Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15133727
Số người đang truy cập: 20

Kỹ Thuật KNKN

Một số giải pháp tổng hợp phát triển Thanh Long bền vững
Thanh long là một trong những loại cây ăn trái có nhiều ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước & xuất khâu. Hiện tại, Thanh long đã được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc (32 tỉnh thành) tuy nhiên diện tích tập trung lớn nhất là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (3 tỉnh này đả có gần 30 ngàn ha) tiếp theo là Tây Ninh, Đồng Nai và một số địa phương trên Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Nhưng diện tích và sản lượng chủ yếu vẫn tập trung vào Bình Thuận có trên 20.000Ha, Long An gần 5.000 Ha, Tiền Giang khoảng 3.000 Ha. Như vậy, xu thế phát triển diện tích Thanh Long ngày càng tăng và phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Tuy phát triển nhanh và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và gần đây thanh long luôn được giá. Lợi nhuận của người trồng Thanh long cũng tăng hơn so với một số cây trồng khác, xong vẫn còn tồn tại một số bất cập như sau:

1/. Do có lợi nhuận và dễ trồng, có thể rải nhiều vụ trong năm nên cây thanh long bị khai thác quá sức. Do phải mang trái nhiều vụ liên tiếp lại không được bổ sung dinh dưỡng kịp thời và cân đối nên cây Thanh long có hiện tượng thiếu dinh dưỡng, cành teo tóp, xuất hiện vàng cành, tần xuất và các chủng loại sâu bệnh hại ngày càng nhiều.

2/. Việc quá lạm dụng một số hợp chất kích thích sinh trưởng (có chứa GA3, GA4, GA7, Cytokinin, NAA...) trên cây thanh long cũng góp phần làm suy kiệt sức lực của cây Thanh long. Chúng ta đã biết rõ rằng chất kích thích sinh trưởng (chất ĐHST) không phải là dinh dưỡng, nếu dùng nó quá nhiều mà không bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng cho cân đối thì cây sẽ bị kiệt sức và suy giảm tính chống chịu với sâu bệnh hại và thời tiết bất lợi..

3/. Có rất nhiều vườn Thanh long được trồng trên địa hình đất trũng thấp , mực thủy cấp nông, khó thoát nước vào mùa mưa lũ (có thể diện tích này chiếm gần 50%) như trên nền đất ruộng lúa 2 vụ, 3 vụ, dể bị úng. Thiết kế ruộng không có hệ thống thóat  úng, không phù hợp với đặc điểm không chịu úng của cây thanh long làm cho bộ rễ  thiếu oxy, phát triển kém, cành ốm yếu, chống chịu  với sâu bệnh yếu, chất lượng và năng suất trái thấp. Nhiều vườn cây phát triển yếu, cành vàng, có vườn sau một thời gian bị chết. Chứng tỏ phát triển vườn Thanh long còn mang tính tự phát không có thiết kế, qui hoạch khoa học. Đặc biệt hiện nay cây thanh long đã tràn về vùng phèn Đồng Tháp Mười, vấn đề nghiên cứu tính thích nghi  và tính chống chịu phèn và úng của thanh long cần được đặt ra hết sức cấp bách để cảnh báo cho người trồng thanh long. Trong khi đó, Thanh long Bình Thuận đa số trồng trên đất bạc màu nhưng canh tác thiếu phân hữu cơ, bón quá nhiều phân hóa học làm đất thêm bạc màu, hệ vi sinh vật đất có lợi kém phát triển, sức đề kháng của cây rất yếu trong tình hình trên.

4/. Việc lạm dụng & sử dụng không tuân thũ theo nguyên tắc 4 Đúng những loại thuốc BVTV, phân bón lá  đã làm cho cành, rễ  thanh long bị suy kiệt &  trái thanh long mau hư khó bảo quản và vận chuyển đi xa..Cũng do sử dụng nhiều lần trên nhiều dạng loại thuốc đã tiêu diệt nhiều loại thiên địch, từ đó đã phá vỡ "thế cân bằng sinh học tự nhiên". Thực tế đã cho thấy, hiện nay trên các vườn Thanh long thâm canh xuất hiện nhiều loại bệnh.

5/. Công nghệ sau thu họach & công nghệ chế biến chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường cũng như của thực tế sản xuất. Chính nguyên nhân này đã làm giảm sút giá trị gia tăng của trái Thanh long. Giảm lợi nhuận & hạn chế tốc độ mở rộng thị trường.

6/. Tuy có vùng sản xuất khá tập trung ở một số huyện trọng điểm của Bình Thuận, Long An & Tiền Giang nhưng còn rất yếu trong khâu tổ chức sản xuất, liên kết với qui mô lớn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Chuỗi liên kết ngành hàng chưa được tổ chức chặt chẽ và khoa học. Mặc dù Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng như các sở ban ngành đã chú ý phát triển các diện tích Thanh long theo qui chuẩn Viêt-GAP và cũng đã có kết quả khả quan như ở tỉnh Bình Thuận (đã có trên 7.000 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP). Nhưng để duy trì và phát triển diện rộng trên những diện tích trồng Thanh long theo qui chuẩn Việt-GAP thì còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập trong quản lý, điều hành, do nhận thức, ý thức và thói quen cố hữu, bảo thủ của người nông dân .

7/. Mặc dù trái Thanh long Việt nam phần lớn đã được xuất khẩu tới 14 quốc gia trên thế giới (chiếm từ 80-85% sản lượng), nhưng chủ yếu vẫn là các nước Châu Á mà Trung Quốc chiếm thị phần lớn. Chưa có khả năng mở rộng thị trường sang khu vực châu Âu (Đông Âu,  Tây Âu) và Nhật Bản.  Châu Âu là thị trường bán được giá cao nhưng là những khách hàng khó tính. Trong lúc đó trái thanh long của ta còn quá nhiều tồn tại, nhất là còn có xuất hiện những vết bệnh (do nấm và vi khuẩn) trên trái trong quá trình tồn trữ, vận chuyển, trái  và những tai trái bị héo vàng & dập trái, thiếu vệ sinh và đôi khi vẫn còn tồn  dư lượng hóa chất độc hại, nên khi chuyên chở xa, nhất là chuyên chở bằng tàu thủy, khi đến thị trường Châu Âu tỷ lệ trái bị hư hỏng quá lớn. Đồng thời đã bắt đầu có một số nước cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV cao trong trái thanh long & nhất là với đối tượng Ruồi đục trái.Vấn đề xúc tiến thương mại của Việt Nam ở các nước Châu Âu chưa được qun tâm, người dân Châu Âu hầu như chưa hiểu biết gì nhiều về trái thanh long (Thậm chí họ cọn coi như một trái xương rồng hoang dại rất ngại ngùng khi được mời dùng thử).

8/. Chưa có những kế hoạch và những hợp đồng hợp lý giữa sản xuất và tiêu thụ, chưa xác định chính xác các thông số về Cung-Cầu của từng thời điểm trong năm, dẫn đến không ổn định về giá cả tiêu thụ. Đặc biệt hiện nay các nước trong khu vực đã phát triển trồng thanh long mạnh mẽ như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan.. cần có những nghiên cứu thường xuyên về cung – cầu thanh long và những dự báo chính xác mùa vụ thanh long để chỉ đạo, điều hành về quy hoạch và rải vụ thanh long một cách hợp lý và khoa học (dựa vào quy luật cung cầu và khả năng rải vụ thanh long của Việt Nam)

9/. Chưa  xây dựng được thương hiệu mạnh cho Thanh long Việt Nam. Còn tồn tại khá nhiều các nhãn hiệu Thanh long cùng xuất xứ tại Việt Nam (có cả nhãn hiệu của Công ty nước ngoài đóng gói ngay tại Việt Nam). Chưa xây dựng đươc các tiêu chuẩn và qui chuẩn  về chất lượng trái Thanh long xuất khẩu.

10/. Việc qui hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà sơ chế đóng gói, kho lạnh bảo quản còn chưa được chú ý đúng mức để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất Thanh long bền vững.

Thanh long của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

 Chính những tồn tại trên sẽ là rào cản khiến cho cây Thanh long khó phát triển một cách bền vững và phát huy tối đa thế mạnh của một trong 11 loại trái cây mà Bộ NN-PTNT đã lựa chọn. Để góp phần xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất Thanh long ổn định, bền vững, xin có một số đề xuất như sau:

1/.Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng trồng Thanh long tập trung.

-       Nên qui hoạch các diện tích trồng Thanh long tập trung ở các tỉnh phía Nam bởi vì cây Thanh long là cây ưa ánh sáng ngày dài, chịu lạnh kém. Cần có kế hoạch chính xác về tổng diện tích cần phát triển và duy trì ổn định trên cơ sở cân đối Cung-Cầu sản lượng và khả năng rải vụ của trái Thanh long. à Thị trường là quyết định.

-       Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng trái Thanh long hàng hóa thông qua việc quản lý sản xuất theo qui chuẩn VietGAP. Tiến hành lập bản đồ số hóa diện tích quy hoạch vùng trồng thanh long (tập trung cho các tỉnh trọng điểm trồng thanh long: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đang có ưu thế về diện tích & điều kiện tiểu khí hậu thuận lợi) để quản lý một cách khoa học, chặt chẽ theo quy hoạch đã được tính toán cân đối Cung-Cầu. à Chất lượng là hàng đầu

-       Bộ Nông nghiệp-PTNT cần sớm triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng tập trung quy hoạch trồng Thanh long, ưu tiên xây dựng sớm ngay hệ thống giao thông nông thôn; Quan tâm cung cấp nguồn điện ổn định cho người trồng thanh long chông đèn (thắp đèn) trái vụ à nước (không để úng nước và không để hạn, thiếu nước) và điện là điều kiện tiên quyết về kỹ thuật để phát triển thanh long.

-       Hỗ trơ kinh phí và tạo điều kiện cho vay vốn để các doanh nghiệp, các HTX trực tiếp sản xuất có điều kiện đầu tư nhà xưởng chế biến, kho lạnh bảo quản và tồn trữ trái Thanh long. -à Tín dụng và công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch là rất quan trọng. Thông tin đầy đủ, kịp thời  các chính sách hỗ trợ  đến  doanh nghiệp để đầu tư  đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm cũng như cung cấp chính xác các thông số về "hàng rào kỹ thuật" của các mặt hàng trái cây để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu Thanh long nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

-        

2/. Ứng dụng & chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

-       Cần đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu về cây Thanh long để kịp thời đáp ứng được những khó khăn mà sản xuất Thanh long đang gặp khó khăn như: Giống, kỹ thuật trồng mới, sâu bệnh hại mới và cách phòng trừ vừa đạt hiệu quả vừa bảo đảm an toàn cho chất lượng trái Thanh long, cho người canh tác và cho môi trường sinh thái nông thôn cũng như sức khỏe cộng đồng.

-       Thường xuyên và nâng cao công tác tập huấn kỹ thuật, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để phát triển thanh long bền vững, an toàn. Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng vùng phi dịch hại về ruồi đục quả; phòng chống các đối tượng dịch bệnh mới xuất hiện gây nguy hại đối với cây thanh long. Hạn chế tối đa việc lạm dụng các thuốc BVTV, phân bón và các chất điều hòa sinh trưởng nhằm bảo vệ thương hiệu trái Thanh long Việt Nam. à Tốt nhất hiện nay là khuyến khích nông dân trồng thanh long vào hợp tác xã (liên kết ngang: nông dân – nông dân: để sản xuất cùng quy trình, có sức mạnh để đàm phán với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và nhất là ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp lo đầu ra) theo QĐ số 62 của Thủ tướng Chính phủ.  

-       Có giải pháp khả thi và xây dưng lộ trình để đẩy mạnh phát triển các mô hình, diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng Thanh long hữu cơ nhằm đảm bảo tiêu chuẩn & nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các chỉ tiêu "Rào cản kỹ thuật" nhằm phục vụ xuất khẩu.

-       Cần sớm có giải pháp và tiến độ để xây dựng thương hiệu chung cho ‘Thanh long Việt Nam" (bao gồm có các nhãn hiệu có uy tín dưới sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ của một tổ chức).

3/. Có biện pháp quản lý nghiêm túc hơn nữa các loại nông dược, phân bón, giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các hệ thống đại lý phân phối, những người trực tiếp canh tác để bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn an toàn cho trái Thanh long. Đề nghị Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp-PTNT kiểm soát lại danh mục các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, chất ĐHST để sớm loại bỏ những loại thuốc đã được các nhiều quốc gia trên thế giới & các nước kế cận Việt Nam (Thái Lan, Malaysia) cấm sử dụng nhưng Việt Nam vẫn cho phép sử dụng. Nên loại bỏ ngay những loại thuốc BVTV có cụm từ "Hạn chế sử dụng". Đây là một cụm từ "Rất khó hiểu đúng" cho những người trực tiếp trồng Thanh long và cũing gây khó khăn cho công việc quản lý Thanh long sạch.

PGS.TS.Mai Thành Phụng & TS.Nguyễn Đăng Nghĩa