Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15275512
Số người đang truy cập: 15

Kỹ Thuật KNKN

Chăm sóc cây xoài trong thời kỳ kiến thiết cơ bản
Thời kỳ cây còn nhỏ, tức mới trồng được 1-3 năm tuổi. Thời kỳ này cây sinh trưởng mạnh hầu như quanh năm để hoàn thiện bộ khung tán. Chính vì vậy, việc cung cấp đủ phân, đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng là rất cần thiết.

Tỉa cành, tạo tán

- Tạo tán: Sau khi trồng khoảng 8 - 12 tháng, cây có chiều cao 1 - 1,2 m tiến hành bấm ngọn, chừa lại độ cao của thân chính 0,6 - 0,8 m. Khi ra cơi đợt 1 chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Sử dụng cây cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35 - 40o , tiếp tục thực hiện kỹ thuật này cho cơi đọt 2 và 3… để đảm bảo bộ khung hoàn chỉnh và cân đối cho cây.

- Tỉa cành: Sau khi thu hoạch cần cắt bỏ những phát hoa đã ra hoa trong vụ trước nhưng không đậu quả hoặc rụng quả non, cành đã mang quả ở vụ trước, những cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất bên trong tán, việc cắt tỉa cành được tiến hành hàng năm.

Khi cây ra đọt non, tiến hành tuyển đọt chỉ giữ lại 2 - 3 đọt khỏe phân bố đều các hướng. Khi lá già tiến hành tỉa lại lần nữa những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, chuẩn bị cho việc xử lý ra hoa.

Hình: chăm sóc vườn xoài thời kỳ kiến thiết cơ bản

Quản lý cỏ

Nên giữ cỏ trong vườn vì cỏ giữ ẩm cho đất trong mùa nắng và chống sự rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất vào mùa mưa. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, bộ rễ cỏ làm đất trở nên tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây hô hấp và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng.

Trong quá trình cỏ bị cắt tỉa hoặc chết đi sẽ bị phân hủy tạo một lượng hữu cơ đáng kể cho đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây hấp thụ. Trong vườn có cỏ cũng giúp thiên địch của sâu hại có nơi trú ẩn sinh sống, góp phần khống chế mật số sâu hại trong điều kiện tự nhiên.

Tuy nhiên cần quản lý cỏ không để phát triển quá cao vì sẽ cạnh tranh ánh sáng với cây xoài. - Nên chọn những loại cỏ không sinh trưởng và phát triển quá mạnh hoặc thích ánh sáng trực tiếp vì sẽ cạnh tranh dinh dưỡng và nước với cây xoài.

- Nên chọn những loại cỏ không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại trên vườn xoài.

- Khi cây xoài chưa khép tán cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây, thông thường làm 4 - 5 đợt/năm kết hợp mỗi lần bón phân. Nên trồng xen cây họ Đậu để cải tạo đất và tạo nguồn phân hữu cơ cho cây xoài.

Tủ gốc giữ ẩm

Hàng năm nên đắp thêm đất hay bùn ao vào chân mô ở ĐBSCL. Vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.

Tưới nước

Để ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước đảm bảo sinh trưởng phát triển cho cây xoài bà con có thể áp dụng biện pháp tưới phun mưa quanh gốc. Kỹ thuật tưới phun mưa quanh gốc tiết kiệm nước hơn so với tưới gí, tiết kiệm nhân công, giảm ô nhiễm môi trường, chống xói mòn, phá vỡ kết cấu đất. Lượng nước tưới và thời gian giữa 2 lần tưới tùy theo tình hình thời tiết và thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây xoài, cụ thể như sau:

- Mùa khô: Lượng nước tưới khoảng 9 - 12 lít/gốc cho cây non sau đó tăng lên 20 - 30 lít/ gốc cho cây 2 - 3 năm tuổi, thời gian giữa 2 lần tưới khoảng 2 - 3 ngày.

 - Mùa mưa: Nếu mưa > 5 mm không tưới, nếu mưa < 5 mm khoảng 2 - 3 ngày tưới 1 lần

Tiêu nước:

+ Đối với vùng đồi: Đất dốc hơn 10o thì khi trồng cây thành băng theo đường đồng mức, khi ngập nước thì làm rãnh để thoát nước nhanh, tránh cây bị ngập úng cục bộ sẽ gây hại bộ rễ xoài.

+ Đối với vùng đồng bằng: Xoài chịu ngập được 30 ngày tùy thuộc vào giống, tuổi cây và biện pháp canh tác. Cây đang ra hoa hoặc mang quả mà bị ngập úng sẽ gây thiệt hại nặng tới năng suất. Vì vậy vườn cần có bờ bao và hệ thống mương, cống tốt để có thể ngăn nước xâm nhập vào vưởn và tiêu thoát nước nhanh.

Phân bón

Năm 1: N2O (g): 150 – 170; P2O5 (g): 100 – 120; K2O (g): 150 – 170 – Số lần bón 4 – 5 lần

Năm 2: N2O (g): 300 - 350; P2O5 (g): 200 - 250; K2O (g): 250 – 300  – Số lần bón 4  lần

Năm 3: N2O (g): 450 - 500; P2O5 (g): 300 - 350; K2O (g): 350 - 400  – Số lần bón 4  lần

Hằng năm bón: Phân hữu cơ hoai mục 10 - 20 kg/cây (Sơn La khuyến cáo 50 - 70 kg/cây). Vôi vào đầu mùa mưa: 200 - 300 g/cây

Thanh Tú