Kỹ Thuật KNKN
Đa dạng sinh học quan trọng như thế nào?
Đa dạng sinh học là gì?
Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự đa dạng to lớn mà chúng ta thấy trong mọi sự sống trên trái đất. Khi các sinh vật thích nghi với môi trường và tiến hóa theo thời gian, ngày càng có nhiều biến thể xuất hiện. Các nhà khoa học ước tính rằng có ít nhất 8,7 triệu loài động vật, thực vật, nấm và các sinh vật khác tồn tại trên Trái đất, cùng với vô số các loại vi khuẩn. Mỗi loài trong số này đều thích nghi để đóng một vai trò đặc biệt trong môi trường xung quanh, sự đa dạng này đảm bảo rằng các hệ sinh thái hoạt động bình thường và duy trì sự cân bằng.
ĐDSH có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học (Công ước Đa dạng sinh học – 1992).
ĐDSH là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên (Luật Đa dạng sinh học Việt Nam).
Tầm quan trọng của ĐDSH.
ĐDSH đã đóng vai trò quan trọng đối với nông nghiệp từ thuở sơ khai. Từ lâu, con người đã khai thác và định hướng sự đa dạng di truyền bằng cách thuần hóa các loài thực vật và động vật ăn được. Ngay cả khi không hiểu về di truyền học, những người nông dân đầu tiên đã làm điều này chỉ bằng cách chọn trồng những loại cây tạo ra hạt lớn, có thể ăn được. Khi những loài thực vật thuần hóa này lan rộng khắp thế giới, chúng đã tiến hóa các biến thể riêng của mình. Giống như các loài thực vật hoang dã, cây trồng cũng phụ thuộc vào sự đa dạng di truyền để có các đặc điểm giúp chúng chống lại bệnh tật và duy trì năng suất khi chịu căng thẳng. Sự đa dạng di truyền trong cây trồng cũng mang lại cho chúng ta nhiều loại thực phẩm mà chúng ta thích. Sự ĐDSH trong chăn nuôi cũng quan trọng vì những lý do tương tự, có hàng nghìn giống heo, gia súc, gia cầm và các loài động vật khác có vẻ đẹp, độc đáo và thích nghi đặc biệt với môi trường của chúng.
Duy trì ĐDSH trong tự nhiên và trong cây trồng có lợi cho trang trại. Mặc dù được con người quản lý, trang trại vẫn là hệ sinh thái. Thực vật, động vật và đất đai đều phụ thuộc vào nhau về chất dinh dưỡng và môi trường sống.
ĐDSH là nền tảng cho một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Từ những loài thụ phấn như ong, bướm đến các vi sinh vật trong đất, tất cả đều đóng góp vào việc tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Không có ĐDSH, nông nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách thức như giảm sản lượng, gia tăng chi phí sản xuất và phụ thuộc vào hóa chất độc hại.
Tác động của nông nghiệp đến ĐDSH hoang dã
Nông nghiệp dựa vào các quá trình tự nhiên và các sinh vật sống để tạo ra thực phẩm, nhưng thường làm thay đổi môi trường xung quanh. Trong khi các trang trại có thể được quản lý theo cách giảm thiểu thiệt hại cho môi trường xung quanh, thì việc tập trung vào năng suất của nền nông nghiệp công nghiệp có nghĩa là quá nhiều trang trại gây gián đoạn cho các loài hoang dã có sinh cảnh sống liên quan. Khi môi trường bị thay đổi quá nhiều hoặc ô nhiễm do nền nông nghiệp công nghiệp hóa, các loài dễ bị tổn thương có thể mất môi trường sống và thậm chí tuyệt chủng, gây hại cho ĐDSH.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Con người đã chuyển diện tích các vùng đất hoang dã thành trang trại sản xuất nông nghiệp với mục đích gia tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu về lương thực thực phẩm của dân số toàn cầu.
Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, đồng cỏ thành đất nông nghiệp làm giảm đáng kể diện tích sống của các loài động thực vật.
Hình: Phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp (Ảnh Internet)
Canh tác độc canh đã phá huỷ ĐDSH
Việc sản xuất độc canh, trồng các giống cây đơn tính làm giảm đa dạng di truyền, tăng khả năng mắc bệnh và giảm khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.
Những cánh đồng rộng lớn trồng một loại cây trồng duy nhất mang lại sự đơn giản cho nông dân và nguồn cung cấp thức ăn ổn định cho các trang trại công nghiệp, nhưng chúng lại là sa mạc ĐDSH. Duy trì độc canh đòi hỏi phải sử dụng nhiều đầu vào hóa học làm giảm sự phong phú của các loài hoang dã cả trong và ngoài trang trại.
Sử dụng hóa chất nông nghiệp
Các hoạt chất trừ sâu bệnh, kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của các sinh vật và phá hủy hệ sinh thái.
Nông dân Việt Nam có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều những hóa chất nông nghiệp hơn mức thực sự cần thiết và những loại hóa chất có độc tính cao hơn hay có phổ gây độc rộng hơn. Điều này đặc biệt đúng với một số loại cây trồng như hoa quả, rau và bông. Một số loại hóa chất diệt trực tiếp các sinh vật, nhưng một số loại khác lại có tác động tới toàn bộ chuỗi thức ăn.
Thuốc diệt cỏ là chất gây hại lớn vì chúng tiêu diệt cây cỏ là nền tảng của chuỗi thức ăn của các loài sinh vật. Hiện nay, thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng một cách bừa bãi trên các bờ ruộng và các khu vực không trồng trọt là những nơi dự trữ ĐDSH quan trọng, nơi sinh sống của các thiên địch cho các cánh đồng.
Hình: Sử dụng hoá chất nông nghiệp làm suy giảm ĐDSH (Ảnh Internet)
Các hóa chất nông nghiệp làm phá vỡ hệ sinh thái đang bảo vệ cánh đồng, làm cho các cánh đồng dễ bị bùng phát sâu hại. Và cuối cùng, các hóa chất này cũng lọt vào chuỗi thức ăn và tác động vào cộng đồng dân cư. Trong hệ sinh thái nông nghiệp, các chất hóa học này được biết đến như những chất phá hủy tuyến nội tiết, dẫn đến hàng loạt các tác động xấu về môi trường đối với nhiều loài vật.
Việc tích tụ nhiều nitơ từ phân đạm trong quá trình canh tác bị rửa trôi xuống ao, hồ có thể gay ra hiện tượng tảo nở hoa – gây ra sự phát triển không kiểm soát của tảo, chặn ánh sáng đến phần còn lại trong nước hoặc khi tảo chết, quá trình phân huỷ của chúng sử dụng hết oxy có sẵn trong nước, tạo ra "vùng chết", nơi không thể sinh sống đối với cá và các sinh vật thủy sinh khác. Quá trình này, được gọi là phú dưỡng, có thể xảy ra ở cả nước ngọt và nước mặn.
Khai thác nguồn nước ngầm quá mức
Canh tác nông nghiệp tiêu thụ lượng nước lớn, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thủy sinh.
Du nhập các loài ngoại lai làm giống cây trồng, vật nuôi
Sự du nhập các loài ngoại lai làn giống cây trồng, vật nuôi khi các loài này vượt ra khỏi sự quản lý của các trang trại, cúng gây ra sự cạnh tranh khốc liệt với loài bản địa, chiếm dụng nguồn lực và thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái. Điều này là nguyên nhân gây suy giảm ĐDSH, ảnh hưởng tới sức khỏe của các loài địa phương và thậm chí có thể gây ra tình trạng tuyệt chủng của một số loài. Ngoài ra, các loài ngoại lai khi du nhập mang theo mầm bệnh sẽ làm lây lan cho các loài bản địa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương và biến đổi các chu trình sinh thái tự nhiên.
Suy giảm ĐDSH tác động như thế nào?
Việc suy giảm ĐDSH mang đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường tự nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người.
Mất cân bằng hệ sinh thái.
Giảm khả năng phục hồi: Khi ĐDSH giảm, hệ sinh thái trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Gây ra các hiện tượng cực đoan: Mất cân bằng sinh thái có thể dẫn đến các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt, xói mòn đất nghiêm trọng hơn.
Phát tán dịch bệnh: Sự suy giảm của các loài động vật có thể làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh từ động vật sang người.
Ảnh hưởng đến nguồn lương thực, nước sạch.
Giảm sản lượng nông nghiệp: ĐDSH đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng, kiểm soát sâu bệnh. Khi ĐDSH giảm, sản lượng nông nghiệp có thể suy giảm đáng kể.
Ô nhiễm nguồn nước: Sự suy giảm của các hệ sinh thái thủy sinh làm giảm khả năng tự làm sạch của nước, gây ô nhiễm nguồn nước.
Mất đi các nguồn dược liệu quý: Nhiều loài thực vật là nguồn cung cấp các loại thuốc quý, việc mất đi các loài này sẽ hạn chế khả năng tìm kiếm các loại thuốc mới.
Ảnh hưởng đến kinh tế.
Giảm giá trị du lịch: Các khu vực có ĐDSH cao thường là điểm đến du lịch hấp dẫn. Sự suy giảm ĐDSH sẽ làm giảm giá trị du lịch của các khu vực này.
Tăng chi phí sản xuất: Việc phải sử dụng nhiều loại hóa chất, phân bón để bù đắp cho sự suy giảm ĐDSH sẽ làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.
Tăng nguy cơ biến đổi khí hậu.
Giảm khả năng hấp thụ carbon: Rừng là một trong những bể hấp thụ carbon lớn nhất. Việc phá rừng làm tăng nồng độ khí CO2 trong khí quyển, góp phần vào biến đổi khí hậu.
Tổn hại đến bản sắc văn hoá
Thực phẩm là một trong những khía cạnh quyết định của văn hóa, mọi nền ẩm thực trên trái đất đều dựa vào các loại cây trồng và vật nuôi độc đáo. Đáng buồn thay, nhiều giống cây trồng đang được thay thế bằng các loại cây trồng thương mại thường được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Mặc dù có thể năng suất cao hơn với việc độc canh sử dụng nhiều hóa chất nhưng các loại cây trồng mới có xu hướng thay thế các giống cây trồng quan trọng về mặt văn hóa.
Khi các giống cây trồng địa phương biến mất, điều này có thể gây tổn hại đến quyền tự chủ về lương thực - khả năng của một cộng đồng trong việc tiếp cận thực phẩm phù hợp với văn hóa với mức giá hợp lý. Việc thay thế các giống cây trồng địa phương bằng các giống nhập khẩu thương mại làm tăng sự phụ thuộc của nông dân vào việc sử dụng hóa chất và hạt giống mua (thay vì hạt giống lưu trữ). Điều này càng hạn chế khả năng trồng trọt các loại thực phẩm phù hợp với văn hóa của họ và góp phần làm mất đi sự ĐDSH trong cây trồng và vật nuôi.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, tuy nhiên chúng ta cần phải thay đổi cách thức sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bằng cách áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, chúng ta có thể đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ ĐDSH cho các thế hệ tương lai.
Thu Trang