Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Weather

Visit Counter

total-visit-counter: 15114724
online-visitor-counter: 9

Kỹ Thuật KNKN

Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh của người chăn nuôi đang trở thành vấn đề nhức nhối. Hệ quả là, lượng tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến vật nuôi mà còn nguy hại đến sức khỏe con người khi tiêu thụ thực phẩm; nó cũng góp phần tạo nên cuộc “khủng hoảng kháng sinh” hiện nay. Bài viết bên dưới trình bày nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Thuốc kháng sinh?

Alexander Fleming (1881 – 1955) là một bác sĩ, nhà sinh học và cũng là một dược lý học người Scotland. Ông được coi là người mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học.

Kháng sinh là những chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật hoặc có nguồn gốc tổng hợp, có tác dụng kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển hoặc tiêu diệt vi sinh vật khác.

Kháng sinh không có tác dụng chống lại virus gây các bệnh như cảm lạnh hay cúm, thuốc ức chế virus được gọi là thuốc chống virus hoặc kháng virus chứ không phải kháng sinh.

Trước khi sử dụng kháng sinh, cần hiểu rõ "Tam giác liệu pháp kháng sinh". Sơ đồ 1 cho thấy mối liên hệ giữa mầm bệnh (vi khuẩn), vật nuôi (heo, gà, vịt, bò, chó mèo…) và kháng sinh. Biểu đồ cho thấy nếu mầm bệnh không có hoặc không quá nhiềuhoặc vật nuôi có sức đề kháng tốt thì không thể có nhiễm khuẩn gây thành bệnh cho con vật được. Như vậy, nếu mục tiêu của trang trại hay chủ nuôi là ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập hoặc lan tràn trong trang trại bằng an toàn sinh học hoặc nuôi con vật khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt để tự bảo vệ thông qua thức ăn, môi trường nuôi dưỡng, giống tốt… thì sẽ không cần dùng hoặc dùng kháng sinh ít hơn.

Sơ đồ 1. Tam giác liệu pháp kháng sinh cho vật nuôi

Khi quyết định dùng kháng sinh, cần hiểu rõ kháng sinh được dùng đúng sẽ đem lại hiệu quả chống nhiễm khuẩn nhưng nếu chọn kháng sinh không đúng, dùng quá thường xuyên, dùng dưới liều ức chế vi khuẩn thì sẽ có thể xảy ra trường hợp vi khuẩn đề kháng lại kháng sinh. Một khi kháng sinh đã được cung cấp cho vật nuôi bằng những đường cấp cụ thể nào đó thì kháng sinh sẽ được cơ thể con vật hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài thải. Tiến trình này được gọi là dược động học của kháng sinh. Cần hiểu biết về dược động học của từng kháng sinh cho từng loài vật nuôi hoặc thậm chí là cụ thể từng cá thể (như với chó, mèo…) thì mới đem lại hiệu quả trong điều trị mà không gây độc tính cho bản thân con vật hoặc gây những ảnh hưởng cho nhân viên thú y, chủ nuôi hoặc người tiêu dùng do tồn dư kháng sinh từ các sản phẩm từ chăn nuôi.

Mục tiêu của việc sử dụng kháng sinh

Đưa kháng sinh vào cơ thể con vật bằng đường dùng phù hợp để kháng sinh đạt đủ nồng độ tại mô bệnh, từ đó tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh hoặc ức chế vi khuẩn, cùng với hệ phòng vệ của cơ thể vật nuôi loại bỏ mầm bệnh mà không gây hại cho con vật là cách sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất. Cần dùng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và đơn thuốc do bác sĩ thú y hoặc người có chứng chỉ hành nghề thú y kê đơn để đảm bảo hiệu quả phòng, trị bệnh.

Nguyên tắc chọn lựa kháng sinh

Việc chọn kháng sinh cần được cân nhắc dựa vào các yếu tố sau:

Mầm bệnh là vi khuẩn gì, gây bệnh ở cơ quan nào?

Phân loại vi khuẩn có thể phân chia nhóm vi khuẩn thành Gram dương, Gram âm, Mycoplasma. Nếu xét về vị trí kí sinh thì phân chia vi khuẩn kí sinh ngoài tế bào vật chủ (ngoại bào, đa số) và vi khuẩn kí sinh bên trong tế bào vật chủ, còn gọi là vi khuẩn nội bào (Mycoplasma spp, Lawsonia intracellularis). Vị trí của ổ bệnh cũng rất quan trọng khi chọn kháng Do đó, bệnh nhiễm khuẩn trên động vật thường được phân chia ra bệnh trên các cơ quan: hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi), tiêu hóa (viêm ruột, viêm hồi tràng…), sinh dục (viêm tử cung…), tiết niệu (viêm bàng quang, viêm đường dẫn tiểu…).

Kháng sinh nào ức chế/ tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh?

Phổ kháng khuẩn của kháng sinh cho biết khả năng (về lý thuyết) ức chế các vi khuẩn, nhóm vi khuẩn của kháng sinh đó. Cần hiểu rằng, phổ kháng khuẩn của từng kháng sinh với cụ thể từng loại vi khuẩn gây bệnh cho từng loài vật nuôi ở từng khu vực có thể thay đổi và khác nhau.

Ví dụ: tetracycline là kháng sinh phổ rộng, có thể ức chế vi khuẩn Gram dương, Gram âm và Mycoplasma. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh này quá nhiều trong những năm cuối của thế kỷ trước dẫn đến việc có đến 62% vi khuẩn Salmonella phân lập từ heo đề kháng với kháng sinh này.

Kháng sinh được chọn có khả năng đến cơ quan nhiễm khuẩn đủ nồng độ điều trị hay không?

Đặc điểm dược động học của kháng sinh là một trong các căn cứ để chọn kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện (không đúng liều dùng, đường cấp, nhịp cấp thuốc mà nhà sản xuất công bố) có thể dẫn đến việc kháng sinh không đến được vị trí nhiễm khuẩn hoặc đến được với nồng độ thấp, không có hiệu quả ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn.

Ví dụ: các kháng sinh nhóm aminoglycoside như streptomycin, gentamicin nếu dùng đường miệng (ăn hoặc uống) thì kháng sinh không thể đến đường hô hấp để điều trị các nhiễm khuẩn tại cơ quan này.

Kháng sinh được chọn có gây độc tính nghiêm trọng cho vật nuôi hay tác dụng phụ nào không?

Mặc dù kháng sinh có tác động chuyên biệt trên vi khuẩn, kháng sinh vẫn có thể gây ra độc tính hoặc tác dụng phụ cho con vật.

Ví dụ: kháng sinh nhóm floroquinolone chống chỉ định ở chó dưới 12 tháng tuổi để ngăn ngừa nguy cơ gây rối loạn phát triển sụn. Hoặc trường hợp dùng kháng sinh bài thải qua thận sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh ở đàn gà có những triệu chứng hay bệnh tích suy yếu thận.

Dạng bào chế của kháng sinh được chọn trên thị trường có dễ cấp, thuận tiện cho con vật, đàn vật nuôi hay không?

Tùy từng loài vật nuôi và mục đích sản xuất mà việc chọn lựa đường cấp cần được cân nhắc. Nếu đường tiêm cá thể là phổ biến trong điều trị bệnh cho thú cưng (chó, mèo) thì đường miệng (ăn, uống) lại tiện lợi cho chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (heo, gà, vịt…). Cần lưu ý khi vật nuôi bệnh thì chúng thường kém ăn. Vì vậy, đưa thuốc và nước uống trong chăn nuôi gia cầm thường được ưa chuộng. Do đó, việc chọn kháng sinh cho từng trường hợp, từng đàn phải xem xét dạng bào chế cho phù hợp.

Kháng sinh được chọn có nằm trong danh mục cho phép sử dụng không? Và thời gian ngưng thuốc là bao lâu?

Mỗi một quốc gia sẽ có danh mục các kháng sinh được phép lưu hành, sử dụng. Bác sĩ thú y hoặc phụ trách kỹ thuật của trang trại, phòng mạch cần thường xuyên cập nhật thông tin này từ website của Cục thú Với chăn nuôi cung cấp thực phẩm (trứng, thịt, sữa…), người kê toa phải chọn lựa kháng sinh để không chỉ đem lại hiệu quả trong điều trị mà còn đảm bảo thời gian ngưng thuốc ngắn nhất để giảm tổn thất về kinh tế trong thời gian chờ kháng sinh thải ra khỏi cơ thể vật nuôi đảm bảo tồn dư ở mức cho phép. Lưu ý rằng thời gian ngưng thuốc phụ thuộc vào kháng sinh, nhóm kháng sinh, dạng bào chế, đường cấp, liều lượng, nhịp cấp và loài vật được dùng kháng sinh.

Ví dụ: gentamicin sulfate dùng đường tiêm bắp cần thời gian ngưng thuốc 40 ngày trên heo. Do đó, một số nước như Úc không cho dùng kháng sinh này trên động vật cung cấp thực phẩm như heo, bò.

Kháng sinh được chọn nằm trong danh sách ưu tiên nào?

Như đã trình bày ở trên, chọn lựa kháng sinh theo thứ tự ưu tiên 1. Nếu sau 1 ngày không hiệu quả và/ hoặc có thêm dữ liệu về mẫn cảm kháng sinh thì dùng kháng sinh ưu tiên 2. Nhóm kháng sinh dùng trong giải pháp cuối hoặc nhóm cực kỳ quan trọng cho nhân y và nên hạn chế, chỉ cho những trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý rằng danh sách kháng sinh ưu tiên (1, 2, giải pháp cuối) khác nhau giữa các loài vật nuôi nhất là dựa trên việc loài vật đó có dùng làm thực phẩm cho con người hay không.

Ví dụ: kháng sinh ưu tiên dùng cho chó mèo (được xem là thú cưng, không dùng làm thực phẩm cho người) sẽ khác với kháng sinh ưu tiên dùng cho heo (cung cấp thịt cho người).

Hy vọng những thông tin trên chúng tôi cung cấp hữu ích đối với các bạn và bạn đã hiểu được những nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Trường Giang