Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13111434
Số người đang truy cập: 9

Kỹ Thuật KNKN

Chuyển giao kỹ thuật về quản lý bệnh chết nhanh chết chậm hiệu quả trên cây hồ tiêu

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện trình diễn mô hình quản lý bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu. Mô hình thực hiện tại 4 hộ tại xã Bình Giã, Huyện Châu Đức với với quy mô 3 ha.

Việc trình diễn mô hình trên với mục tiêu: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; Sử dụng các CPSH, vi sinh trong sản xuất, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, tái tạo lại sự cân bằng sinh vật và sinh vật đất theo hướng có lợi tự nhiên, tạo sự bền vững trong canh tác.

Tính đến ngày 31/12/2022, mô hình đã thực hiện được 3 tháng, hiện vườn tiêu phát triển tốt, cây tiêu đang trong giai đoạn nuôi trái, tỷ lệ đậu trái cao, tỷ lệ sâu bệnh không đáng kể (Bọ xít muỗi, rệp sáp), viên chức kỹ thuật tiếp tục theo dõi và hướng dẫn quy trình bón phân giai đoạn nuôi trái và phòng trừ sâu bệnh hại. Dự kiến thu hoạch vào tháng 2/2023.

Hình: Mô hình quản lý bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu

Trong thời gian thực hiện mô hình, viên chức kỹ thuật đã hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ hoai mục bằng chế phẩm vi sinh Trichoderma, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để thay thế và giảm thiểu phân hóa học; sử dụng chế phẩm, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, nấm đối kháng để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, làm thông thoáng và thoát nước cho vườn tiêu vào mùa mưa để hạn chế bệnh hại.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu tăng rất nhanh, năm 2001 cả nước có 35,3 ngàn ha, năm 2010 diện tích 51,5 ngàn ha, đến năm 2017 lên đến trên 151,9 ngàn ha, năm 2018 diện tích có dấu hiệu giảm dần còn 149,8 ngàn ha. Như vậy, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam còn chưa bền vững do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt, dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác chọn giống còn nhiều hạn chế, trong đó có nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất hồ tiêu của Việt Nam. Năm 2016, khô hạn diễn ra thời gian dài, nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và hình thành hạt tiêu; làm giảm năng suất, chất lượng hồ tiêu. Năm 2017, 2018 mưa liên tục trong thời gian sau thu hoạch, ảnh hưởng đến phân hóa mầm hoa, làm cho hồ tiêu ra hoa, đậu quả kém dẫn đến năng suất hồ tiêu niên vụ 2017 - 2018 giảm. Từ năm 2015 đến nay luôn xuất hiện các cơn mưa trái mùa ở các tỉnh miền Nam (trong đó có Tây Nguyên) với cường độ và thời gian khác nhau. Mưa trái mùa làm ngập úng kéo dài trong khi vườn tiêu không có hệ thống thoát nước như khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT nên không chỉ làm nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh từ trước chết mà nhiều vườn hồ tiêu chưa bị bệnh, thậm chí vườn mới trồng 6 tháng - 2 năm tuổi cũng bị chết theo đánh giá của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước... cho thấy trên 80% diện tích hồ tiêu chết do ngập úng ngay sau các đợt mưa lớn kéo dài 5 - 7 ngày, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Những yếu tố BĐKH tác động đến cây hồ tiêu bao gồm:

 - Nhiệt độ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.

- Lượng mưa tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.

- Độ ẩm không khí tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.

- Cường độ ánh sáng tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.

- Tốc độ gió tăng quá mạnh.

Thanh Sơn