường có bộ vú phát triển hơn so với những con cùng lứa tuổi, cùng tầm vóc, đó là yếu tố di truyền. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố ngoại cảnh chi phối chẳng hạn như cố độ dinh dưỡng của nái đang mang thai, nái dành ăn nhiều hơn các con khác, chất dự trữ trong cơ thể nhiều, do đó khả năng tiết sữa trong những ngày đầu sau khi hạ thai rất cao vượt khỏi nhu cầu của đàn con sơ sinh. Nếu đàn con sơ sinh quá ít (dưới 6 con/ổ) hoặc vú nái quá to, hàng vú trên đè bít hàng vú dưới thì chứng dư sữa heo nái càng xảy ra hơn. Ngoài ra, nái đẻ lứa thứ hai trở đi dễ mắc chứng dư sữa hơn heo nái đẻ lứa đầu.
Dấu hiệu báo trước tình trạng nái dư sữa là hai hàng vú căng mọng lúc sắp đẻ, bầu vú căng bóng như có quét qua một lớp "vecni", khi nái đẻ chậm con chưa kịp bú, lớp "vecni" rạng nứt, nhăn nheo hoặc bong ra (đó là lớp da căng vì phù nề nên hoại tử). Trong hốc vú và hốc đầu vú của mỗi núm vú chứa đầy sữa, khi nặn sữa vọt ra thành tia dài từ 3-10 dm (ở nái có sữa trung bình, nặn tia sữa vọt dài 1- 2 dm, có khi chỉ trào nhẹ ra khỏi lỗ đầu vú). Khi nhận thấy lớp "vecni" trên đầu vú có thể biết nái dư sữa 1- 3 ngày trước khi đẻ, lớp "vecni" càng xuất hiện sớm sẽ bong ra dễ dàng lúc sắp đẻ, nái càng dễ bị chứng dư sữa. Khám tia sữa có thể nhận định nái dư sữa từ 6 giờ trước khi đẻ.
2. Hậu quả:
Nái dư sữa, con không bú hết, sữa tích đọng trong vú tạo áp lực làm giảm sự hoạt động và thoái hóa tuyến nang sữa hậu quả làm cho vú trễ đi nên ít sữa. Đặc điểm của tuyến vú là mô tuyến ngoại tiết, tập hợp với nhau thành nang tuyến sữa, tế bào tiết sữa bằng cách tập trung những chất về một phía để tạo sữa theo cơ chế bình thường. Nhưng nếu vì lý do không tiết sữa ra ngoài bầu vú, bầu vú căng làm sữa ở trong các nang sữa cũng căng, tế bào sữa không thể tập trung chất làm sữa gây vỡ màng tế bào để phóng sữa vào lòng nang như bình thường. Hậu quả là tế bào giảm hoạt động tạo sữa và trở về trạng thái " tuyến sữa nghỉ ngơi" như lúc chưa mang thai. Đây là cơ chế điều chỉnh tiết sữa, cắt sữa rất tự nhiên: Nái không cho con bú 24 giờ, vú căng sữa sẽ tự ngừng tiết sữa.
Trường hợp nái dư sữa trên đây chỉ làm giảm sự tiết sữa của tế bào nang sữa; vì còn có heo con bú, sữa mẹ bớt đi sức căng ở bầu vú và nang sữa. Tuy nhiên sữa đầu nhiều đạm chất tích tụ trong vú là môi trường thuận lợi cho sinh vật sinh sản tấn công các tuyến sữa gây hậu chứng viêm vú bặt sữa. Nái có vú viêm (hư) từ các lứa đẻ trước, khi bị dư sữa càng dễ bị huyết nhiễm trùng sốt cao mất sữa toàn bộ. Nái ít sữa thì heo con gầy còm chậm lớn, nếu bặt sữa, viêm vú thì heo con chết dần mòn vì thiếu sữa hoặc tiêu chảy, hoặc sưng phổi, huyết nhiễm trùng, chết.
3.Trị liệu:
Khi phát hiện thấy lớp "vecni" và tia sữa quá dài thì phải cảnh giác tình trạng nái dư sữa. Đối phó bằng các biện pháp sau đây:
Cho heo con bú sữa đầu thật no không để sữa tích đọng căng vú, năng cho heo con bú mẹ trong tuần lễ đầu , cứ 45 phút đến 1 giờ cho bú 1 lần (thay vì 1 giờ 30-2 giờ/ lần ở nái có sữa bình thường). Heo con bú vú no thường ngủ, cần đánh thức dậy để bú.
Khẩu phần ăn cho nái nuôi con phải giảm lượng bằng ½ lúc nái chửa trong tuần lễ đầu, sau đó tăng từ từ cho đến 10 ngày sau thì cho nái ăn theo nhu cầu. Chú ý 2 – 5 ngày sau khi đẻ cho ăn gạo, tấm xay nhưng phải bổ sung canxi phốtpho (bột xương chín) thêm muối ăn 0,5% cho vừa khẩu vị, sau đó mới từ từ thay bằng thức ăn hỗn hợp có bổ sung chất khoáng, đạm chất (bột cá, khô phân, bã dầu…) luôn luôn cho ăn nhiều rau xanh.
Thường xuyên khám vú, nếu vú còn tích sữa đọng, càng cứng thì càng xoa nắn, chườm, thúc heo con bú thêm nhiều lần trong ngày cho cạn.
Cần chú ý dưỡng chất của nái lúc mang thai giai đoạn một (hai tháng đầu sau khi phối giống) và 15 ngày trước lúc sinh cho ăn vừa đủ để nái không quá dư sữa.
Tuy nhiên, nái dư sữa là nái tốt sữa nên cần biết nhận định heo dư sữa để có cách xử lý kịp thời. Heo con bú nhiều lần hơn bình thường với chất lượng lượng sữa tốt sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đem lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi. Tuy nhiên cần lưu ý là khi thoát khỏi chứng dư sữa trong những ngày đầu đàn con có khả năng tiêu chảy vì dư sữa và đàn con nhiều sữa mẹ,ít chịu ăn sớm, cần tập chúng ăn, nếu không chúng chỉ dựa vào sữa mẹ giảm chất lượng lẫn số lượng, heo con sẽ dần gầy ốm.