Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 14044844
Số người đang truy cập: 57

Kỹ Thuật KNKN

Nuôi tôm kẹt ở xã Long Sơn
Giá tôm kẹt đang ở mức cao ngất ngưỡng, nhiều người dân ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã không ngần ngại đầu tư nuôi đối tượng này. Tuy nhiên, nguồn giống khan hiếm và môi trường ô nhiễm là trở ngại lớn nhất với nhiều người nuôi.

ĐẦU TƯ LỚN

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên cộng tác viên của Trung tâm Khuyến ngư cho biết, tôm kẹt loại 0,3kg/kg thời điểm hiện nay có giá đến 800 ngàn đồng/kg, tăng hơn 200 nghìn đồng so với những năm trước. Trước sự "hấp dẫn" về giá như trên, tại xã Long Sơn hiện nay có đến hơn 100 hộ đang dồn vốn liếng vào nuôi tôm kẹt. "Nhiều hộ đã bỏ ra gần cả tỉ đồng để nuôi tôm kẹt" - ông Phúc nói.

Ông Trương Văn Lối, một người nuôi tôm kẹt nhiều năm ở Long Sơn cho biết, hiện nay gia đình ông đầu tư nuôi 6.000 con tôm giống, chỉ tính riêng tiền con giống cũng ngốn đứt 240 triệu đồng, cộng với chi phí đầu tư cho thức ăn, thuốc, hóa chất xử lý… gia đình ông phải bỏ ra gần 500 triệu đồng. Theo ông Lối tính toán, với giá như hiện nay nếu "thuận buồm xuôi gió" cuối năm nay, ông thu về khoảng hơn 900 triệu đồng.

Trước sự đầu tư mạnh mẽ cho đối tượng này, nguồn giống tôm kẹt trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết . Ông Lối cho biết, giá con giống tôm kẹt hiện nay đã tăng gấp bốn lần so với năm trước. Loại con giống khoảng 60 con/kg hiện nay đã là 40 ngàn đồng/con, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi. Nguyên nhân của sự khan hiếm con giống như trên là do nguồn giống hiện nay phụ thuộc vào tự nhiên. Theo nhiều người nuôi tôm kẹt ở Long Sơn cho biết, mặc dù hiện nay đã có một số nơi sản xuất được giống tôm kẹt nhân tạo, tuy nhiên con giống này tỉ lệ sống rất thấp, nuôi không hiệu quả. Nguồn giống ưa chuộng nhất hiện nay chủ yếu được mua từ nguồn của các ghe làm nghề lặn vì tỉ lệ sống từ 80%-90%, trong khi đó nguồn giống khai thác từ nghề lưới kéo chỉ là 60%.

CẢI TIẾN HÌNH THỨC NUÔI

Hình thức nuôi tôm kẹt bằng lồng lưới đang được nhiều người nuôi áp dụng có hiệu quả. Hiện nay người nuôi tôm kẹt thường sử dụng lồng lưới có kích thước (6mx6m), có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn, hình thức nuôi lồng đáy trước kia, đặc biệt là rất thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi hàng ngày để kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm, kịp thời điều chỉnh thức ăn, phòng và trị bệnh được dễ dàng….

Theo ông Lối, để phòng bệnh cho tôm kẹt ông thường sử dụng vitamin C và một số khoáng chất trộn vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm, nhiều người nuôi còn trộn dầu mực vào thức ăn để kích thích sự thèm ăn và khả năng bắt mồi của tôm. Ngoài ra hàng tuần phải thay lưới trong lồng để hạn chế các sinh vật như rêu tảo, hà, hầu v.v… bám vào lưới, cản trở sự lưu thông nước trong ngoài lồng, làm giảm sự trao đổi oxy và gây bệnh cho tôm.

Kỹ thuật cho ăn để tăng khả năng lột xác đồng đều của tôm là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp tôm phát triển khỏe mạnh. Ông Lối cho biết, các món ăn khoái khẩu của tôm kẹt là cua, ghẹ và một số loại cá không có vảy… và nhất là phải tươi, nếu thức ăn không đảm bảo về chất lượng (không tươi) tôm rất dễ bị bệnh. Mỗi tuần đều phải cho tôm ăn thức ăn từ cua, ghẹ ít nhất một lần, nếu không tôm sẽ không lột vỏ và chậm phát triển. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của tôm để sang lồng phù hợp từng loại kích cỡ nhằm hạn chế sự ăn lẫn nhau của tôm.

Điều khó khăn nhất đối với người nuôi tôm kẹt ở Long Sơn là môi trường. Ông Lối cho biết, tôm kẹt rất nhạy cảm với môi trường, nếu môi trường không tốt, tôm sẽ bỏ ăn và chết rất nhanh. Hiện nay vùng nuôi Long Sơn vẫn thỉnh thoảng bị nước thải từ các nhà máy chế biến làm ô nhiễm. "Cứ mỗi lần các nhà máy chế biến thải nước là chúng tôi "lên ruột", tiền tỷ đổ vào các bè nuôi thủy sản ở Long Sơn chứ ít gì" - ông Lối nói.

Bài, ảnh: Trần Ân Phong