Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15213144
Số người đang truy cập: 13

Kỹ Thuật KNKN

Thanh long, trái cây được ưa chuộng trên thế giới
Dù là loại trái cây phổ biến ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, loại quả này được mệnh danh là "siêu trái cây" bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người, như giúp chống lại các bệnh lý mãn tính, chiến đấu với các tế bào ung thư, cải thiện hệ tiêu hóa, kiểm soát bệnh tiểu đường… nhờ đó, thanh long đã trở thành một trong 10 chủng loại cây ăn quả đứng đầu danh mục cây ăn quả xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu thanh long của nước ta lớn nhất thế giới. Trong những năm qua diện tích thanh long không ngừng được mở rộng.

Thanh long hiện nay đã được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, từ các nước Trung và Nam Mỹ như: Mexico, Columbia, Ecuador, đến châu Á như Indonesia, vùng lãnh thổ Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Srilanka, Bangladesh và phía Nam Trung Quốc. Thanh long còn được trồng tại Okinawa của Nhật, Hawaii và Florida của Mỹ, Israel, Bắc Australia,.... Tuy nhiên, diện tích và sản lượng thanh long tập trung nhiều ở châu Á và châu Mỹ, quy mô sản xuất của các nước khác còn hạn chế

Hiện tại có 4 loại thanh long được trồng phổ biến là: Thanh long vỏ đỏ ruột trắng, trồng nhiều ở Việt Nam, Thái Lan; Thanh long vỏ đỏ ruột đỏ, trồng nhiều ở Malaysia, Israel, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc; Thanh long vỏ đỏ ruột tím, trồng nhiều ở Guatemala, Nicaragua; Thanh long vỏ vàng ruột trắng, trồng nhiều ở Colombia, Ecuador và Israel.

Hình: Thanh long, trái cây được ưa chuộng trên thị trường thế giới

Tại Việt Nam, thanh long là một trong 10 chủng loại cây ăn quả đứng đầu danh mục cây ăn quả xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu thanh long của nước ta lớn nhất thế giới. Trong những năm qua diện tích thanh long không ngừng được mở rộng, theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (2020) nước ta hiện có 60/63 tỉnh, thành có trồng thanh long, với diện tích hơn 65,2 nghìn ha, sản lượng 1,37 triệu tấn. Tuy nhiên vùng thanh long tập trung chủ yếu tại 03 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (55,2 nghìn ha, chiếm gần 85% diện tích thanh long cả nước); trong đó Bình Thuận là tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất (chiếm 52% diện tích và hơn 50% sản lượng so cả nước)". Ngoài ra, thanh long còn được trồng ở Tây Ninh, Đồng Nai, Cà Mau và một số tỉnh miền Trung; miền núi phía Bắc cũng đã trồng thanh long nhưng quy mô nhỏ, diện tích không đáng kể (dưới 10%). Có khoảng 80% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu liên tục vượt trên 1 tỷ đô la/năm từ năm 2017 đến nay và là loại quả có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Các thị trường chính nhập khẩu thanh long Việt Nam là Trung Quốc, đặc khu hành chính Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Úc.

Về nhiệt độ: Thanh long có thể được tìm thấy ở những nơi có nhiệt độ khắc nghiệt từ 11 đến 40°C như là ở Mexico và Trung Mỹ (Ortiz-Hernandez and Carilo Salazar, 2012). Như những cây trong họ Xương rồng khác, thanh long có thể phát triển tốt ở những nơi có nhiệt độ cao 28°C đến 40°C (Nerd et al., 2002; Le Bellec et al., 2006). Cây thanh long sẽ thể hiện sự tổn thương ở nhiệt độ -2°C và trên 45°C, chết ở -4°C (Mizrahi and Nerd, 1999; Thomson, 2002). Tổn thương nhiệt độ nhẹ thể hiện sự bong tróc, nứt phần thịt màu xanh của cành. Tổn thương nhiệt trung bình làm cành chuyển sang màu vàng, trong trường hợp tổn thương nặng cây sản xuất không thể hồi phục. Giảm sự ra hoa trên cây thanh long được tìm thấy ở những nơi có nhiệt độ tăng đến 45°C. Sự ra hoa chỉ ở mức 15 - 20% so với những nơi nhiệt độ trung bình vào mùa hè thấp hơn 7°C.

Thanh long chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhiệt độ dao động từ 20 - 30 ºC là tối ưu cho cây sinh trưởng và phát triển, trong khi cao hơn hoặc thấp hơn sẽ làm giảm hoặc hạn chế khả năng phân hóa mầm hoa (Khaimov-Armoza et al., 2012)

Về ánh sáng: Cây thanh long chịu ảnh hưởng của quang kỳ, ra hoa trong điều kiện ngày dài. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có ánh sáng đầy đủ, thiếu ánh sáng cây ốm yếu. Tuy nhiên, nếu cường độ ánh sáng và nhiệt độ quá cao sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của cây thanh long. Ở vùng nhiệt đới cây thanh long được trồng ở ngoài trời (Barbeau, G. (1990), Frutas Tropicales en Nicaragua, Managua, Nicaragua, Editoriall Ciencia Sociales. 397pp), nhưng ở những nước cận nhiệt đới như Israel và California (Mỹ) thì thanh long được trồng trong nhà lưới để bảo vệ cây khỏi ảnh hưởng của bức xạ mặt trời (Mizrahi and Nerd,1999; Raveh et al., 1998). Ở Israel, mức độ che mát phụ thuộc vào nhiệt độ dao động từ 20% nơi nóng vừa vào mùa hè đến 60% đối với nơi có nhiệt độ cao (Mizrahi and Nerd,1999).

Các thí nghiệm ở Israel cho thấy rằng cây thanh long rất mẫn cảm với ánh sáng mặt trời gay gắt (Raveh et al., 1993); khi chúng được trồng ở sa mạc Negev, cành chuyển sang màu trắng và thoái hóa, mặc dù chúng hồi phục khi được phủ bằng lưới che mát. Khi cây nhận quá nhiều ánh sáng, cành chuyển sang màu trắng, sinh trưởng chậm và cây có thể chết (Raveh et al., 1997; Raveh et al., 1993; Mizrahi and Nerd, 1999). Khi thanh long trồng ở nơi bóng râm, cành chuyển sang màu vàng, cây phát triển chậm. Nếu trồng trong bóng râm cây hạn chế sự ra hoa kết quả làm năng suất giảm đáng kể. Để tối đa hóa năng suất nên giảm tối đa lưới che mát sử dụng. Lưới che mát (30 - 40%) được cho là cải thiện tốc độ tăng trưởng cây thanh long trong các điều kiện bức xạ cao (Raveh et al., 1998; Mizrahi và Nerd, 1999).

Theo Raveh et al. (1998) ghi nhận rằng trọng lượng rễ khô là cao nhất khi che mát 30%, trọng lượng khô của rễ giảm có ý nghĩa khi khi tăng mức độ che mát. Số lượng hoa trên một cây ở loài S. megalanthus được che mát ở 30 và 60% tương đương nhau, trong khi ở loài H. polyrhizus số lượng hoa ở những cây được che mát 30% gấp 2,2 lần so với cây được che mát 60%.

Nước: Cây thanh long chống chịu hạn, không chịu úng. Để cây phát triển tốt, cho nhiều trái và trái to cần cung cấp đủ nước, nhất là trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và kết quả. Nhu cầu về lượng mưa từ 800 - 2.000 mm/năm (Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Hòa, 2015). Cây thanh long được tìm thấy ở những vùng có lượng mưa lớn hơn 2000 mm/năm, nhiệt độ khắc nghiệt dao động từ 11 - 40°C và cao đến 1840 m so với mực nước biển, đặc biệt là Mexico và Trung Mỹ (Ortiz-Hernandez et al., 2012)

Mizrahi et al., 2007 báo cáo rằng rễ cây thanh long rất ngắn, độ sâu của rễ không quá 40 cm. Việc tưới tiêu chỉ cần vào mùa hè (mùa khô), chỉ cần tưới một lượng nhỏ nước mỗi ngày; nếu không nước sẽ bị chảy tràn bên dưới hệ thống rễ. Nông dân cung cấp khoảng 50 - 250 mm nước hằng năm, nhưng trong nghiên cứu của Mizrahi et al., 2007 cho thấy chỉ cần 120 mm/năm là đủ. Theo Raveh et al., 1997 cho rằng cây thanh long cần 150 mm nước/năm, 5 lít/cây/tuần trong mùa khô và 2 lít trong mùa mưa (Lichtenzveig et al., 2000).

Theo Raveh et al. (1997) cho rằng phải luôn giữ ẩm lớp đất mặt giúp cây thanh long phát triển tốt. Theo Avinoam Nerd cho rằng nên cung cấp một lượng nhỏ nước hằng ngày cho cây thanh long tốt hơn là cung cấp một lượng lớn nước trong khoảng thời gian ngắn vì thanh long có bộ rễ ngắn nên cây sẽ phát triển tốt nếu lớp đất mặt luôn được giữ ẩm, lượng nước cung cấp phụ thuộc vào từng loại đất. Mưa lớn (lớn hơn 1300 mm) sẽ dẫn đến hiện tượng rụng hoa và thối quả (Jacobs, 1999), vì vậy giảm năng suất và mất mùa.

Đất đai: Thanh long có tính chống chịu cao với điều kiện môi trường không thuận lợi như khô hạn nhưng khả năng chịu úng của cây không cao. Thanh long có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất thịt pha cát đến thịt pha sét, tuy nhiên loạt đất thịt pha cát với hàm lượng hữu cơ cao và thoát nước tốt thì thích hợp nhất cho việc trồng cây thanh long, pH đất thích hợp từ 5,5 - 7,0. Để cây phát triển tốt, cho nhiều quả và quả to cần trồng thanh long tại các vùng chủ động được nước tưới, nhất là trong thời kỳ phân mầm hoa, ra hoa và đậu quả.

Hoa Hà