Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13267160
Số người đang truy cập: 11

Chăn Nuôi

Con đường ngắn nhất đưa sản phẩm ra thị trường
Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được xem là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

 

Chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp "từ trang trại đến bàn ăn" là giải pháp khắc phục tình trạng manh mún trong chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà ta của ông Nguyễn Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

 

Sản xuất vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ

Trong những năm qua, dịch bệnh diễn biết phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự và phải "bỏ chuồng" do đầu ra thiếu ổn định, chi phí đầu tư tăng cao trong khi người chăn nuôi đối mặt với nhiều rủ ro khi vẫn phụ thuộc vào thị trường.

Ông Nguyễn Duy Hiếu (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, dịch bệnh phát sinh trong khi chi phí đầu vào cho chăn nuôi liên tục tăng và giá thịt heo trên thị trường không ổn định, có thời điểm chỉ còn 50-60 ngàn đồng/kg. Với giá thịt heo hơi như hiện nay, ước tính mỗi tạ heo, nông dân bù lỗ 500-700 ngàn đồng, nhiều hộ đã chủ động giảm đàn hoặc "treo chuồng" để tránh thua lỗ.

Thời gian qua, tín hiệu tích cực từ ngành chăn nuôi của tỉnh là đã bước đầu hình thành một số mô hình liên kết trong chăn nuôi. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các hình thức như nuôi gia công, với quy mô chiếm khoảng 35 - 40% trên tổng đàn vật nuôi của tỉnh.

Theo ông Trần Tấn Huy, một người nuôi gà gia công lâu năm tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, dù không phải lo cho đầu ra sản phẩm cũng như các điều kiện về con giống, kỹ thuật chăn nuôi... như nuôi truyền thống, song với hình thức này, người chăn nuôi vẫn khó phát triển, nguyên nhân là bởi, để tham gia được hình thức này, người chăn nuôi đòi hỏi phải có nguồn vốn ban đầu lớn để đầu tư chuồng trại, hệ thống hạ tầng.

Riêng đối với gia đình ông, để xây dựng chuồng trại cho đàn gà quy mô 28.000 con/năm, ông phải đầu tư số tiền lớn từ 1,5-2 tỷ đồng. Với chi phí đầu vào lớn, hầu hết người chăn nuôi phải thế chấp tài sản nhà cửa và đất đai của mình. Trong khi đó, đơn giá gia công thường rất thấp nên người chăn nuôi có lãi rất ít. Ngoài ra, với hình thức này, người chăn nuôi phải "gánh" toàn bộ chi phí xử lý môi trường, đây là khoản chi phí khá lớn trong điều kiện các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nâng cao và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này ngày càng được chú trọng.

Mô hình chăn nuôi heo của một người dân tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức.

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao, khó kiểm soát được dịch bệnh, không chủ động được các yếu tố đầu vào, ít có cơ hội truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, khó tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giá thành cao và thường xuyên bị thương lái o ép làm cho lợi nhuận và thu nhập của người chăn nuôi ngày càng thấp...

Cơ hội cho người chăn nuôi

Theo ông Trần Quốc Vỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số hình thức liên kết, song phần lớn các hình thức liên kết này chỉ đơn thuần là chuỗi cung ứng sản phẩm (sản xuất và phân phối sản phẩm), chưa phải là liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng đúng nghĩa. Mức độ liên kết của các tác nhân trong chuỗi chưa thực sự bền vững do những bất cập về phân chia quyền lợi cũng như giải quyết các vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, những người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu một tổ chức, pháp nhân (như hợp tác xã) đại diện cho mình thực hiện các công việc đàm phán về quyền lợi, cũng như thông tin về yêu cầu các dòng sản phẩm, giá cả thị trường và giúp họ điều tiết các kế hoạch sản xuất, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng của các nhà chế biến, thông qua đó hình thành chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm bền vững.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp "từ trang trại đến bàn ăn" đang là giải pháp làm thay đổi tất cả những manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị rời rạc sản phẩm nông nghiệp lâu nay trên thị trường. Đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi, bởi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm...

Tất cả sẽ phải đảm bảo sự liên thông, minh bạch, đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt của một chuỗi giá trị nông nghiệp đúng nghĩa đặt ra. Đây được xem là mô hình mà hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đang theo đuổi, đặc biệt là các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững.

Mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao mang tới sự ổn định trong chăn nuôi và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi ích cho mỗi đơn vị tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; cho phép người tiêu dùng đến gần hơn với nguồn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Giúp người sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng.

Thời gia qua, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết nhằm phát triển bền vững cho các DN, tổ chức tham gia. Trong đó, Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND ban hành được xem là bước ngoặt mang tính đột phá trong việc hỗ trợ chính sách nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là những chính sách kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã có điều kiện để thu hút các thành viên tham gia vào chuỗi liên kết. Qua đó thay đổi dần tư duy trong chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.

Thu hút và lấy doanh nghiệp, tổ chức là đầu tàu cho việc phát triển liên kết các chuỗi. Lựa chọn doanh nhiệp có tiềm năng, chủ doanh nghiệp có tâm huyết, có khả năng đầu tư lâu dài trong chăn nuôi, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi. Các chuỗi đều phải gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi.

Theo Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND, các bên tham gia sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết điểm bao gồm: chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm nhưng không quá 1 tỷ đồng/1 mô hình. Bên cạnh đó, các bên tham gia còn được hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/mô hình, đối với mô hình liên kết điểm tại huyện Côn Đảo và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã cho các bên tham gia liên kết; hỗ trợ 40% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/1 dự án liên kết khi áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Đối tượng tham gia liên kết và hỗ trợ phát triển liên kết là nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân liên quan.

 

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (Bài, ảnh: HỒNG PHÚC)