Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13263436
Số người đang truy cập: 11

Kỹ Thuật KNKN

An toàn cho người tiêu dùng - Các thực phẩm chuyển gen có an toàn hay không?
Trong những năm gần đây, thực phẩm biến đổi gen (GMO) đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Một bên cho rằng thực phẩm GMO mang lại lợi ích lớn về năng suất và khả năng chống dịch bệnh, trong khi bên kia lo ngại về tác động lâu dài của chúng đến sức khỏe con người và môi trường. Với những thông tin trái chiều này, câu hỏi “thực phẩn chuyển gen có an toàn hay không?” đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.

Thực phẩm biến đổi gen là gì?
Thực phẩm biến đổi gen là một trong những sản phẩm ưu việt mà ngành công nghệ sinh học đã mang lại cho ngành nông nghiệp nói riêng và đời sống của con người nói chung.
Thực phẩm biến đổi gen được tạo ra bằng kỹ thuật chuyển gen nhằm thêm, bớt hoặc chọn lọc các gen có lợi để chuyển vào sinh vật đích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của những sinh vật này.
Sự ra đời của GMO đã tạo nên những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt, khả năng chống chịu với những biến đổi của thời tiết cao, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng trong quá trình phát triển góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo cũng như tiết kiệm được đất đai sản xuất, giảm thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Năm 1994, thực phẩm chuyển gen đầu tiên, cây cà chua mang tính trạng chín chậm, đã được trồng và tiêu thụ ở một nước phát triển. Từ đó, ngày càng nhiều các thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng chuyển gen được thương mại hóa và sử dụng trên toàn thế giới. Việc đưa các thực phẩm mới này vào bữa ăn hàng ngày đang làm tăng lên những băn khoăn chính đáng về độ an toàn của chúng.

Hình: Cà chua biến đổi gen mang tính trạng chín chậm (Ảnh: Internet)

Các giống cây trồng chuyển gen ngày càng được phát triển nhờ vào các công cụ của Công nghệ sinh học hiện đại. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều người thắc mắc rằng liệu các thực phẩm này có an toàn bằng các loại thực phẩm có được nhờ sử dụng các biện pháp nông nghiệp truyền thống hay không.
Sự khác biệt giữa lai giống thông thường và Công nghệ Sinh học thực vật là gì?
Thực ra cả hai đều có cùng một mục tiêu: Tạo ra các giống cây trồng có chất lượng cao với những đặc tính đã được cải thiện giúp chúng phát triển tốt hơn và ngon hơn. Sự khác biệt là ở chỗ mục đích này đạt được bằng cách nào.
Lai giống truyền thống đòi hỏi sự trao đổi hàng ngàn gen giữa hai cây để có được tính trạng mong muốn. Trong khi đó, nhờ Công nghệ sinh học hiện đại, chúng ta có thể lựa chọn một đặc tính mong muốn và chuyển riêng nó vào hạt giống. Sự khác biệt giữa hai kỹ thuật này là rất lớn. Công nghệ sinh học thực vật cho phép chọn và chuyển chỉ riêng đặc tính mong muốn. Phương pháp này hợp lý hiệu quả cao và đem lại kết quả rất tốt.
Các kỹ thuật sử dụng trong công nghệ sinh học hiện đại cung cấp cho những nhà lai tạo giống những công cụ chính xác cho phép họ chuyển những đặc tính mong muốn vào cây trồng. Hơn thế nữa, họ có thể làm điều này mà không bị chuyển thêm các tính trạng không mong muốn vào cây trồng như vẫn thường xảy ra nếu sử dụng lai giống truyền thống. Công nghệ sinh học thực vật tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể kiểm soát được những gen chuyển, nhờ vậy có thể nghiên cứu rất chi tiết các tính trạng đưa vào.
Thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng chuyển gen phải trải qua nhiểu thử nghiệm hơn bất kỳ loại thực phẩm nào trong lịch sử. Các tổ chức khoa học và các chính phủ khắt khe nhất trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm như: WHO, FAO, Hiệp hội Hoàng gia Anh và hơn 60 nước đã khẳng định GMO an toàn và cho phép sử dụng. Họ đều ủng hộ việc áp dụng công nghệ sinh học sẽ góp phần trong việc giải quyết an ninh lương thực, dinh dưỡng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Các vấn đề còn tồn tại?
Các chất gây dị ứng
Một trong những mối quan tâm lớn nhất về thực phẩm chuyển gen là chất gây dị ứng có thể được chuyển vào thực phẩm. May mắn thay, các nhà khoa học đã biết rất nhiều về các thực phẩm gây ra dị ứng ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. 90% sự dị ứng thức ăn là có liên quan tới tám thực phẩm và nhóm thực phẩm - động vật có vỏ (tôm, cua, ốc…), trứng, cá, sữa, đậu phọng, đậu nành, quả hạch và lúa mỳ. Những loại thực phẩm này và rất nhiều chất gây dị ứng khác đã được xác định rất rõ và do vậy khó tin rằng chúng có thể được đa vào thực phẩm chuyển gen.
Tuy vậy, việc kiểm tra tính dị ứng vẫn là một khâu quan trọng trong việc kiểm tra an toàn trước khi một giống cây trồng được đưa ra làm thực phẩm. Hàng loạt các thử nghiệm và câu hỏi phải được xem xét kỹ để quyết định liệu thực phẩm này có làm tăng sự dị ứng hay không.
Các chất gây dị ứng có những đặc tính chung: chúng không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa, chúng có xu hướng không bị phân hủy trong quá trình chế biến thực phẩm và thường có rất nhiều trong thực phẩm.
Vật chất (ADN), thực chất là các gen, mã hóa cho thông tin di truyền có mặt trong tất cả các loại thực phẩm và việc ăn chúng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Không có tác hại di truyền nào xảy ra khi tiêu hóa AND cả. Trên thực tế, chúng ta luôn nhận AND mỗi khi ăn do đó nó có mặt ở tất cả thực vật và động vật.
Vấn đề đánh giá về độ an toàn của thực phẩm có nguồn gốc từ chuyển gen?
Sản phẩm chuyển gen trước khi được đưa ra thị trường phải được thử nghiệm toàn diện, được đánh giá xem có an toàn hay không về mặt dinh dưỡng, độc tính, khả năng gây dị ứng và các khía cạnh khao học thực phẩm khác. Các câu hỏi điển hình có thể được đặt ra là:
Thực phẩm chuyển gen có được tạo ra từ thực phẩm truyền thống đã được công nhận an toàn?
Nồng độ các độc tố hay chất gây dị ứng trong thực phẩm có thay đổi?
Hàm lượng các chất dinh dưỡng chính có thay đổi?
Các chất mới trong thực phẩm chuyển gen có đảm bảo tính an toàn?
Khả năng tiêu hóa thức ăn có bị thay đổi?
Các thực phẩm có được tạo ra nhờ các quy trình đã được chấp nhận?
Ngay khi các câu hỏi này và các câu hỏi khác về thực phẩm chuyển gen đã được trả lời, vẫn còn thiếu việc phải làm trong quá trình phê chuẩn trước khi thực phẩm chuyển gen là loại sản phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong các loại đã được sản xuất.
Sự kháng kháng sinh
Một vài giống cây trồng chuyển gen có chứa các gen quy định tính trạng kháng kháng sinh. Các nhà khoa học sử dụng tính trạng này như một chỉ thị để nhận biết ra những tế bào đã chuyển được gen vào. Ngày càng có nhiều lo lắng rằng các gen chỉ thị này có thể được phát tán từ các cây trồng chuyển gen sang các vi sinh vật cư trú trong ruột người và làm chúng tăng khả năng đề kháng đối với kháng sinh. Các nhà khoa học đã kết luận:
Khả năng các gen kháng kháng sinh có thể được phát tán từ các cây trồng chuyển gen sang các sinh vật khác là vô cùng nhỏ.
Thậm chí khi sự kiệt ít xảy ra là một gen kháng kháng sinh được phát tán sang một sinh vật khác thì tác động của việc này cũng không đáng kể do các chỉ thị được sử dụng trong cây trồng chuyển gen có ứng dụng trong thú y và y học rất hạn chế Tuy nhiên, để làm dịu những lo lắng của xã hội, các nhà nghiên cứu được yêu cầu tránh sử dụng các gen kháng kháng sinh trong cây trồng chuyển gen.
Tóm lại, sự xuất hiện của thực phẩm biến đổi gen trong cuộc sống hiện đại mang đến nhiều lựa chọn, nhưng việc dán nhãn vẫn là điều quan trọng. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết mà còn góp phần tạo ra một môi trường ăn uống minh bạch và an toàn hơn. Khi hiểu rõ về các lựa chọn thực phẩm của mình, mỗi người sẽ có thể đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu và giá trị cá nhân.
Quy định về thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam
Theo thông tư liên tịch số 45/TTLT-BNNPTNT-BKHCN của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen, thì từ ngày 08 tháng 01 năm 2016, Việt Nam đã chính thức áp dụng quy định yêu cầu dán nhãn cho thực phẩm biến đổi gen (GMO) đóng gói sẵn. Theo quy định này, tất cả các sản phẩm thực phẩm có chứa ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen chiếm hơn 5% tổng nguyên liệu phải ghi rõ "biến đổi gen" bằng tiếng Việt trên bao bì.
Điều này có nghĩa là khi các sản phẩm thực phẩm biến đổi gen được bày bán trên thị trường, chúng sẽ phải tuân thủ quy định ghi nhãn cụ thể. Những sản phẩm không có nhãn hiệu theo quy định sẽ không được phép tiếp tục sản xuất hoặc nhập khẩu sau ngày 08 tháng 01. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho các sản phẩm đã được đóng gói sẵn. Các loại thực phẩm tươi sống hay thực phẩm chế biến nhưng không có bao bì không cần phải tuân theo quy định này.
Mặc dù chưa có chứng cứ khoa học nào cho thấy thực phẩm biến đổi gen gây hại cho sức khỏe con người, nhưng chủ đề này vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, việc dán nhãn rõ ràng không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết mà còn tạo điều kiện cho họ đưa ra lựa chọn thông minh và an toàn hơn. Đây là một quy định cũng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, dù mới chỉ công nhận 4 giống ngô biến đổi gen và chưa thực hiện trồng đại trà, nhưng việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen như đậu tương, ngô đã diễn ra trong khoảng 10 năm qua. Do đó, quy định ghi nhãn cho thực phẩm biến đổi gen là bước đi quan trọng, góp phần minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và ý kiến cá nhân của họ về thực phẩm mà họ tiêu thụ.
Việc nâng cao hiểu biết về thực phẩm biến đổi gen cùng với quy định dán nhãn sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện cho một thị trường thực phẩm an toàn và bền vững hơn.

Mỹ Trinh