Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13014589
Số người đang truy cập: 99

Kỹ Thuật KNKN

Cái nhìn về hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Ngày nay, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, đảm bảo sức khỏe với người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững, được nhà nước khuyến khích đầu tư. Xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Bài viết bên dưới cho thấy dưới góc nhìn về hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế phải đáp ứng được 3 vấn đề: mọi hoạt động của con người đều tuân theo quy luật "tiết kiệm thời gian"; hiệu quả kinh tế phải được xem xét trên quan điểm của lý luận hệ thống; hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh mặt chất lượng của hoạt động kinh tế bằng quá trình tăng cường các nguồn lực sẵn có phục vụ cho lợi ích của con người.
Hiệu quả kinh tế phải được tính bằng tổng giá trị trong một giai đoạn, phải trên mức bình quân của vùng, hiệu quả vốn đầu tư phải lớn hơn lãi xuất tiền cho vay vốn ngân hàng. Chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn tiêu thụ trong, ngoài nước, hệ thống phải giảm mức thấp nhất thiệt hại (rủi ro) do thiên tai, sâu bệnh ...
Hiệu quả kinh tế được hiểu là mối tương quan so sánh giữa lượng kết quả đạt được và lượng chi phí bỏ ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả đạt được là phần giá trị thu được của sản phẩm đầu ra, lượng chi phí bỏ ra là phần giá trị của các nguồn lực đầu vào. Mối tương quan đó cần xét cả về phần so sánh tuyệt đối và tương đối cũng như xem xét mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 đại lượng.
Hiệu quả kinh tế mà trong đó sản xuất đạt cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả phân bổ. Chỉ khi nào việc sử dụng nguồn lực đạt cả chỉ tiêu hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ thì khi đó mới đạt hiệu quả kinh tế.
Từ những vấn đề trên có thể thấy rằng đánh giá hiệu quả kinh tế của sử dụng đất trong nông nghiệp hữu cơ là với một diện tích đất đai nhất định sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất nhiều nhất với một lượng đầu tư chi phí về vật chất và lao động tiết kiệm nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất của xã hội.
Các chỉ tiêu phân tích được đánh giá định lượng (giá trị tuyệt đối) bằng tiền theo thời giá hiện hành, định tính (giá trị tương đối) được tính bằng mức độ cao, thấp. Các chỉ tiêu đạt được mức càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn.
Hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội trong sử dụng đất hiện nay là phải thu hút được nhiều lao động, đảm bảo đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, nội lực và nguồn lực của địa phương được phát huy; đáp ứng nhu cầu của hộ nông dân về ăn, mặc, và nhu cầu đời sống khác. Sử dụng đất phù hợp với tập quán, nền văn hoá của địa phương thì việc sử dụng đó bền vững hơn, ngược lại sẽ không được người dân ủng hộ. Một số tiêu chí đánh giá hiệu quả xã hội trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như:
Trình độ dân trí, trình độ hiểu biết xã hội, khoa học, kỹ thuật: kết quả của quá trình sử dụng đất phải đưa lại những lợi ích như nâng cao trình độ dân trí và những hiểu biết xã hội. Kiến thức, kinh nghiệm của người nông dân có thể được trau dồi thông qua các hoạt động như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất hay sự nhạy bén đối với thị trường khi sản xuất hàng hoá phát triển.
Đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân: sử dụng đất đạt hiệu quả trước hết phải đảm bảo được những nhu cầu về lương thực, thực phẩm an toàn vệ sinh cho người dân. Đối với sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đảm bảo lương thực được đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả về mặt thoả mãn nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống cho sự tồn tại và cả về mặt ổn định chính trị xã hội cho vùng, địa phương.
Đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của vùng: mỗi vùng có những điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, có vai trò khác nhau trong sự nghiệp phát triển chung. Nền kinh tế muốn phát triển thì các ngành, các vùng cần có những bước đi đúng đắn và phù hợp. Sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng nên tuân thủ theo những định hướng mang tính chiến lược.

Hình: Trung tâm Khuyến nông giao phân bón hỗ trợ mô hình thâm canh cây cacao
theo hướng hữu cơ tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức (Ảnh Thảo Nguyên).

Thu hút được nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân: hệ thống nông nghiệp thu hút nhiều lao động, mang lại lợi ích cho người lao động sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, giảm nạn thất nghiệp, giảm các tiêu cực trong xã hội góp phần ổn định và phát triển đất nước.
Góp phần định canh, định cư: thực tế cho thấy, hình thức du canh, du cư không những làm cho cuộc sống thiếu ổn định mà còn gây nên tình trạng suy thoái môi trường đất, nước...Sử dụng đất có hiệu quả là phải góp phần giúp người dân định canh, định cư, yên tâm đầu tư sản xuất.
Hiệu quả môi trường
Hiệu quả môi trường được thể hiện ở chỗ: Loại hình sử dụng đất phải bảo vệ được độ màu mỡ của đất đai, ngăn chặn sự thoái hoá đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Độ che phủ tối thiểu phải đạt ngưỡng an toàn sinh thái (>35%). Đa dạng sinh học biểu hiện qua thành phần loài.
Trong thực tế tác động của môi trường diễn ra rất phức tạp và theo chiều hướng khác nhau. Cây trồng được phát triển tốt khi phát triển phù hợp với đặc tính, tính chất của đất. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất dưới tác động của các hoạt động sản xuất, quản lý của con người hệ thống cây trồng sẽ tạo nên những ảnh hưởng rất khác nhau đến môi trường.
Trong sử dụng đất luôn có xảy ra mâu thuẫn giữa những lợi ích vật chất, cá nhân trước mắt với những lợi ích xã hội, lâu dài. Sử dụng đất thực sự đạt hiệu quả khi nó không có mâu thuẫn trên. Một số tiêu chí được đưa ra khi đánh giá đến hiệu quả môi trường trong sử dụng đất: "Tăng độ phì nhiêu của đất; Cải tạo, bảo tồn thiên nhiên; Sự thích hợp với môi trường đất khi thay đổi kiểu sử dụng đất". Canh tác hữu cơ giảm lượng khí thải carbon dioxide và tiết kiệm lượng nước cần thiết để canh tác cây trồng hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ có thể được canh tác theo nhiều cách thân thiện với môi trường đa dạng hơn, tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa hệ sinh thái bản địa, vật nuôi và cây trồng. Canh tác hữu cơ bền vững hơn cho tương lai thân thiện với môi trường hơn và ít phá hủy đất đai hơn.

Thảo nguyên