Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 13754431
Số người đang truy cập: 11

Kỹ Thuật KNKN

Nông nghiệp xanh, giải pháp cho sự phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam.
Nông nghiệp xanh là khái niệm tương đối mới mẽ ở Việt Nam, nó là xu hướng cần thiết trong bối cảnh môi trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Sự kết hợp giữa sự phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường, nông nghiệp xanh mang lại một cách tiếp cận mới, tạo ra những lợi ích lớn cho cả con người và hệ sinh thái. Bài viết này trình bày về khái niệm, vai trò và giải pháp cho sự phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam.

Nông nghiệp xanh là gì?

Nông nghiệp xanh là phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Nông nghiệp xanh chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả.

Vai trò của nông nhiệp xanh

Nông nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn là nhu cầu thiết yếu để đối phó với các thách thức về môi trường và kinh tế hiện nay.

Mục tiêu của nền nông nghiệp xanh là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học,  nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân.

Bảo vệ môi trường và giảm tác động của biến đổi khó hậu khí hậu

Nhờ việc tập trung vào sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác thông minh, nông nghiệp xanh giảm thiểu sự phụ thuộc vào hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu. Từ đó, giúp giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sự cân bằng sinh thái.

Việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và kỹ thuật quản lý tài nguyên nước hiệu quả cũng giúp giảm lượng nước tiêu thụ và bảo vệ nguồn nước ngọt. Đồng thời, nền nông nghiệp này góp phần giảm lượng khí thải nhà kính thông qua hạn chế sử dụng năng lượng không tái tạo, cháy rừng và tăng cường quản lý carbon trong đất.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn của chiến lược phát triển đất nước Việt Nam. Đặc biệt, mực nước biển dâng đe dọa 2 đồng bằng lớn nước ta. Các ghi nhận cho thấy: mực nước biển dâng 0,3 mm/năm, tốc độ sụt lún của Đồng bằng sông Hồng là 1,2 cm/năm và Đồng bằng sông Cửu Long là 0,9 cm/năm, đã kéo theo hệ quả là mất đất canh tác, diện tích đất nhiễm mặn ngày càng tăng. Đồ thị bên dưới cho chúng ta thấy điều đó.

Hình: kịch bản ảnh hưởng kinh tế do biến đổi khí hậu lên Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ (Ảnh Internet)

Bảo vệ sức khỏe con người và đa dạng sinh học

Áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ và giảm sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp xanh giúp giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loài cây, động vật và vi sinh vật, đồng thời bảo vệ, tăng cường đa dạng sinh học trong các khu vực nông nghiệp.

Tăng cường năng suất và thu nhập nông dân

Phân bón hữu cơ chứa các vi sinh vật có lợi, kết hợp với kỹ thuật canh tác thông minh và công nghệ hiện đại, giúp tăng cường năng suất cây trồng. Điều này mang lại cơ hội kinh doanh lớn và tiếp cận thị trường cho nông dân. Từ đó tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người trồng trọt và chăn nuôi.

Mô hình này còn khuyến khích các hoạt động tái chế, chế biến và gia công nông sản để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo ra việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững

Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững là những lợi ích rất quan trọng. Việc tăng cường năng suất cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cung cấp đủ lượng thực phẩm cho dân số đang gia tăng.

Bằng cách sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, kỹ thuật tiên tiến và quản lý tài nguyên hiệu quả, nông nghiệp xanh giúp tăng cường sự ổn định và đáp ứng nhu cầu lương thực của cộng đồng.

Sử dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến giúp duy trì hoạt động nông nghiệp lâu dài đồng thời không gây thiệt hại đáng kể cho tài nguyên tự nhiên và môi trường. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.

Giải pháp cho sự phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Để hội nhập thành công trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước tiến đột phá, hướng đến xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững.

Dưới đây là một số giải pháp:

Thu hút nguồn lực đầu tư và xây dựng, phát triển kinh tế xanh

Ngành nông nghiệp cần huy động từ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm mục đích tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác với các quốc gia tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ hiện đại.

Đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Để xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp và người dân cần đổi mới tư duy và nhận thức để chủ động thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng xanh.

Ngành nông nghiệp cần tạo đột phá bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành và lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, tận dụng tối đa các ưu thế tự nhiên từ các vùng miền cho việc phát triển nông nghiệp, đảm bảo sự tương tác với môi trường sinh thái.

Chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp

Doanh nghiệp đảm bảo có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp cho các hộ gia đình để họ mở rộng quy mô sản xuất.

Việc thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng xanh cần có vốn đầu tư lớn so với sản xuất thông thường. Các phương thức, thủ tục cho vay và thu nợ cũng cần đơn giản, phù hợp với đặc điểm từng loại mô hình.

Khoa học và công nghệ

Người dân cần được nâng cao kiến thức và kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi thông qua mạng lưới khuyến nông. Từ đó giúp họ có thể chủ động trong sản xuất dựa vào những kiến thức của bản thân. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào trong hoạt động sản xuất.

Tiêu thụ nông sản hàng hoá

Để giải quyết vấn đề thị trường này, các địa phương cần tạo dựng vùng sản xuất chuyên canh, có quy mô lớn, được chuẩn hoá với quy trình canh tác chặt chẽ. Đồng thời, việc chuyển đổi số cũng giúp khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ. Từ đó truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Đây là yếu tố hàng đầu để định vị nền nông nghiệp.

Chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao từ các yếu tố như thời tiết, khí hiệu, do đó, cần có chính sách bảo hiểm cho ngành nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với người nông dân và tổ chức bảo hiểm. Nhà nước cần đề ra chính sách hỗ trợ tổ chức thực hiện các bảo hiểm nông nghiệp phù hợp.

Tam Phước