Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13247060
Số người đang truy cập: 31

Kỹ Thuật KNKN

Xác định sức chịu tải môi trường là nội dung quan trọng trong quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản?
Lợi thế bờ biển dài và các hệ sinh thái quan trọng như cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô... Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản. Theo ước tính, đến cuối năm 2023, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt gần 5,7 ngàn ha với tổng sản lượng đạt 388 ngàn tấn các loại. Năm 2024, tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát các vùng biển phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản lồng bè ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, trước hết cần thiết phải tính toán được sức tải của môi trường và đề ra giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

Sức chịu tải môi trường trong nuôi trồng thủy sản?
Sức chịu tải môi trường trong nuôi trồng thủy sản là khả năng chịu đựng của môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, mô tả mức độ hoạt động nuôi trồng thủy sản tối đa (như nuôi cá, nuôi tôm..) mà môi trường hoặc hệ sinh thái cụ thể có thể duy trì mà không gây ra thiệt hại hoặc suy thoái.
Để xét mức chịu tải môi trường trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần xem xét các yếu tố như chất lượng nước, cân bằng dinh dưỡng, mức oxy và khả năng của hệ sinh thái trong đồng hóa chất thải, đảm bảo rằng các hoạt động nuôi trồng thủy sản không vượt quá khả năng chịu tải của môi trường và duy trì trạng thái bình thường cũng như đảm bảo tính đa dạng sinh học của nó.
Như vậy, đánh giá sức chịu tải môi trường cho nuôi trồng thủy sản là xác định khả năng nuôi trồng thủy sản tối đa của một vùng, một không gian nào đó mà không làm cho môi trường bị suy thoái. Đối với mỗi đối tượng nuôi khác nhau, việc đánh giá sức tải môi trường khác nhau, chủ yếu liên quan đến không gian của vùng nuôi, nhu cầu thức ăn đối với loài ăn thức ăn tự nhiên, và ngưỡng môi trường (hay ngưỡng sức chịu tải môi trường là điểm mà tải lượng ô nhiễm vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng về chất lượng nước và nền đáy).

Hình: Vùng nuôi trồng thuỷ sản lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, Tp Vũng Tàu (Ảnh Trường Giang)

Xác định sức tải nuôi trường là nội dung quan trọng trong quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản lồng bè ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện nay, để tính toán sức tải môi trường, chúng ta áp dụng Thông tư số 02/2022/TTBTNMT ngày 10/01/2022 và Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tính toán sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ (có độ mặn dưới 4‰) và theo Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT để việc xác định khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của mỗi đoạn sông, hồ.
Nuôi trồng thủy sản đã chứng tỏ vị thế là một ngành kinh tế quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu. Nhờ vào sự gia tăng nhu cầu về thủy sản trên thế giới, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành này, không chỉ với tư cách là một khu vực có khả năng sản xuất và cung cấp sản phẩm thủy sản chất lượng cao, mà còn là nơi thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Đặc biệt, ngành này có tiềm năng tạo ra hàng nghìn việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân địa phương, cũng như thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế khu vực. Lợi nhuận từ nuôi trồng thủy sản không chỉ thúc đẩy sự thịnh vượng của từng cá nhân, hộ gia đình mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế, từ việc củng cố các ngành phụ trợ như cung cấp thức ăn chăn nuôi, chế biến, vận chuyển đến việc hỗ trợ phát triển các ngành dịch vụ liên quan.
Thêm vào đó, khi thế giới đang đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực, đặc biệt là vấn đề cung cấp nguồn protein an toàn và bền vững, việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đóng vai trò là một trong những giải pháp quan trọng. Thông qua việc nuôi trồng các loài thủy sản đa dạng, khu vực này không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm thiết yếu cho người dân trong nước mà còn góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nuôi trồng thủy sản mang lại, sự mở rộng hoạt động này cũng kéo theo một loạt các rủi ro môi trường và xã hội cần được cân nhắc. Tính bền vững của môi trường là mối quan tâm hàng đầu, bởi vì việc phát triển nuôi trồng thủy sản không hợp lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển và môi trường tự nhiên. Một trong những rủi ro chính là khả năng ô nhiễm nguồn nước. Sự tích tụ của chất thải có thể gây suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật và cả sức khỏe con người. Điều này đặt ra thách thức trong việc quản lý và xử lý ô nhiễm, đảm bảo rằng tải lượng ô nhiễm không vượt quá sức chịu tải của môi trường và sự mất cân bằng trong hệ sinh thái và làm giảm sự đa dạng sinh học.

Mạnh Cường