Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 11515576
Số người đang truy cập: 11

Bộ - Trung Ương

Thông báo số 2085/TB-BNN–VP ngày 29/4/2014 kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị về đổi mới công tác khuyến nông
Ngày 22 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp về đổi mới công tác khuyến nông. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Văn phòng Bộ, Các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và các cục: Trồng trọt, Chăn nuôi, Chế biến và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Sau khi nghe Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo đánh giá tình hình hoạt động khuyến nông thời gian qua và đề xuất đổi mới công tác khuyến nông phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ý kiến phát biểu thảo luận của các đơn vị, Bộ trưởng đã kết luận như sau:

1. Đánh giá tình hình hoạt động khuyến nông thời gian qua:

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác khuyến nông. Do vậy Khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông phát triển mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hệ thống khuyến nông các địa phương đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, có những đóng góp vào thành công chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn những hạn chế, tồn tại đó là:

+ Các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải, công tác triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông.

+ Việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông của các cơ quan thuộc Bộ còn lúng túng, chưa toàn diện.

+ Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và cơ chế đầu tư cho hoạt động khuyến nông địa phương còn thiếu tính thống nhất; việc tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cơ chế chính sách đối với lực lượng khuyến nông viên cơ sở chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành ở Trung ương nên các địa phương thực hiện còn nhiều lúng túng, bất cập, chưa phát huy tốt vai trò của lực lượng khuyến nông cơ sở.

+ Chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa khuyến nông nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để huy động nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên là:

+ Việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án khuyến nông trung ương còn chưa bám sát các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước và của Bộ.

+ Nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông còn chưa linh hoạt, đa dạng, hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông còn chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu của sản xuất.

+ Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông cơ sở còn yếu.

+ Công tác quản lý nhà nước về khuyến nông của Bộ chưa tốt và chưa thực hiện đầy đủ theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông.

+ Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông như Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT của Bộ, Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN còn nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do vậy cần thiết phải đổi mới công tác khuyến nông, trong đó trọng tâm là đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên phạm vi toàn quốc.

2. Mục tiêu chung của đổi mới công tác khuyến nông: là nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các nội dung đổi mới công tác khuyến nông:

3.1. Đổi mới về nội dung hoạt động khuyến nông theo hướng: tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp (bao gồm cả chuyển giao kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm).

3.2. Đổi mới về phương pháp hoạt động khuyến nông theo hướng: chú trọng hơn việc đào tạo tập huấn, công tác truyền thông, tăng cường áp dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong hoạt động khuyến nông (như: điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình,…) để nâng cao hiệu quả của các hoạt động khuyến nông.

3.3. Đổi mới về công tác tổ chức thực hiện theo hướng: phát huy cao hơn vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông nhà nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở và huy động cao hơn sự tham gia của các doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Chấn chỉnh, tăng cường năng lực của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các cấp theo hướng:

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia rà soát, đề xuất Bộ điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cán bộ, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm để đảm bảo hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức khuyến nông các địa phương, đặc biệt là mạng lưới khuyến nông cơ sở và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông nhà nước, đặc biệt là khuyến nông cơ sở.

3.4. Đổi mới về nguồn lực đầu tư cho khuyến nông theo hướng: đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực phục vụ công tác khuyến nông.

3.5. Đổi mới các cơ chế chính sách khuyến nông: sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến nông; trước mắt trong tháng 5- 6/2014 tập trung sửa đổi Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT.

a/ Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT:

Giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Vụ Tài chính và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương sửa đổi Thông tư 15, trình Bộ ban hành trước ngày 30/6/2014. Hướng sửa đổi như sau:

- Cơ chế xác định danh mục dự án khuyến nông:

+ Hàng năm các Tổng cục, Cục chuyên ngành đề xuất các nội dung, đối tượng sản phẩm và tiến bộ kỹ thuật cần ưu tiên gửi Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

+ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình Bộ tổ chức thảo luận và xác định Danh mục dự án khuyến nông trung ương.

- Phương thức lựa chọn, giao nhiệm vụ chủ trì dự án khuyến nông: áp dụng cơ chế đặt hàng thay cho cơ chế đăng ký trước đây để bảo đảm tính tập trung có trọng tâm trọng điểm, sát với chủ trương tái cơ cấu ngành và đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả dự án khuyến nông:

+ Căn cứ vào Danh mục dự án khuyến nông trung ương đã dược phê duyệt, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự kiến các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông để trình Bộ giao nhiệm vụ chủ trì dự án.

+ Các nội dung, hợp phần dự án thực hiện tại các địa phương sẽ giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thành phố chủ trì thực hiện nội dung hoặc hợp phần đó. Phân cấp cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thành phố giúp Bộ trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kết quả thực hiện nội dung, hợp phần dự án tại địa phương, có kế hoạch mở rộng dự án ra sản xuất đại trà.

- Về cơ cấu phân bổ kinh phí khuyến nông trung ương hàng năm:

+ Nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông): chiếm 30- 35% tổng kinh phí khuyến nông trung ương hàng năm.

+ Các dự án xây dựng mô hình khuyến nông trung ương: chiếm khoảng 65- 70% tổng kinh phí khuyến nông trung ương hàng năm, trong đó có khoảng 10% kinh phí dành cho các dự án khuyến nông thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (PPP) với các doanh nghiệp.

Hàng năm Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự kiến kế hoạch phân bổ kinh phí khuyến nông trung ương và trình Bộ phê duyệt.

- Về sửa đổi các định mức, chính sách hỗ trợ trong hoạt động khuyến nông: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các Tổng cục, Cục chuyên ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và kịp thời.

- Về phân công nhiệm vụ:

+ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các Tổng cục, Cục chuyên ngành thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông của Bộ được quy định tại Nghị định 02 của Chính phủ.

+ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: là đầu mối hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ khuyến nông cả nước; đầu mối (tổng thầu) ký hợp đồng với các tổ chức chủ trì thực hiện dự án khuyến nông trung ương; chủ trì thực hiện nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên và các dự án khuyến nông trung ương được giao chủ trì; theo dõi, tổng hợp tiến độ và kết quả thực hiện của các dự án khuyến nông trung ương để báo cáo Bộ.

+ Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố: chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các dự án khuyến nông trung ương thực hiện trên địa bàn.

b/ Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN của liên Bộ Tài chính – Nông nghiệp và PTNT:

Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập hợp kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc, bất cập của Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN để báo cáo Bộ và đề nghị Bộ Tài chính phối hợp sửa đổi.

c/ Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức khuyến nông địa phương và tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ khuyến nông cơ sở:
Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng công văn của Bộ gửi Bộ Nội vụ đề nghị phối hợp soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức khuyến nông địa phương và tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ khuyến nông cơ sở theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

d/ Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông:
Giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Vụ, Cục, Tổng Cục liên quan và Trung tâm khuyến nông Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông; đồng thời tổng hợp những ý kiến phản ánh, đề xuất các nội dung cần sửa đổi Nghị định của các địa phương để đến năm 2015 tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 02 và đề xuất kế hoạch sửa đổi Nghị định với Chính phủ.

3.6. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông: nhằm đổi mới các hoạt động khuyến nông ở nước ta phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực của khuyến nông quốc tế.