Kỹ Thuật KNKN
Thực trạng của ngành chăn nuôi
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, mỗi năm có trung bình 63,2 triệu tấn phân và trên 348,9 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.
Trong số 63,2 triệu tấn chất thải rắn từ các vật nuôi chính, thì heo chiếm 39%, 37% từ bò, 18% từ trâu và 6% từ gia cầm. Trong số 348,9 triệu m3 nước thải, 90% từ chăn nuôi heo. Một phần trong số này được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo hoặc là nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, ngành chăn nuôi hàng năm thải ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2, chiếm 19% lượng phát thải trong nông nghiệp. Có 2 loại khí nhà kính (KNK) chủ yếu được phát thải từ chăn nuôi là khí mê tan (CH4) và khí ôxít nitơ (N2O). Do số lượng chăn nuôi bò ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 250.000 tấn/năm, bò sữa khoảng 20.000 tấn/năm.
Đối với chăn nuôi heo, một con heo phát thải khoảng 4,84 kg CO2 tương đương/kg thịt. Nếu tính trung bình khối lượng heo tiêu chuẩn xuất chuồng là 90 kg, một con heo phát thải khoảng 438 kg CO2 tương đương khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Như vậy, với số lượng đầu heo xuất chuồng của chúng ta dao động khoảng 50 triệu con trong 3 năm trở lại đây thì hằng năm, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi heo là lớn nhất với khoảng 22 triệu tấn CO2 tương đương.
Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh là trên 580.000 con, trong đó, đàn heo là 415.000 con, đàn trâu và bò là 57.293 con, dê và cừu là 101.000 con, đàn gà là 4.732 con và thuỷ cầm là 2.236 con.
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Thu gom và xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi
Chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom triệt để và sớm nhất có thể, đồng thời chất thải phải được xử lý theo đúng quy định. Ngoài ra, lượng chất thải này có thể được tận dụng để ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt. Hoặc các hộ chăn nuôi có thể xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải cho trang trại chăn nuôi và sản xuất năng lượng tái tạo.
Hình: sơ đồ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas (Ảnh Internet)
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas (Công trình khí sinh học).
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học được đánh giá là giải pháp hữu ích đối với chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, việc sử dụng hầm Biogas đang được người chăn nuôi quan tâm vì vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại, sử dụng phân từ phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học. Nhờ có công trình khí sinh học mà lượng lớn chất thải chăn nuôi trong nông hộ được xử lý góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần chú ý đến quy mô, diện tích trang trại để quyết định lựa chọn công nghệ hầm xây hoặc hầm nhựa hoặc hồ phủ bạt HDPE cho phù hợp.
Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học.
- Xử lý môi trường bằng men sinh học.
Hiện nay, người chăn nuôi đã sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường. Có một số loại men được sử dụng để trộn vào thức ăn, nước uống vừa làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, vừa giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu hoặc có loại được dùng để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thải để giảm ô nhiễm môi trường.
- Chăn nuôi trên đệm lót sinh học
Nguyên liệu gồm mùn cưa, trấu, phoi bào trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Phương thức chăn nuôi này hiện đang được khuyến khích áp dụng đối với chăn nuôi gà. Công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học là hướng đi mới và thu được những kết quả tốt.
Hình: chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học (Ảnh Internet)
Xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ (Compost).
Nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ hảo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gậy bệnh bị tiêu tiệt bởi nhiệt độ đống ủ. Đây được coi là một trong những hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp hữu cơ.
Xử lý bằng công nghệ ép tách phân.
Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc "lưới lọc". Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Máy ép có thể tách các tạp chất rất nhỏ trong chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp. Quá trình xử lý này tuy đầu tư ban đầu tốn kém nhưng rất hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò theo hướng công nghiệp hiện nay.
Một số biện pháp xử lý khác
Một số biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi khác như: xử lý nước thải sau biogas bằng hệ thống tưới; xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp nuôi giun quế; Xử lý nước thải bằng biện pháp sục khí… cũng cho kết quả tốt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Đảm bảo chất lượng môi trường sống cho con người lẫn vật nuôi
Chăn nuôi có thể tác động rất lớn đối với sức khỏe môi trường nếu không được quản lý đúng cách. Việc sử dụng các nguồn tài nguyên như nước, đất trong chăn nuôi một cách quá mức có thể dẫn đến sự mất cân bằng, làm suy giảm chất lượng môi trường sống. Từ đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của con người lẫn vật nuôi đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Duy trì và bảo tồn sự đa dạng sinh học
Chăn nuôi bền vững sẽ giúp duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi còn giúp ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học của các loài động vật tại địa phương và đảm bảo rằng chúng không phải đối mặt với bất kỳ sự đe dọa nào.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí
Hoạt động chăn nuôi có thể tạo ra nhiều loại chất thải, gây hại cho môi trường (bao gồm cả môi trường nước, đất và không khí). Việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi sẽ giúp quản lý và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tốt hơn.
Đáp ứng an toàn thực phẩm, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng
Một môi trường lành mạnh là điều kiện cần để đảm bảo các sản phẩm chăn nuôi có thể đáp ứng an toàn và sức khỏe cộng đồng. Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi giúp sản phẩm chăn nuôi không chứa những chất độc hại, từ đó giúp an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Vệ sinh khu vực chuồng trại và xung quanh chuồng trại
Chuồng trại cũng như khu vực xung quanh chuồng trại cần luôn đảm bảo được thực hiện vệ sinh định kỳ và sạch sẽ. Điều này cũng giúp giảm đi tác động xấu của các loại chất thải và vi khuẩn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Quản lý dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe vật nuôi
Sức khỏe vật nuôi cần được chú trọng, chăm sóc một cách tốt nhất nhằm đảm bảo chúng khỏe mạnh, sức đề kháng cao. Người chăn nuôi cần quản lý dinh dưỡng bằng cách lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp để giảm đi lượng chất thải và chất độc hại từ quá trình tiêu hóa của vật nuôi.
Ngoài ra, vật nuôi cũng cần được tiêm phòng vaccine, duy trì vệ sinh thân thể, giảm sử dụng kháng sinh và điều trị bệnh kịp thời để đảm bảo được sức khỏe vật nuôi.
Tuân thủ theo quy định
Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nhằm tuân thủ theo các quy định và chuẩn mực của ngành. Đồng thời việc này giúp duy trì hình ảnh tích cực của ngành chăn nuôi và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Hợp tác, giáo dục và tư vấn về hoạt động chăn nuôi tại cộng đồng địa phương
Các cơ quan, địa phương cần tăng cường giao tiếp, hợp tác để đảm bảo hoạt động chăn nuôi không tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng xung quanh. Đồng thời, cung cấp thêm thông tin, đào tạo cho người chăn nuôi về phương pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường.
Như vậy, để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái người chăn nuôi cần lựa chọn giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường phù hợp, góp phần làm giảm phát sinh dịch bệnh, nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt và góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trang Trình