Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13765394
Số người đang truy cập: 46

Kỹ Thuật KNKN

Một số lưu ý trước trong và sau giai đoạn làm bông sầu riêng nhà nông cần biết
Sầu riêng là loại trái cây được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” với hương vị thơm ngon và giá trị kinh tế cao. Bài viết “Một số lưu ý trước trong và sau giai đoạn làm bông sầu riêng nhà nông cần biết” có thể giúp bà con nông dân nắm thêm kiến thức, kỹ thuật và thu được mùa màng bội thu.

Giai đoạn trước khi làm bông sầu riêng
Cây sầu riêng: Cây sầu riêng phải đủ tuổi ra hoa, thường từ 4-5 năm tuổi trở lên là giai đoạn làm bông kinh doanh tốt nhất. Cây khỏe, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Cây phải được 3 cơi đọt, mỗi cơi đọt 6-8 lá.
Kiểm soát PH đất: Độ pH đất có ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây sầu riêng. Để cây ra hoa và đậu quả tốt, cần duy trì độ pH đất ổn định trong khoảng từ 5,5 đến 6,5. Điều này giúp tạo môi trường thuận lợi để rễ hấp thụ dưỡng chất hiệu quả, hỗ trợ quá trình làm bông.
Dọn gốc, tỉa cây, dọn vườn: Trước khi vào giai đoạn làm bông nên dọn sạch gốc cây để rễ dễ hấp thụ dinh dưỡng. Gốc sạch cũng giúp phân bón thấm nhanh hơn. Việc kiểm soát độ ẩm tại gốc cũng giúp cây tránh bị úng khi bước vào mùa khô.
Trước khi làm bông sầu riêng, bạn cần cắt tỉa cành lá già, cành sâu bệnh, khô, cành tăm tạo tán thông thoáng cho cây. Xử lý phòng trừ nấm bệnh, tăng khả năng kháng bệnh cho cây. Khi thân cành thông thoáng, cây sẽ quang hợp tốt hơn và tập trung năng lượng cho quá trình ra hoa.
Phân bón, nước tưới: Đảm bảo bón phân, tưới nước đầy đủ. Bón hữu cơ, bình quân từ 5-10 kg/gốc. Tưới đủ nước mỗi ngày, tùy theo tán cây và thời tiết. Nhà vườn sẽ điều chỉnh lượng nước. Vườn sầu riêng được chăm sóc đầu tư có bài bản từ đầu mùa, cây khỏe đủ sức thì có nhú đọt non cũng sẽ không rụng bông và trái.
Thời điểm làm bông: Thời điểm lý tưởng ở mỗi vùng sẽ khác nhau, thường vào các tháng khô ráo trong năm. Làm bông sầu riêng mùa thuận, thời tiết khô ráo, nắng ấm, độ ẩm không khí thấp là điều kiện lý tưởng để làm bông sầu riêng. Tránh làm bông vào mùa mưa hoặc khi thời tiết quá lạnh. Tại miền đông nam bộ: Khoảng tháng 11,12-01 dương lịch là thời điểm làm bông thích hợp, khi thời tiết ít mưa và nhiệt độ ổn định hơn.
Giai đoạn làm bông sầu riêng
Để làm bông đạt hiệu quả, cây cần có ít nhất 2 - 3 cơi lá (tương đương với 2 - 3 lần ra đọt), lá khỏe mạnh và có màu xanh đậm, không bị sâu bệnh hay rệp phá hoại. Lá phải đạt độ trưởng thành, cứng cáp và có lớp phủ bóng láng. Đối với cây còn non làm trái bói, bà con có thể dưỡng 1 cơi lá trước khi làm bông.
Xiết nước – Chăm sóc ủ mầm bông cho cây sầu riêng: Sau khi tưới tạo mầm hoa 15 ngày, quan sát thấy lá đã già bạn cần tiến hành xiết nước. Nếu giai đoạn bắt đầu xiết nước lá cây vẫn chưa già, cần tiến hành phun thúc già lá (bằng các sản phẩm như 10-60-10 hoặc 0-52-34) trước khi xiết nước. Giảm lượng nước tưới hoặc ngừng tưới hoàn toàn trong khoảng 15-20 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và độ ẩm đất. Trong quá trình xiết nước, nếu cây có hiện tượng đi đọt, bà con nên sử dụng sản phẩm  chế phẩm để chặn đọt
Dưỡng hoa, kéo đọt, kéo mắt cua: Sau khi quan sát cơi đọt bắt đầu nhú mũi giáo, bổ sung phân bón dinh dưỡng giúp kéo nhanh cơi đọt. Giai đoạn này cần bổ sung phân bón có hàm lượng hữu cơ cao giúp cây cơi đọt mở ra nhanh và xanh dày.
Quan sát khi mắt cua nhú trên 60% và dài khoảng 0,5-1cm, bạn cần tiến hành phun rước mắt cua 2 lần cách nhau 5-7 ngày để hạn chế chai mắt cua đến 50-60%. Giai đoạn này bà con có thể cung cấp hàm lượng boron hữu cơ, vi lượng. Chăm sóc định kì 7-10 ngày /lần để giúp kéo mắt cua hiệu quả.
Sau khi thấy mắt cua ra hoàn toàn (sáng mắt cua) với độ dài 2-3cm chắc chắn đã ra bông thì có thể xử lý: Bắt đầu tiến hành tưới nhấp nước, không nên tưới quá nhiều để hạn chế bị sốc sinh lý; Kích cây ra đọt bằng cách kết hợp xử lý phun trên lá và bón dưới gốc. Thời tiết mưa thì bạn phải tiến hành phun rửa bông bằng nước sạch để rửa bông, hạn chế khô đen.
Nếu tưới sớm khi mắt cua vẫn đang ra, chưa sáng rõ có thể dẫn đến nghẽn bông, mắt cua bị đen trở lại và sẽ ra bông phướn hoặc lá. khi bắt đầu tưới lại chỉ tưới sương nhẹ mặt đất, sau đó qua mỗi lần tưới tăng dần lượng nước thêm một ít. Tưới đều 4-5 ngày tưới 1 lần, không được để quá khô rồi mới tưới sẽ gây nên hiện tượng sốc nước cho cây.
Tạo mầm hoa là một trong các bước làm bông sầu riêng quan trọng, quyết định 30-40% năng suất sau này. Khi quan sát lá đã lụa hoàn toàn tiến hành tăng cường bón phân chứa hàm lượng Kali và Lân để kích thích tạo mầm hoa.

Hình: Các giai đoạn làm bông trên cây sầu riêng - Hoa sầu riêng, giai đoạn lá lụa, mắt cua mầm hoa, vườn sầu riêng chuẩn bị làm bông, lá già... (Ảnh: Thảo Nguyên)

Giai đoạn sau khi làm bông sầu riêng
Cần chú ý nắm rõ chu kỳ thời gian của cây sầu riêng giai đoạn làm bông như sau:
- Những thời điểm đi đọt của cây sầu riêng: Đang làm bông; Sau xổ nhụy; Trái 20 ngày - Cây đi đọt; Trái 45 ngày - 60 ngày cây đi đọt rất; Trái 80 ngày, cây đi đọt và có lá non
- Cơi đọt sầu riêng: Từ khi mới nhú đến khi bộ lá thành thục: 60 ngày
- Khi lú mắt cua đến khi xả nhụy: 45 - 65 ngày
- Thời gian trái đậu (sau 3 ngày nở bông) đến thu hoạch: 115 - 120 ngày
Theo dõi thường xuyên, định kỳ tình vườn cây sau khi làm bông và phòng trừ sâu bệnh hại tấn công bông và trái non (nấm, thán thư, xì mủ..).
Tiến hành tỉa bông cho sầu riêng: Đây là bước bắt buộc và quan trọng phải có trong quá trình canh tác. Nếu không tỉa bông, cây sẽ không thể cung cấp đủ dinh dưỡng dẫn đến bông bị ốm, thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra bông quá nhiều, sát nhau, tạo điều kiện cho nấm bệnh, sâu rầy phát triển và tấn công cây gây ra hiện tượng rụng bông. Và hiệu quả khi trái thu hoạch không đều nhỏ xấu và mất năng suất còn suy cây. Tỉa bỏ bông tùy thuộc vào mức độ ra bông và kế hoạch thời gian thu hoạch quả của nhà vườn.
Việc tỉa bông sầu riêng phải được thực hiện lần đầu khi chùm bông đầu tiên có chiều dài 3-5cm. Lần hai khi chùm bông dài từ 8-10cm. Ở các cây sầu riêng già, bông thường ra ngoài đọt ít có trong cành, không áp dụng tỉa bỏ ngoài đầu cành. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm bông đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để bông, trái gần thân thì bông, trái ở vị trí này phát triển rất kém. Nên chọn lựa những chùm bông ở vị trí xa nhau để nuôi (các chùm bông cách nhau khoảng 15 – 20 cm), tránh cạnh tranh dinh dưỡng trên cùng một chùm quả. Những chùm quả chen chúc sẽ khiến quả bị méo mó, quả không đạt kích thước tối đa và cũng dễ dàng bị lây nhiễm bệnh hơn. Ưu tiên giữ lại những nụ ra cùng đợt và những bông tròn, đều, cuống bông khỏe, không sâu bệnh. Mỗi chùm bông chỉ chừa khoảng 10 – 20 bông.
Bón phân tưới nước đầy đủ và cân đối để nuôi bông và trái và đảm bảo độ ẩm cho cây. Phun thuốc ngừa sâu bệnh cho bông, trái và cây.

Thảo Nguyên