Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15434375
Số người đang truy cập: 12

Kỹ Thuật KNKN

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp - hướng đi hiệu quả, bền vững tại các nhà vườn huyện Xuyên Mộc.

Hiện nay trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, chế phẩm sinh học (CPSH) được bà con nông dân ứng dụng rộng rãi vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Thành quả ứng dụng đem lại cho các nhà vườn thật đáng khích lệ. Trong số các CPSH đó có các loại CPSH được điều chế từ EM gốc, bà con nông dân cũng có thể tự điều chế để sử dụng cho vườn nhà.

Ông Nguyễn Văn An là chủ trang trại nông nghiệp trồng thanh long lớn trên địa bàn xã Bông Trang cho biết: Đã hơn 6 năm nay gia đình tôi chuyển đổi thói quen canh tác sử dụng phân hóa học, hóa chất diệt cỏ, diệt sâu bệnh…. sang mô hình canh tác theo hướng hữu cơ. Mô hình sử sụng CPSH EM  đạm cá thay thế phân bón hóa học. Chúng tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ mà  chỉ cắt cỏ bằng máy, hạn chế sử dụng thuốc hóa học sợ ảnh hưởng sức khỏe con người, cây trồng và sinh vật có lợi cho nông nghiệp. Sau nhiều năm áp dụng theo mô hình này tôi thấy hệ sinh thái đất trong vườn rất phong phú gồm có thảm cỏ xanh mát, vi sinh vật và động vật… phát triển làm đất tơi xốp. Về năng suất cây trồng thanh long cũng ổn định, sản phẩm trái thanh long an toàn được nhiều người tiêu dụng tin tưởng.

Hình: Vườn thanh long sử dụng EM đạm cá của ông Nguyễn Văn An (Ảnh: Vũ Đức Chính)

Kinh nghiệm lâu năm của một số nhà vườn chia sẻ với chúng tôi: Nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách các loại phân vô cơ và hóa chất trong thời gian dài sẽ làm đất chai cứng, khả năng giữ nước kém, không còn tơi xốp do hệ sinh thái cỏ cây sinh vật bị tiêu diệt. Trong quá trình sử dụng hóa chất và lượng tồn dư trong nông sản ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Đó cũng là vấn đề mà một số nhà vườn đang gặp phải, như nông trại trồng tiêu của ông Lê Xuân Thu tại xã Xuyên Mộc. chúng tôi đã ghé thăm và có cuộc trò chuyện với ông. Ông Lê Xuân Thu cho biết: "Cách đây 04 năm về trước vườn của tôi cũng xanh tốt, nhìn sướng mắt lắm. Kinh nghiệm là tôi chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ hạn chế phân bón hóa học và hóa chất xử lý. Đặc biệt là tôi tự ủ EM đạm cá để sử dụng là phân bón cho tiêu. Nhưng vào thời điểm giá tiêu xuống thảm và do không có công chăm sóc nên tôi buộc phải cho thuê vườn tiêu với giá 80 triệu/ha/năm. Mọi chuyện xấu đi từ đó, tôi không lường trước được việc người thuê do ham lợi nhuận, họ lạm dụng phân vô cơ, thuốc kích thích, hóa chất để phòng bệnh và tăng năng suất cây trồng. Giờ này thì đã khá nhiều bụi tiêu kiệt sức, nhiều bụi bị chết khô. Thiệt hại đáng kể và hậu quả về sau. Để phục hồi vườn được như xưa thì khó và tốn tiền, tốn công lắm", Ông Thu than thở.

Hình: Vườn tiêu ông Lê Xuân Thu bị thiệt hại do lạm dụng phân vô cơ, hóa chất
(Ảnh: Vũ Đức Chính)

Theo Kỹ sư Nguyễn Hữu Lộc, hiện là Giám đốc Công ty TNHH ACC-BIO - trực tiếp sản xuất kinh doanh các sản phẩm phân bón từ chế phẩm EM có trụ sở tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, BRVT, cho biết: "Đã gần 20 năm gắn bó với bà con nông dân làm nông nghiệp. Thấy được nhiều thành công cũng như thất bại của bà con trong việc ứng dụng chế phẩm EM trong nông nghiệp. Có 02 yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả cần lưu ý: Một là, ủ vi sinh và sử dụng đúng phương pháp. Hai là, kiên trì áp dụng mô hình trong nhiều năm mới thấy hiệu quả".

Ông cho biết thêm, các CPSP EM đang được bà con sử dụng nhiều và hiệu quả trong nông nghiệp bao gồm:

- EM thứ cấp là dung dịch EM có tác dụng phân giải các chất hữu cơ, khử trùng, làm sạch môi trường, cải thiện tính chất hoá lý của đất, tăng trưởng vật nuôi... Ủ chế phẩm EM thứ cấp (Ảnh: Vũ Đức Chính)

- EM5 là dung dịch EM có tác dụng hạn chế, phòng ngừa sâu - bệnh, tăng cường khả năng đề kháng, chống chịu của cây trồng, tăng trưởng của cây trồng...

- EM FPE (gọi là EM thực vật) là dung dịch EM có tác dụng kích thích sinh trưởng cây trồng và tăng năng suất, chất lượng cây trồng. - EM-Bokashi: có nhiều loại như là Bokashi môi trường, Bokashi phân bón, Bokashi - thức ăn chăn nuôi... có tác dụng phân giải các chất hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất, tăng trưởng cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, làm sạch môi trường…

Đây cũng là các dạng CPSH chuyển hóa mà bà con nông dân có thể tự điều chế từ EM gốc và nguồn nguyên liệu sẵn có như nước sạch, rỉ đường, cá tạp, cám gạo, thực vật, thức ăn…

Hình: Ủ chế phẩm EM đạm cá (Ảnh: Vũ Đức Chính)

Rõ ràng sử dụng CPSH nói chung và EM nói riêng đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề ưu tiên hàng đầu trong ngành nông nghiệp hiện nay. Đó không chỉ là năng suất và chất lượng lương thực thực phẩm, như là: sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho xã hội, đảm bảo tiêu chí sản phẩm sạch và an toàn cho sức khoẻ của con người. Mà nó còn đảm bảo về mặt hiệu quả về kinh tế và tinh thần cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, đảm bảo sự bền vững của nông nghiệp và môi trường.

Vũ Chính