Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15820444
Số người đang truy cập: 9

Dạy Nghề Nông Nghiệp

Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nguyên, nhiên, vật liệu học nghề nông nghiệp
Được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TT KNKN) đã lựa chọn 16 danh mục nghề thường xuyên đào tạo trong thời gian gần đây để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nguyên, nhiên, vật liệu học nghề. Việc xây dựng định mức này để làm cơ sở thẩm định hồ sơ đề nghị mở lớp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Trong quan điểm và chủ trương của Quyết định 1956 (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án " Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020") là dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn liền với thực hành, dạy theo phương pháp cầm tay chỉ việc là chính. Theo đó, trong công tác tổ chức, chỉ đạo của Sở NN&PTNT BRVT trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh là đào tạo nghề phải gắn kết sử dụng các mô hình thực tiễn, tăng thời lượng dạy thực hành đến 90% thời gian khóa học, các học viên có điều kiện tốt nhất để thực hành các nội dung đào tạo…

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, công việc đầu tiên Sở NN&PTNT đã chỉ đạo TT KNKN phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nguyên, nhiên, vật liệu học nghề cho các danh mục nghề đào tạo. Việc xây dựng các định mức trên trước tiên là để làm cơ sở thẩm định kinh phí các lớp đào tạo nghề trong Hồ sơ đề nghị cho phép mở lớp của các cơ sở đào tạo; định hướng cho các cơ sở trong công tác xây dựng chương trình giáo trình dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế và cập nhật những quy trình kỹ thuật tiến bộ nhất hiện nay.

Các định mức trên cũng hướng các cơ sở đào tạo mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu học nghề hợp lý, định hướng công tác đào tạo gắn kết với các mô hình thực tiễn và tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên có điều kiện thực hành để sau khóa học các học viên đủ khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình. Ngoài ra việc xây dựng định mức cũng giúp cho công tác quản lý, kiểm soát hoạt động dạy nghề được thuận lợi, giúp công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Khi được phân giao nhiệm vụ trên, TT KNKN đã tổ chức xác định các danh mục nghề cần xây dựng, đặc biệt là xây dựng các phương pháp tiếp cận dạy nghề phù hợp đối với từng loại nghề. Cụ thể: Đối với các nghề dạy quy trình kỹ thuật các đối tượng có chu kỳ sản xuất ngắn thì phương pháp tiếp cận là xây dựng mô hình thực tiễn gắn với thực hành dạy nghề. Ngược lại đối với các đối tượng có chu kỳ sản xuất kéo dài thì xây dựng phương pháp tiếp cận đào tạo "cắt lớp" nghĩa là thuê vườn hay con vật thực hành theo độ tuổi khác nhau phù hợp với nội dung và thời gian giảng dạy.

Các định mức kinh tế kỹ thuật trên được tính toán dựa trên sự kết hợp giữa xây dựng mô hình và hao phí nguyên, nhiên vật liệu cho các nhóm học viên (3 -5 người/nhóm) thực hành theo các mô hình xây dựng (thuê mướn). Cơ sở để lựa chọn định mức dựa trên các quy trình kỹ thuật do Bộ NN&PTNT ban hành theo các giáo trình dạy nghề và có sự kết hợp với điều kiện thực tế chuyển giao kỹ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Về chi phí của các định mức trên cũng được tính toán phù hợp với toàn bộ các chi phí khác trong lớp đào tạo nghề theo định mức chi phí cho phép tại Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh BRVT.

Hiện nay các cơ sở dạy nghề đều đánh giá cao  các định mức trên vì có sự phù hợp giữa cơ sở pháp lý và thực tiễn trong hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên trong kế hoạch năm 2014 TT KNKN sẽ tiếp tục điều chỉnh các định mức trên cho phù hợp hơn nữa, đồng thời từng bước xây dựng hoàn thiện dần định mức kinh tế kỹ thuật nguyên, nhiên, vật liệu học nghề cho các danh mục nghề khác theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trần Ân Phong