Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15126123
Số người đang truy cập: 14

Kỹ Thuật KNKN

Tìm hiểu về “Thủ tục, hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng”
Việc thiết lập và đăng ký cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của thị trường Trung Quốc. Nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Vì vậy, cơ sở trổng trọt/đóng gói cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng/đóng gói như thế nào? Chúng ta tham khảo bài viết dưới đây.

Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng (Mã số đơn vị sản xuất) (PUC – Production Unit Code) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm sự an toàn của nông sản trong từng giai đoạn từ trước và sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản cũng như quy cách đóng gói.

Vùng trồng ở đây có nghĩa là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, hoặc tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu sẽ bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất.

Diện tích vùng trồng (đối với cây ăn quả) tối thiểu là 10ha

Yêu cầu về diện tích:

- Đối với cây ăn quả: tối thiểu 10 ha.

- Đối với rau gia vị: tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới/nhà kính và yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Cây trồng khác: tuân theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu có vùng đệm hoặc các yêu cầu khác về diện tích thì thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Quy trình cấp mã số vùng trồng

Bước 1: Đăng ký cấp mã số vùng trồng

Cơ sở gửi tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng và hồ sơ chi tiết về Chi cục Trồng trọt và BVTV.

Bước 2: Khảo sát vùng trồng

- Chuyên gia Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ đến trực tiếp khảo sát tại vùng trồng xin cấp mã số, đưa ra các góp ý cho cơ sở đáp ứng quy định về thiết lập vùng trồng.

- Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cán bộ của Cơ quan BVTV nước nhập khẩu có thể đi theo để cùng đánh giá.

- Chuyên gia kỹ thuật đến kiểm tra thực địa, với một số yêu cầu cơ bản như: Vùng trồng phải theo hướng VietGAP (tuy nhiên không bắt buộc phải có giấy chứng nhận VietGAP), nhất là đảm bảo vệ sinh đồng ruộng; sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch bệnh,…

- Hỗ trợ khắc phục các nội dung chưa phù hợp.

Hình: Mã số vùng trồng sầu riềng (Ảnh minh hoạ)

Bước 3: Phê duyệt cấp mã số vùng trồng

- Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thẩm định và cấp mã số cho vùng trồng đạt yêu cầu, và gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu.

- Sau khi nước nhập khẩu phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh để quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số.

- Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục BVTV sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Cơ sở xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu.

Bước 4: Bàn giao mã số vùng trồng

- Sau khi Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh nhận được thông báo, sẽ thực hiện gửi thông báo về cho cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng.

- Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phụ trách đánh giá giám sát định kỳ tại vùng trồng.

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng

A. Hồ sơ chuẩn bị tại vùng trồng

- Quy trình sản xuất tại vùng trồng: Khuyến khích các vùng trồng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

- Cam kết vùng trồng; cam kết tiêu thụ (đối với doanh nghiệp).

- Nhật ký canh tác (Phụ lục F – TCVN 774:2020/BVTV): Có thể sử dụng hồ sơ ghi chép của GAP, nhưng phải đảm bảo đầy đủ các thông tin.

B. Hồ sơ cần chuẩn bị đăng ký mã số vùng trồng

1. Tờ khai kỹ thuật:

Thông tin cơ sở; thông tin vùng trồng; sản xuất theo tiêu chuẩn nào; biện pháp quản lý sinh vật gây hại; cam kết; giấy chứng nhận (nếu có),…

2. Cam kết tiêu thụ hoặc hợp đồng tiêu thụ nông sản

Nếu doanh nghiệp đứng đại diện vùng trồng cam kết: sản xuất theo quy trình GAP hay sản xuất an toàn; tuân thủ các quy định và yêu cầu của GACC (Tổng cục Hải quan Trung Quốc); thực hiện giám sát nội bộ; cam kết thu mua – không ép giá nông dân.

3. Nhật ký canh tác

Ghi chép đầy đủ thông tin nhật ký sản xuất, nhật ký GAP: Giai đoạn phát triển; phát hiện sinh vật gây hại; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch;…

Cụ thể như sau:

1. Đối với thủ tục cấp mã số vùng trồng

Theo tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng.

- Thành phần hồ sơ: Tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng theo mẫu tại phụ lục A tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV (Kèm theo danh sách các hộ nông dân vùng trồng kèm theo diện tích và Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, …. hoặc tương đương cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có)) và các thông tin cần thiết.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Nộp hồ sơ: Các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

2. Đối với thủ tục cấp mã số cơ sở đóng gói

Theo tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói.

- Thành phần hồ sơ: Tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói theo mẫu tại phụ lục A tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV (Kèm theo thông tin của cá nhân/tổ chức đại diện cơ sở đóng gói, bản vẽ chi tiết mặt bằng cơ sở đóng gói (bản chính), diễn giải sơ đồ vận hành cơ sở đóng gói, bản sao chứng nhận (HACCP/GMP/ISO 9001/ISO 22000) của cơ sở đóng gói (nếu có)) và các thông tin cần thiết.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Nộp hồ sơ: Các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Thuỳ An