Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13755036
Số người đang truy cập: 8

Kỹ Thuật KNKN

Giải pháp cho phát triển kinh tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam
Nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, dưới tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế.
Cơ hội và thách thức của phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (KTTHTNN)
Cơ hội phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Đây được coi là nguồn tài nguyên lớn để phát triển KTTHTNN.

Hình: Mô hình tuần hoàn lấy rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập
đáng kể cho người dân (Ảnh sưu tầm)

Hiện nay, triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp đang đem lại nhiều giá trị tích cực cho ngành. Kinh tế tuần hoàn từng bước giải quyết được các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, mang lại lợi năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nhiều loại mô hình KTTHTNN đã được áp dụng trên nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau:
Mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt - củi trấu tại tỉnh An Giang với công suất 80.000 tấn/năm sử dụng 16.000 tấn trấu (lượng trấu sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường). Mô hình giúp cắt giảm khí nhà kính (CO2), giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu tương đương 3,2 tỷ đồng/năm.
Mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân có thể vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc. Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một héc-ta trồng lúa có thể tạo trồng được 250 - 300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000 - 27.000 đồng/kg nấm tươi, một héc-ta trong mô hình này, ngoài tiền lúa, người nông dân có thể thu được từ 6 - 8 triệu đồng.
Mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế, như bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học…
Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình vườn - ao - chuồng (VAC); mô hình lúa - tôm, lúa - cá…); mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng. Mô hình vườn - ao - chuồng - bioga (VACB); vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; vườn - ao - hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Thực hiện mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Mô hình "lúa, tôm", "lúa, cá" được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5 - 10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.
Thách thức của phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Nông nghiệp tuần hoàn đã và đang mang lại nhiều lợi ích song việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ngành nông nghiệp vẫn đang còn hạn chế. Các mô hình tái chế phế phụ phẩm còn ít, chưa phát huy được tối đa tiềm năng từ nguồn thu phế phẩm lớn.
Bên cạnh đó, các văn bản luật,  khung chính sách liên quan chưa được hoàn thiện, quá trình đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế cũng là một trong các thách thức lớn.
Giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Một số giải pháp hiệu quả giúp thúc đẩy KTTHTNN:
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn hướng tới nông nghiệp xanh bền vững, nhận thức và kiến thức cộng đồng nông dân, chính quyền … cần được nâng cao. Có các buổi trao đổi về vai trò, tính quan trọng, lợi ích mang lại, tiêu chí thực hiện… cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, các kiến thức và kinh nghiệm về ngành cần được áp dụng linh hoạt, phù hợp theo thực trạng của từng địa phương. Thông qua đó cải tiến cách thức, cơ cấu ngành trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.
Hoàn thiện thể chế chính sách phục vụ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn
Các cơ chế chính sách về việc thúc đẩy thực thi tăng trưởng xanh, thúc đẩy các mô hình sản xuất NNTH cần được đổi mới và hoàn thiện. Nội dung chính sách phải phù hợp, đồng bộ, kịp thời. Tăng cường thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của các hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia tái chế các phụ phẩm nông nghiệp.
Sử dụng các mô hình sản xuất tiên tiến
Các mô hình sản xuất hiện đại hướng tới giảm thiểu và loại bỏ các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường cần được triển khai và sớm đưa vào áp dụng. Mở rộng phạm vi ứng dụng những mô hình sản xuất sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái chế và tái sử dụng phế phụ phẩm từ nông nghiệp.
Mở rộng giao lưu hợp tác
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn cần có sự liên kết, hợp tác kinh tế với nhiều doanh nghiệp, địa phương trong khu vực và lân cận để mở rộng thị trường và quy mô sản xuất. Các hoạt động thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn (doanh nghiệp trong và ngoài nước …) cho các hoạt động tái sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp của địa phương cần được đẩy mạnh.
Tuyên truyền và truyền thông đúng cách
Truyền thông sẽ giúp người dân hiểu và tiếp cận được nhiều mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp kết hợp mới. Việc hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cách thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản nông nghiệp tuần hoàn là điều cần thiết.
Các chương trình truyền thông cần có nội dung hữu ích, cung cấp những kiến thức mới về kinh tế tuần hoàn trong nôngnghiệp, nông nghiệp xanh. Lồng ghép các nội dung trên vào phát triển và xây dựng nông thôn mới, đưa Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực.
Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp
- Hệ thống tưới tiêu từ xa giúp người nông dân dễ dàng kiểm soát nhiệt độ, chất lượng nước và đảm bảo nguồn nước cung cấp cho cây trồng trong điều kiện thời tiết khô hanh.
- Công nghệ điện toán đám mây, cho phép người dân lưu trữ dữ liệu tồn kho, năng suất cây trồng… và được đồng bộ trên các thiết bị khác nhau, hỗ trợ việc kiểm tra số lượng, sản lượng,… của quá trình trồng trọt và chăn nuôi.
- Sử dụng máy bay không người lái (drone) trong nông nghiệp, có khả năng kích hoạt tự động qua GPS. Nó được gắn cảm ứng và máy ảnh có chế độ chụp tự động cho phép người dùng quan sát, theo dõi các điều kiện của nước, cây trồng… Tốc độ và hiệu quả sử dụng drone đem lại tỷ lệ hấp thu lên tới 75%, đồng thời giảm chi phí nhân công tới 85%.
- Chip điện tử được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp chăn nuôi nhằm mục đích quản lý gia súc, gia cầm. Thiết bị giúp người nông dân nắm được thời gian cho ăn và khối lượng đồ mà vật nuôi đã ăn…
- Canh tác trong nhà kính có thể giúp tăng năng suất cao gấp 50 lần so với nuôi trồng trong môi trường ngoài trời truyền thống. Việc nuôi trồng này có thể mang lại nhiều lợi ích, như tránh được khí hậu bất lợi, đảm bảo luôn giữ được môi trường ổn định cho cây trồng vật nuôi, ngăn chặn côn trùng tấn công, phòng bệnh tật lây lan…
- Công nghệ sinh học giúp tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao hơn. Điển hình là công nghệ vi phân cho phép người nông dân chọn và thuần hóa thực vật. Công nghệ chuyển gen giúp thực vật phát triển trong môi trường cụ thể mà có thể không cần sử dụng đến các hóa chất.
- Ứng dụng bột chịu hạn cho các vùng đất khô cằn, bột chịu hạn được sử dụng tại nhiều khu vực có khí hậu nắng nóng và lượng mưa thấp.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn sử dụng các phế thải kết hợp với công nghệ sinh học, hóa lý… tạo ra sản phẩm đầu vào mới giúp gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh. Điển hình là hai mô hình trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi trồng trọt. Trong lĩnh vực thủy sản, các phế phụ phẩm thủy sản có thể sử dụng để tạo: Tách chiết gelatin từ da cá tra, sử dụng làm đầu vào thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ… Nếu ứng dụng công nghệ cao để khai thác nguồn phụ phẩm trên, doanh thu có thể đạt 4 – 5 tỷ USD.

Vân Linh