Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15172500
Số người đang truy cập: 22

Kỹ Thuật KNKN

Vai trò của một số nguyên tố đối với cây chuối và kỹ thuật bón phân
Trong cây chuối, tỷ lệ đạm, lân, kali tương đối ổn định. Cây chuối cần một lượng đạm gấp 10 lần lân và gấp 3,5 lần kali. Phân tích 1 tấn quả chuối thu được: 1 - 2 kg N; 0,42 - 0,51 kg P2 O5 ; 5,2 - 7,1 kg K2 O; 0,13 - 0,40 kg CaO; 0,18 - 0,53 kg MgO. Như vậy trong sản xuất cần lưu ý hàm lượng kali trong đất để có hướng bổ sung phù hợp.

- Vai trò của các nguyên tố đa lượng đến cây chuối:

Sáu nguyên tố đa lượng trung lượng: đạm, lân, kali, lưu huỳnh, canxi, magiê đều rất cần cho sinh trưởng và phát triển của cây chuối:

+ Phân đạm: Là nguyên tố ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất chuối. Thiếu đạm lá bị bạc màu, sinh trưởng chậm.

+ Phân lân: Nhu cầu chung của cây chuối về lân không nhiều. Lân chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn sinh trưởng khi cây còn non. Thiếu lân từng phần hay nhất thời ít có ảnh hưởng đến năng suất.

+ Phân kali: Cũng như đạm, kali có ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nhu cầu về kali của cây chuối giai đoạn bắt đầu sinh trưởng tương đối thấp và đạt mức cao nhất vào thời kỳ ra hoa. Thiếu kali ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất chuối, đặc biệt nếu thiếu kali vào thời kỳ chuối ra hoa.

+ Lưu huỳnh: Có vai trò đặc biệt đối với chuối. Ở các cơ quan non, thiếu lưu huỳnh làm cản trở quá trình hình thành chất diệp lục vào đầu thời gian sinh trưởng của cây chuối. Khi cây già hơn, thiếu lưu huỳnh làm cản trở quá trình phân hóa các cơ quan. Ở thời kỳ cây còn non, nhu cầu về lưu huỳnh nhiều hơn so với cây khi về già. Thiếu lưu huỳnh ít làm giảm năng suất, nếu thiếu nhiều có thể làm chết cây.

Hình: đảm bảo cân đối các nguyên tố trong lương phân bón
cho cây chuối là hết sức cần thiết

+ Canxi: Nhu cầu về canxi của chuối không cao. Tuy nhiên khi thiếu canxi sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn về hình thái của các bộ phận non.

+ Magie: Có tác dụng như một chất xúc tác. Thiếu magie làm cho sinh trưởng bị rối loạn. Nhu cầu magie của chuối giai đoạn còn non nhiều hơn các giai đoạn về sau. Thiếu magie ảnh hưởng lớn đến phẩm chất chuối.

- Vai trò của các nguyên tố vi lượng đối với cây chuối:

+ Bo: Thiếu Bo làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa các cơ quan, có thể làm ngừng hoạt động của các cơ quan đó, kìm hãm quá trình sinh trưởng của cây chuối giai đoạn đầu và kìm hãm phát triển của cây giai đoạn sau.

+ Mangan: Cần cho quá trình sinh trưởng của cây chuối. Mangan tham gia vào một số phản ứng của men, nhất là quá trình quang hợp. Thiếu mangan xảy ra hiện tượng úa vàng khắp cây chuối. Thiếu nhiều làm rối loạn hình thái, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

- Về kỹ thuật bón phân:

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chuối Đài Loan, với giống Pei chiao vòng đời 11 - 12 tháng trọng lượng buồng 25 - 30 kg, mật độ trồng 2.200 cây/ha thì bón với tỷ lệ N:P:K = 11:5,5:22 = 38,5 đơn vị; 1 đơn vị bằng 52 g. Lượng phân nguyên chất sẽ là 572 g N + 286 g P2O5 + 1.144 g K2 O. Có thể nói rằng tùy điều kiện đất đai điều chỉnh chế độ phân bón cho phù hợp nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Hàm lượng dinh dưỡng trong lá thứ 3 của cây được coi là thiếu hụt khi: N2O 2,40 - 3,00%, P2O5 0,15 - 0,24%, K2O 2,74 - 3,50%, Ca 0,40 - 1,00%, Mg 0,20 - 0,42% (% trọng lượng chất khô của lá) và cần phải bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Các kết quả nghiên cứu ở Ecuador đã xác định với lượng bón N - P2O5 - K2O tính cho 1 ha là 600 - 100 - 600 kg, năng suất quả vụ 1 chỉ đạt 30 tấn ở mật độ trồng 1.500 cây/ha nhưng lại đạt tới 55 tấn nếu trồng dày đến 3.000 cây/ha. Năng suất quả vụ 2 cao hơn với các giá trị tương ứng là 47 tấn và 65 tấn. Không có sự khác biệt đáng kể về các chỉ tiêu chất lượng quả giữa các mật độ trồng kể trên. Để duy trì năng suất cao ở những vụ tiếp theo cần chú trọng đánh tỉa chồi và đối với mật độ trồng dày hơn thì lượng phân bón phải nhiều hơn. Tuy nhiên, mật độ trồng quá dày thì lợi nhuận có xu hướng giảm.

Việc xác định liều lượng và phương pháp bón phân đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Phần lớn các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng cây chuối rất phàm ăn và nhấn mạnh sự cần thiết phải bón phân cân đối. Ở Puertorico, lượng bón phổ biến cho 1 ha chuối là 250 - 325 kg đạm, 125 - 163 kg lân và 500 - 650 kg kali. Tuy nhiên, lượng bón thích hợp đối với mỗi vùng phải qua nghiên cứu mới xác định được do tùy thuộc rất nhiều vào đặc điểm giống, loại đất và mật độ trồng… Vì vậy, liều lượng và phương pháp bón thích hợp ở vùng này đôi khi lại không đạt hiệu quả cao ở nhiều vùng khác. Mặc dù vậy, tỷ lệ bón N:P:K được khuyến cáo ở nhiều nước là 8:10:8. Các loại phân vô cơ đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện bón cân đối kết hợp với bón phân hữu cơ và tưới nước.

Theo Recel và cs. (2004), các loại phân vô cơ đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện bón cân đối kết hợp với bón phân hữu cơ và tưới nước. Nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh chuối khác đã được xác định có tác dụng làm tăng năng suất và chất lượng quả như bón phân vi sinh, phun chất điều tiết sinh trưởng.

Theo Agustin B.Molina (2000), che phủ nylon đen kết hợp với tưới nước đã làm tăng nhiệt độ của đất trong mùa đông lên 2 - 30 C và có tác dụng làm cho một số giống chuối thuộc nhóm phụ Cavendish ra hoa sớm hơn 16 ngày.

Chuối là cây phàm ăn, nhu cầu dinh dưỡng của chuối khá cao, đặc biệt là phân kali, đạm là yếu tố ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến thời gian sinh trưởng, năng suất mà còn cả đến phẩm chất, khả năng vận chuyển, bảo quản.

Theo Vũ Công Hậu (1999), lượng phân bón thích hợp tính cho 1 gốc chuối vụ 1 là 50 - 60 g đạm, 30 - 40 g lân và 70 - 80 g kali.

Phạm Quang Tú (1999) đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số mức phân khoáng đối với giống VN1-064 trên đất phù sa sông Hồng vùng Phú Thọ. Kết quả là mức phân bón 200 N + 40 P2 O5 + 480 K2 O cho năng suất và có hiệu quả kinh tế cao nhất 16 kg/buồng.

Theo Nguyễn Văn Luật (2005) lượng phân bón trung bình cho một cây chuối một năm khoảng 10 - 20 kg phân chuồng; 0,5 kg urê; 0,5 kg lân supe, 0,5 - 1,0 kg kali. Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân, bón 1 - 2 lạng kali. Số còn lại (urê và kali) chia ra bón thúc 3 lần: lần 1 sau trồng khoảng 1,5 tháng, kết hợp làm cỏ; lần 2 bón sau lần 1 khoảng 3 tháng; lần 3 bón sau lần 2 khoảng 3 - 4 tháng.

Theo Hồ Thành Nam và cộng sự (2006) đã xác định liều lượng bón NPK thích hợp cho chuối Già nuôi cấy mô trên đất xám miền Đông Nam Bộ từ 300 N - 200 P2O5 - 300 K2O đến 350 N - 300 P2O5 - 400 K2O g/cây/năm giúp cho cây chuối Già nuôi cấy mô sinh trưởng phát triển tốt hơn, năng suất và chất lượng chuối gia tăng về kích thước quả và tỷ lệ buồng đạt loại A (> 18 kg/buồng).

Theo Nguyễn Văn Nghiêm và cộng sự (2010) lượng phân bón cho cây vụ 1 là: 520 g đạm urê (240 g N2 O)

+ 960 g kali clorua (480 g K2 O) cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nguyễn Văn Dũng và cs. (2019) đã báo cáo, sử dụng công thức bón phân cho chuối tiêu thích hợp nhất là: 240 N2O:60 P2O5 :480 K2O g/cây. Ở liều lượng này cây chuối sinh trưởng tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Lượng phân bón cho cây chuối tây thích hợp nhất là: 260 g N2O + 65 g P2O5 + 520 g K2O/cây.

- Cách bón: Bón nhiều lần bằng cách xới rãnh nông theo vòng tròn cách gốc 30 - 50 cm, rải phân, lấp đất và tưới giữ ẩm. Sau khi mưa có thể rải đều xung quanh gốc.

Thùy An