Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

De geselecteerde Web Content bestaat niet meer.

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15417444
Số người đang truy cập: 36

Kỹ Thuật KNKN

Mô hình nuôi Artemia có hiệu quả trên ruộng muối
Ban đầu các nghiên cứu về quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối chỉ tập trung việc làm thế nào để quy trình nuôi đạt hiệu quả cao nhất mà chưa quan tâm đến mô hình nuôi nào là thích hợp để phát triển.

Tuy nhiên, sau đó thực tiển sản xuất cho thấy tùy thuộc điều kiện thời tiết, khả năng tiêu thụ sản phẩm muối, giá cả sản phẩm trứng Artemia nguyên liệu mà ngày nay có nhiều mô hình được áp dụng tùy thuộc hoàn cảnh địa phương.

·      Mô hình nuôi đơn Artemia

Vào những năm 90 mô hình này được đề cập bao gồm sự chuyển đổi toàn bộ diện tích của một lô sản xuất muối sang sản xuất Artemia. Theo đó lô sản xuất muối bao gồm các khu vực chứa nước, bốc hơi sơ cấp, bốc hơi trung cấp và bốc hơi cao cấp, cuối cùng là khu sân kết tinh (sân phơi). Ở hệ thống này chỉ các ao ở khu vực bốc hơi trung cấp được sử dụng để nuôi Artemia do độ mặn khu vực này nằm trong khoảng 80-100 ‰ (thường chiếm không quá 30 % tổng diện tích của lô muối), khu vực bốc hơi sơ cấp được sử dụng để xây dựng thành ao bón phân gây màu, chuyên cung cấp thức ăn cho ao nuôi Artemia. Theo mô hình này thì diện tích có thể cải tạo thành ruộng nuôi Artemia chỉ chiếm tối đa không quá 30 % tổng diện tích. Diện tích còn lại ngoài khu vực bón phân gây màu khoảng 10 % thì gần 60 % còn lại chỉ dùng để chuẩn bị nước mặn cho ao nuôi kể cả sân kết tính. Theo tỉ lệ này thì diện tích thực nuôi Artemia trên mỗi lô sản xuất muối là không đáng kể, và nếu thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng năng suất nuôi thì hiệu quả kinh tế mang lại cho năm đó là không đáng kể.

Ngày nay, với những tiến bộ trong cải tiến trong xây dựng công trình (chuyển sang xây dựng bằng cơ giới) cải tiến đáng kể quy trình nuôi mà mô hình nuôi đơn Artemia có thể triển khai ở bất cứ địa điểm nào trên ruộng muối (thậm chí hướng tới khu vực nuôi tôm như đang áp dụng tại trại tôm thịt ở miền trung hay Thái Lan) với điều kiện kết cấu thổ nhưỡng chặt, không gây thẩm lậu, khu đất không nhiễm phèn nặng... thì đều có thể cải tạo lại đẻ sản xuất Artemia. Thực tế ở Trại Vĩnh Châu khi cải tạo toàn bộ khu đùn chứa thành khu vực chuyên sản xuất Artemia thì hơn 60 % diện tích có thể thả nuôi Artemia (tăng gấp đôi so với hệ thống cũ), việc này giúp tăng diện tích nuôi tối đa, cơ sở để tăng sản lượng trên cùng diện tích mặt nước. Ở mô hình này ao nuôi, ao bốc hơi và ao bón phân đều được thiết kế với diện tích và kết cấu bờ như nhau, trung bình mỗi ao khoảng 0,3 ha mặt nước. Lúc đầu vụ sau khi cải tạo xong toàn bộ diện tích hệ thống sản xuất được cấp nước biển vào để "nuôi nước mặn" (cho nước biển vào ao với mực nước khoảng vài phân (cm), sau đó nước biển dần bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời, hoặc tác động của gió gây xáo trộn, thời gian khoảng 7-10 ngày sau, nước ao cạn dần, độ mặn tăng lên và tất cả được gom chung vào một ao chứa; quá trình nuôi nước sẽ lặp lại đồng thời độ mặn trong ao chứa cùng tăng lên. Trải qua nhiều đợt "nuôi nước" nói trên độ mặn và mực nước trong ao chứa tăng dần, khi thấy đủ nước cho xuống giống thì chọn một ao bất kỳ trong hệ thống để tiến hành vệ sinh đáy ao, diệt tạp (cá dữ, địch hại), cần thiết thì phơi nền đáy cho se mặt trước khi cấp nước mặn (80 ‰) vào ao. Song song với hoạt động này thì tiến hành ấp nở Artemia ở trại giống, trứng nở sau 24 h sẽ được vận chuyển ra ao nuôi để cấy thả. Để việc cấy thả thành công việc này chỉ nên thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối (lúc này trời mát hơn nên không có hiện tượng "sốc" nhiệt). Đến đây công việc còn lại là tiếp tục cấp nước để nâng dần mực nước trong ao nuôi, thông thường độ sâu ao nuôi chỉ khoảng 20-30 cm tính từ đáy ao do đặc điểm công trình ruộng muối là ao thường có thiết kế nông để phơi nước; kế đến là thời gian "nuôi nước" chiếm nhiều thời gian nên việc xuống giống không thể quá kéo dài trong mùa khô (để tận dụng thời vụ). Việc quản lý mức nước cho ao nuôi Artemia ngoài việc tiếp tục cấp nước mặn nói trên thí người nuôi còn tiến hành cung cấp "nước xanh" từ ao bón phân vào (đây là nguồn thức ăn của Artemia) và lưu ý là không để độ mặn ao nuôi Artemia giảm thấp hơn 80 ‰. Song song với việc cấp nước thì hoạt động bừa trục nền đáy ao nuôi vừa để xáo trộn để tăng độ mặn, vừa để hạn chế sự hình thành và phát triển của tảo sợi, tiền thân của ván tảo đáy hay còn gọi là "lab-lab" sẽ gây trở ngại cho việc quản lý ao nuôi và cản trở việc thu hoạch trứng sau này.  Để duy trì thức ăn cho ao nuôi thì ngoài nguồn thức ăn chính là "nước xanh" thì khi quần thể Artemia phát triển mạnh, việc cung cấp tảo không đủ theo nhu cầu thì người nuôi có thể bổ sung thêm cám gạo, bột mì hoặc các lọai phân hữu cơ trực tiếp vào ao nuôi; hiện tại Trường ĐHCT đã phát triển được loại thức ăn công nghiệp để bổ sung vào ao nuôi khi thiếu hụt tảo hoặc sử dụng trực tiếp để nuôi Artemia trong ao hoặc bể theo hình thức nuôi công nghiệp. Khi điều kiện thuận lợi, quần thể Artemia trong ao sẽ thành thục và tham gia sinh sản trứng bào xác sau 12-14 ngày tính từ lúc cấy thả. Trứng thường xuất hiện trong ao ở góc bờ ao dưới hướng gió (thường tập trung theo rác bẩn hoặc bọt nổi trong ao), trứng nổi trên mặt nước có màu từ vàng nhạt sang vàng đậm hoặc nâu đậm tùy điều kiện ao nuôi và tình hình sức khỏe của Artemia. Ngay khi thấy trứng xuất hiện trong ao thì người nuôi tiến hành thu hoạch trứng, tiếp theo là sơ chế làm sạch ngay tại ao (trứng nguyên liệu), cuối cùng trữ trứng trong bể chứa với nước muối bảo hòa. Đối với người dân có thể bán trứng nguyên liệu cho các cơ sở thu mua ngay sau khi thu hoạch và sơ chế để có kinh phí tiếp tục duy trì ao nuôi. Ở mô hình này qua tổng kết nhiều năm cho thấy khi giá trứng nguyên liệu tăng cao thì người nuôi có khuynh hướng dành hết diện tích ruộng muối để nuôi Artemia, lúc này lợi nhận mang lại rất khả quan. Mô hình chỉ sản xuất duy nhất trứng bào xác Artemia, không thu được muối mặc dù đôi khi phải cải tạo lại ao nuôi, sau đó sử dụng nguồn nước mặn mới để cấy thả trong khi lượng nước mặn cũ thừa bỏ đi gây lãng phí.

·      Mô hình Artemia-Muối

Ở mô hình này thì sự kết hợp giữa sản xuất muối và nuôi Artemia hiệu quả hơn, người nuôi có thể tiến hành nuôi Artemia bất kỳ thời điểm nào trong vụ sản xuất vì nước mặn sẳn có, bên cạnh đó có thể sử dụng nước mặn từ ao nuôi cải tạo lại hoặc tháo bỏ một phần để làm muối. Tỉ lệ diện tích làm muối và nuôi Artemia thì hoàn toàn linh hoạt trong sản xuất từng năm, sự tăng giảm này tùy thuộc hiệu quả kinh tế mang lại mà người nuôi có thể có kế hoạch ngay từ đầu vụ hoặc ngay cả điều chỉnh khi thấy một trong hai hoạt động cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cách quản lý ao nuôi Artemia tương tự như ở mô hình nuôi đơn. Việc kết hợp Artemia-muối còn giúp điều tiết diện tích sản xuất và sản lượng muối để tránh sự dư thừa quá mức như thường xảy ra đối với khu vực sản xuất muối truyền thống. Ngoài ra chính nhờ nguồn nước mặn từ làm muối mà vụ nuôi Artemia có thể kéo dài trong vụ năm nay (cấp nước mặn từ ruộng muối vào ao nuôi để duy trì độ mặn), và khi bắt đầu vụ nuôi năm sau do nền đất làm muối còn giữ độ mặn nên quá trình "nuôi nước mặn" cũng nhanh hơn so với mô hình nuôi đơn.

·      Mô hình luân canh: Artemia-Muối và nuôi trồng thủy sản

Mô hình luân canh Artemia-Muối và nuôi trồng thủy sản là nhằm tận dụng canh tác quanh năm trên cùng diện tích để tăng thu nhập. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa trên diện tích nuôi Artemia ở mùa khô có thể thực hiện cho nhiều đối tượng như cá rô phi, cá chẽm, tôm thẻ chân trắng, cua biển...thông thường hoạt động nuôi đi kèm với việc sử dụng thức ăn, vì thế thức ăn thừa và phân thải từ các đối tượng nuôi tích tụ trong ao sẽ gây ô nhiễm cho các vụ nuôi về sau. Bằng cách luân canh với Artemia thì đối tượng này sẽ góp phần làm sạch môi trường, nhờ nguồn dinh dưỡng sẳn có vừa tiết kiệm chi phí phân bón, thức ăn vừa giúp cho các vụ nuôi tôm cá sau ít bị rủi ro do ô nhiễm môi trường. Việc quản lý ao nuôi cũng tương tự như mô hình nuôi đơn. Ở thời điểm kết thúc vụ nuôi Artemia nhờ nước mặn từ ruộng muối mà có thể kéo dài thời gian nuôi Artemia để thu sinh khối làm thức ăn trực tiếp cho các ao nuôi tôm cá, ngược lại nước thải từ ao nuôi tôm cá rất giàu dinh dưởng có thể sử dụng để cung cấp như nguồn thức ăn cho ao nuôi Artemia.