Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 11511064
Số người đang truy cập: 11

Kỹ Thuật KNKN

Lưu ý khi tuyển lựa heo làm giống sinh sản
Lưu ý khi tuyển lựa heo làm giống sinh sản

A. Tuyển nái giống:

  Ngoài yếu tố dòng giống trong gia phả, ta cần lưu ý các đặc điểm ngoại hình sau đây của heo cái để tuyển lựa làm giống sinh sản:

1. Thân hình nái phải thon, dài đòn, mông nở, vai nở, tránh loại heo mông lép, vai lép.

2. Bộ xương lớn chắc chắn, biểu lộ ở điểm khấu đuôi to, đuôi dài, vòng bàn chân sau to, chắc chắn, móng chân thẳng xòe, đều, ngón chân ngắn, bước đi gọn gàng, vững vàng. Tránh các loại heo: có khấu đuôi nhỏ, đuôi ngắn, có tật ở đuôi, vòng bàn chân nhỏ, yếu, móng dài như móng hài, chân nhỏ yếu, móng chân dài ngắn không đều nhau làm bước đi yếu ớt.

3. Đuôi luôn luôn ve vẩy hoặc vấn một vòng cong, thân mình lanh lẹ.

4. Mắt linh hoạt không đổ ghèn, luôn luôn đảo mắt quan sát ngoại cảnh.

5. Hoa ửng (nếu là heo trắng) không nên lựa heo có hoa nhỏ, tái. Loại heo có âm vật hình móc câu rất sai con nhưng chu kỳ rửa đực kéo dài, thời gian trứng rụng từ 36-48 giờ hay hơn. Không rụng trứng đồng loạt mà rụng lác đác suốt thời gian dài, cho nên cần phải phủ kép thêm 1-3 lần nữa mới đậu nhiều thai, nếu không nái đẻ ít con.

6. Heo có hai hàng vú đều đặn, quãng cách giữa hai hàng vú không quá xa để  sau này nái nằm cho con bú lộ cả hai hàng vú không xảy ra trường hợp vú trên nằm che mất hàng vú dưới, nhờ đó nuôi được nhiều con, con đồng đều hơn. Tổng số vú của một nái từ 12 – 16 vú là tốt. Không câu nệ phải là nái có số vú lẻ hay chẳn.

 Mỗi hàng vú có một vú áp chót thường hay bị lép chỉ có sữa vài ngày đầu rồi tắt hẳn, heo con bú hai vú này sẽ trở thành heo còi, 8 vú ngực thường phát triển tốt, còn hai vú chót đặc biệt rất nhiều sữa. Sau khi cai sữa nếu không bắt nái nhịn ăn, nái sẽ bị viêm hai vú này. Kỳ đẻ lần sau vú sẽ không có sữa và còn làm nhiễm trùng vào máu, gây viêm sốt cả hàng vú, gây mất sữa chết trọn đàn con. Dĩ nhiên vì hai vú chót tốt sữa nên chọn heo con đẹt nhất dành cho chúng để chúng chóng phát triển, vừa ít bị giành vú so với các vú ở các vị trí khác. Vả lại heo đẹt sức thúc vú yếu, vú không phát triển quá lớn gây viêm sau này.

 Khi chọn nái nên lựa những nái có núm vú lồi rõ, cao đều nhau, không nên chọn loại nái có núm vú nhỏ, lớn không đều, quãng cách giữa các núm không đều nhau hoặc vú thụt sâu.

7. Tăng trọng của heo nái hậu bị ấy nhanh nhất đàn, nhờ đó sau khi khai thác con qua 3-4 lứa đẻ còn tận thu được xác mẹ. Yếu tố tăng trọng nhanh chứng tỏ khả năng thích nghi với ngoại cảnh, thức ăn và cách chăm sóc con heo đó nhanh hơn các con khác. Bà con nông dân có sai lầm thường bán hết heo con tốt, con nào ế, đọng lại dành giữ làm giống thay thế mẹ nó.

8. Nên chọn những con heo cái con của đực giống vốn có mẹ đực giống ấy là nái tốt sữa và đực giống có từ 14 vú trở lên, vú ngay hàng đều đặn (để truyền lại cho con của nó).

9. Trong suốt thời gian nuôi heo cái choai, từ giai đoạn heo tơ cho đến khi sắp rửa đực con heo đó phải không bị một chứng bệnh nào thì mới nên cho phối giống để sinh sản. Nếu trong giai đoạn này heo có bệnh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng xấu đến sức tăng trưởng, đậu thai, dưỡng thai, sinh đẻ nuôi con ở các giai đoạn về sau.

10. Heo cái phải hiền hòa thân thiện với người, không quá nhút nhát hay hung dữ (dễ sinh tật cắn con sau khi đẻ) đi, đứng, nằm đủng đỉnh nhẹ nhàng có "ý tứ" (để không đè lên con). Loại thải heo nái ăn no lăn kềnh ra ngủ sẽ làm hao hụt nhiều heo con và sức tiết sữa nuôi con kém, do không biết lăn trở gọi con bú đều đặn.

 B. Tuyển đực giống:

Ngoài yếu tố dòng giống gia phả, về ngoại hình, tuyển đực giống hậu bị cũng dựa theo các điểm 1,2,3,4 của việc chọn nái giống, cần chú ý đôi chân sau phải thật vững chắc, bụng đực giống phai thon nhỏ, cân đối, hai dịch hoàn đều đặn, phát triển tốt, tránh lựa đực bị lồi rốn (vì dễ lầm với bao đầu dương vật).

Đực giống di truyền tính tốt sữa cho heo cái con nó và mẹ lại truyền tính này cho con đực con đời sau, cho nên cần phải chọn đực giống con của nái tốt sữa. Đực giống cần có 14 vú trở lên là tốt.

Đực giống phải nhanh nhẹn, hiền hòa nhưng đồng thời cũng phải đi đứng nhanh, chậm tuân theo cách điều khiển của người phụ trách chăn dắt. Không chọn đực giống hung hăng (lúc 3-5 tháng tuổi đã biểu lộ tính hung hăng) vì khi đi phủ thường hay cắn hoặc làm nái hoảng sợ.

Đực giống làm việc tốt khi nào phản xạ sinh dục lúc chồm nhảy nái rất nhẹ nhàng, nhờ vậy có thể phủ được những nái có tầm vóc nhỏ hơn nó, hoặc nái yếu chân (thường các phản xạ sinh dục của nọc làm nái yếu sức không chịu nổi khối lượng của đực giống có thể trọng to hơn). Đực vụng về không phủ nái êm ái làm nái không thể chịu đựng lâu do đó không làm đực xuất tinh trọn vẹn vào tử cung nên tỷ lệ đậu thai ít. Vả lại đực giống từ chỗ vụng về, không phủ nái xuất tinh trọn vẹn, sinh thêm tật hung hăng sau khi nái bỏ chạy, càng làm cho đực vụng về hơn hơn ở những lần phối các nái khác.

Khả năng tăng trọng nhanh của một heo đực trong một bầy là biểu hiện cho sức đấu tranh thích ứng sinh tồn với môi trường sống cao hơn các con khác và đó là một tiến bộ di truyền của thế hệ sau so với đàn. Ta cần lưu ý khả năng này để tuyển đực hậu bị có khả năng chống chịu giỏi với điều kiện khắc nghiệt của môi sinh. Nhân tố này quyết định sự tồn vong của một dòng heo mà đực ấy là đực đầu dòng.