Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15239786
Số người đang truy cập: 17

Kỹ Thuật KNKN

Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn

Ngày 27/5/2022 vừa qua, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức trồng 200 cây đước trên diện tích 0,75ha tại khu bảo tồn rừng ngập mặn (RNM) bên trong khu Tổ hợp Hóa dầu. Theo lãnh  đạo LSP,  trồng cây xanh là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Với diện tích 0,75ha RNM sẽ trồng trong năm 2022, khi hoàn thành dự án LSP sẽ có tổng cộng 24,3ha RNM có thể hấp thụ khoảng 418 tấn carbon dioxide mỗi năm.

Hiện trạng RNM tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Những năm gần đây, diện tích RNM có xu hướng giảm do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, suy thoái môi trường…

Năm 2021, tổng diện tích RNM trên địa bàn tỉnh là hơn 2.029ha (không tính rừng trồng mới). Tuy nhiên, diện tích RNM giảm 24,14ha so với kết quả kiểm kê rừng năm 2016. 

RNM phân bổ tại huyện, thị, thành phố như:  Phú Mỹ, Vũng Tàu, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo. Trong đó, TX. Phú Mỹ có diện tích RNM lớn nhất, với hơn 1.047ha. 

Theo ông Trần Giang Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, RNM giảm là do một số khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất; do hiệu chỉnh số liệu diễn biến rừng hàng năm. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng phá rừng.

 

Hình: Lãnh đạo Sở TNNT tham gia trồng RMN tại Côn Đảo

Vai trò của RNM

Theo TS Lê Xuân Tuấn, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết, rừng ngập mặn là một hệ sinh thái hết sức quan trọng, vừa cung cấp các nhu cầu cho cuộc sống của cộng đồng dân nghèo ven biển vừa là bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy carbon, giảm khí CO2, duy trì đa dạng sinh học khi có thiên tai. 

Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và phòng tránh được sự bào mòn của nước biển. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới…Vì vậy, rừng ngập mặn ven biển được xem như "lá phổi xanh" bảo vệ cư dân và hệ sinh thái đất ngập nước. 

RNM ở BR-VT góp phần bảo vệ bờ biển chống xói lở. Bởi hệ thống RNM có hệ rễ chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng, giảm tốc độ dòng chảy vào nội địa khi triều cường; hệ thống các thân, cành và rễ còn giúp kết dính những vật liệu phù sa từ sông mang ra. Đặc  biệt, hiện nay RNM còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh, nhất là phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Giải pháp bảo vệ và phục hồi RNM

Thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo về và phục hồi RNM như: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển RNM cho người dân; tăng cường công tác phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thực hiện công tác tuần tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng...

Trong 5 năm qua, BR-VT đã thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với những khu RNM có cây tái sinh chưa đủ tiêu chí thành rừng và trồng mới 170,49ha RNM tại địa bàn TX. Phú Mỹ (97,5ha), TP. Vũng Tàu (42,99ha) và TP. Bà Rịa (30ha).

Đinh Nhâm