Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 11509174
Số người đang truy cập: 6

Trồng Trọt

Tìm hiểu nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV trong phòng chống dịch hại cây trồng

Thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam ghi nhận, vấn đề có tính gần quy luật, đó là khi sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu, luôn đi kèm theo đó là tình trạng dịch hại ngày càng trở nên phức tạp hơn, mức độ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra ngày càng lớn và dĩ nhiên chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng. Hệ quả của nền nông nghiệp thâm canh luôn gây nên, đó là gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là thực phẩm, nông sản hàng hóa không an toàn, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

            Nhìn lại quá trình phát triển của ngành nông nghiệp cho thấy, khi tổ chức sản xuất, việc đấu tranh phòng chống các đối tượng dịch hại bảo vệ năng suất cây trồng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của người nông dân. Công việc này diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn mà phương pháp thực hiện có khác nhau; có giai đoạn chủ yếu tập trung vào biện pháp canh tác, thủ công và vật lý; khi Ngành Công nghiệp hóa chất phát triển, hàng loạt hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) xuất hiện, đây là dấu mốc quan trọng đã có tác động rất lớn đến quan điểm của người dân về công tác phòng chống dịch hại.              Song song với sự phát triển của Ngành Trồng trọt, Ngành BVTV cũng phát triển rất mạnh. Rất nhiều giải pháp có hiệu quả cao trong công tác BVTV đã được triển khai áp dụng, trong đó đáng chú ý nhất đó là biện pháp dùng thuốc hóa học. Thống kê của Ngành BVTV cho thấy, năm 1990 lượng thuốc dùng trong công tác BVTV trung bình là 0,5 kg a.i/ha, giai đoạn 96-99 tăng lên khoảng 1 kg a.i/ha, đến năm 2012 khoảng 2 kg a.i/ha (Cục BVTV, 2012). Như vậy lượng thuốc BVTV dùng trong nông nghiệp đã tăng lên rất nhiều và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Thuốc BVTV thực chất là hóa chất rất độc, nên khi sử dụng phải tuyệt đối tuân thủ theo "Nguyên tắc" để vừa đảm bảo tính hiệu quả phòng trừ dịch hại, vừa đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong 4 nguyên tắc khi phải sử dụng thuốc BVTV, việc lựa chọn đúng thuốc; phun thuốc đúng nồng độ, liều lượng; phun thuốc đúng kỹ thuật sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đảm bảo diệt trừ dịch hại đạt hiệu quả cao, hạn chế thiệt hại do chúng gây ra, sản phẩm không bị ô nhiễm, an toàn cho người sử dụng. Thực tế ghi nhận, sự hiểu biết về thuốc BVTV của người dân còn nhiều hạn chế, do vậy khi sử dụng gặp khá nhiều bất cập như: lựa chọn loại thuốc chưa đúng đối tượng cần phòng trừ, sử dụng sai nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo và không đảm bảo thời gian cách ly…Bên cạnh đó, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục được phép sử dụng vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Đây là những lý do chính làm cho tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm vốn đã phức tạp, nay càng trở nên phức tạp hơn.

Để hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, cần phải thay đổi nhận thức của cả cơ quan nhà quản lý và người dân về lĩnh vực BVTV đó là áp dụng biện pháp "Quản lý dịch hại tổng hợp". Quan điểm về quản lý dịch hại tổng hợp là quan điểm không mới, đã được Ngành BVTV triển khai thực hiện từ năm 1990 trên toàn quốc và nó đang là cơ sở quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai. Về nguyên tắc quản lý IPM đó là: Gieo trồng cây khỏe; Bảo tồn các loại thiên địch; Thăm đồng thường xuyên; Nông dân trở thành chuyên gia (Cục BVTV, 1994). Như vậy, cần phải hiểu biết đầy đủ các biện pháp kỹ thuật áp dụng quản lý đồng ruộng theo IPM, đó là sự phối hợp hài hòa của nhiều biện pháp khác nhau, hạn chế mức thấp nhất sự mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và sự can thiệp bằng thuốc BVTV chỉ xảy ra khi thật sự cần thiết./.

Tài liệu tham khảo: Tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động bảo vệ thực vật ở Việt Nam 60 năm xây dựng và phát triển (1953-2013).