Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13768530
Số người đang truy cập: 43

Kỹ Thuật KNKN

Nhiều thách thức cho công tác khuyến nông trong thời gian tới
Việc đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu và sự tác động nghiêm trọng về môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và đô thị hóa chính là thách thức lớn nhất của hoạt động khuyến nông trong thời gian tới.

Biến đổi khí hậu và thiên tai tác động ngày càng rõ nét đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó các hoạt động nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết đang còn chậm. Do đó, các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, các Chương trình dự án khuyến nông trong thời gian tới sẽ có những đối mặt với nhiều khó khăn thách thức này.

Đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, đã tạo động lực phát triển xã hội nhưng mặc khác cũng có những tác động nghiêm trọng đến môi trường, thu hẹp diện tích sản xuất, ảnh hưởng tâm lý tâm lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên các vùng sản xuất… của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Hình: Giao dê giống thực hiện mô hình khuyến nông tại tỉnh BR-VT (Ảnh: Minh Khang)

Yêu cầu ngày càng cao chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể: Người tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng yêu cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP…Điều này tác động rất lớn đến việc điều chỉnh các hoạt động sản xuất ở trình độ cao hơn, khả năng kiểm soát tốt hơn về các hoạt động sản xuất và xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro. Khuyến nông phải hỗ trợ nông dân (hoặc các tổ chức sản xuất nông nghiệp) áp dụng công nghệ và quản lý để đảm bảo các tiêu chuẩn này. Đây là vấn đề hết sức khó khăn so với trình độ năng lực của các tổ chức, cá nhân chuyển giao khoa học công nghệ hiện nay.

Năng lực ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Trình độ tiếp thu, ứng dụng công nghệ cao của một bộ phận nông dân vẫn còn hạn chế, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đa số lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ cũng như việc tiếp nhận các thông tin cho việc nâng cao trình độ tổ chức sản xuất đang gặp những khó khăn.

Các chính sách hỗ trợ cho tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chưa đủ sức khuyến khích các tổ chức cá nhân thay đổi lề lối, tập quán sản xuất vốn nhiều hạn chế trước đây. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn phổ biến, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản. Trong khi đó việc triển khai hỗ trợ thúc đẩy phát triển, thành lập hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp và thị trường theo chính sách Nghị Quyết số 21/2020/NQ-HĐND còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kết nối với các nhà chế biến chuyên sâu, các hệ thống bán lẻ ổn định để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, Tổ hợp tác.

Tổ chức khuyến nông có nhiều thay đổi so với trước đây. Cụ thể: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó quan điểm "Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế Cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công'',  điều này cũng đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp trong việc xây dựng các quy phạm về tiêu chí tiêu chuẩn, quy trình thẩm định kế hoạch cũng như nghiệm thu các sản phẩm dịch vụ khuyến nông có nguồn vốn từ ngân sách.

Một số giải pháp

Chuyển đổi số mạnh mẽ. Cụ thể là tăng cường sử dụng nền tảng trực tuyến, ứng dụng di động, và cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để phổ biến thông tin, đào tạo, và hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí, tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện cho mọi đối tượng nông dân.

Thúc đẩy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, và cơ quan nghiên cứu để tạo chuỗi giá trị gắn kết giữa sản xuất, chế biến, và tiêu thụ. Đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) để triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đảm bảo tăng cường hiệu quả sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản.

Nâng cao vai trò hợp tác xã bằng cách phát triển hợp tác xã nông nghiệp thành trung tâm tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra, hỗ trợ công nghệ và quản lý rủi ro để tăng quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng đàm phán trên thị trường.

Từng bước tạo nền tảng để tiến tới xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh như triển khai các mô hình ứng dụng IoT, AI, và blockchain vào trồng trọt, chăn nuôi, và thủy sản, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc.

Trần Quốc Vỹ