Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13267187
Số người đang truy cập: 11

Thông Tin Chuyên Ngành

QUY TRÌNH Ủ PHÂN HỮU CƠ VI SINH

Phân hữu cơ có nguồn gốc hình thành từ chất thải của gia súc, gia cầm hoặc tàn dư thân, lá thực vật và phụ phẩm sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Việc bón phân hữu cơ sẽ làm tăng lượng mùn, tăng vi sinh vật và giúp cải tạo tạo độ tơi xốp cho đất.
Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Tác dụng của chế phẩm vi sinh vật

Là những vi sinh vật sống, bao gồm: Xạ khuẩn, vi khuẩn, nấm Trichoderma … đã được nghiên cứu và tuyển chọn. Các vi sinh vật này có tác dụng phân hủy nguyên liệu hữu cơ, lên men khử mùi giúp xử lý nhanh chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ hoai mục, đồng thời có khả năng ức chế và tiêu diệt một số loại nấm và vi sinh vật có hại đối với cây trồng.

Hình: Phân hữu cơ vi sinh (Ảnh sưu tầm)

Quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh

Quy trình ủ phân bao gồm 5 bước:
Bước 1: Chọn vị trí và chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ để ủ

Chọn vị trí ủ: Là nền đất trống hoặc nền xi măng ở những nơi khô ráo, thuận tiện.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Có thể dùng 100 % nguyên liệu ủ là phân chuồng hoặc cứ 1.000 kg nguyên liệu hữu cơ dùng để ủ, gồm có: 800 kg phân chuồng + 200 kg phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ, thân cây đậu phọng… và chế phẩm vi sinh Trichoderma, chế phẩm EM hoặc các chế phẩm vi sinh khác có tác dụng tương đương.
Lưu ý: Nếu rơm rạ, thân lá cây ngô, lạc đã khô, phải băm thành đoạn ngắn 7 đến 10 cm, sau đó hòa vôi với nước tưới đều và đánh đống ủ trong thời gian 1 đến 2 ngày cho mềm ra trước khi phối trộn với các nguyên liệu khác.
Dụng cụ gồm: Bảo hộ lao động và cuốc, xẻng, ô doa, bạt che phủ…

Bước 2: Phối trộn nguyên liệu

Phân chuồng và phụ phẩm được dải đều trên nền vị trí ủ với độ dày 15 - 20 cm, sau đó dùng một phần chế phẩm vi sinh rắc hoặc hòa nước và tưới đều lên bề mặt nguyên liệu cần ủ; tiếp tục thực hiện các lớp sau như lần 1 cho đến khi hết nguyên liệu cần ủ.

Bước 3: Đảo trộn nguyên liệu

Trộn đều nguyên liệu và tạo độ ẩm đống ủ đạt 50 đến 55% là được.
Lưu ý: Sử dụng nước tưới vào đống nguyên liệu sao cho độ ẩm đạt khoảng 50 - 55%, có thể kiểm tra độ ẩm đống ủ bằng cách dùng tay bóp nhẹ nắm nguyên liệu và thấy có ít nước rỉ qua kẽ ngón tay là đạt. Nếu nguyên liệu khô, cần tưới bổ sung thêm nước.

Bước 4: Ủ nguyên liệu

Chuyển nguyên liệu đã được đảo trộn tạo thành đống ủ theo hình khối chữ nhật hoặc hình nón cụt nhưng không được nén chặt, sau đó dùng bạt tối màu che phủ kín bề mặt đống ủ để nhiệt độ tăng dần lên 40 đến 50oC.

Kiểm tra đống ủ: Đống ủ được coi là đạt yêu cầu khi nhận thấy dấu hiệu hoạt động của vi sinh vật tạo nhiệt độ khối ủ cao hơn nhiệt độ môi trường ít nhất 20oC trước khi đảo trộn.

Bước 5: Đảo trộn nguyên liệu sau ủ

Sau khi ủ từ 10 đến 15 ngày, tiến hành mở đống ủ để đảo trộn đều, nếu đống ủ bị khô cần tưới bổ sung thêm nước và tiếp tục che phủ kín.
Thời gian ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh vật: từ 45 đến 60 ngày.
Trước khi sử dụng, đống ủ được rỡ ra đảo trộn đều, đánh đống và để thêm 1 đến 2 tuần cho ổn định chất lượng của phân. Bảo quản phân ủ hoai mục trong điều kiện nhiệt độ không khí bình thường ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Phát Vũ