Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Weather

Visit Counter

total-visit-counter: 13014608
online-visitor-counter: 77

Kỹ Thuật KNKN

Bệnh Dại trên chó mèo và truyền lây sang người
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 ở Việt Nam có hơn 100 ca tử vong, hơn 700.000 người phải điều trị dự phòng bệnh, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Bài viết dưới đây trình bày về một số nội dung chính có liên quan đến bệnh dại

Đặc điểm của bệnh
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Các giai đoạn  bệnh
Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.
Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.
Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus.
Sức đề kháng của vi rút dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, ở 600C/5-10 phút và ở 700C/2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 40C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C sống được từ 3 - 4 năm. Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.
Có 2 chủng vi rút dại: vi rút dại đường phố là vi rút dại tồn tại trên động vật bị bệnh và vi rút dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Chủng vi rút dại cố định được dùng để làm vắc xin dại lần đầu tiên bởi L.Pasteur.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh dại dựa vào biểu hiện bên ngoài, bác sĩ dựa vào các dấu hiệu đặc trưng của bệnh dại như người bệnh sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng… kết hợp với yếu tố dịch tễ như người bệnh đang sinh sống ở khu vực vẫn có bệnh dại lưu hành. Động vật mắc bệnh dại thường ốm yếu hoặc có biểu hiện bất thường, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Vết cắn, vết cào có nước bọt của động vật.
Chẩn đoán xác định bệnh dại sẽ thực hiện bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da lấy từ dìa tóc ở gáy người bệnh nhân, chẩn đoán huyết thanh, hoặc các kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của vi rút dại bằng phản ứng sinh học phân tử PCR hoặc phản ứng RT-PCR.
người mắc bệnh dại được chẩn đoán chính xác khi khám nghiệm tử thi bằng nhiều kỹ thuật chẩn đoán khác nhau và phát hiện toàn bộ vi rút, kháng nguyên,… trong các mô bị nhiễm bệnh (như não, da, nước bọt).

Hình: Mô tả quá trình vi rút dại xâm nhập vào cơ thể con người (nguồn: internet)

Nguồn truyền bệnh
Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97% sau đó là mèo: 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.
Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
Thời kỳ lây truyền: Ở chó và mèo thường từ 3-7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh. Theo WHO, thời kỳ lây truyền bệnh ở chó, mèo trong vòng 10 ngày.
Cách điều trị bệnh dại
Điều trị bệnh dại sau khi phơi nhiễm
Thời điểm điều trị lý tưởng nhất là ngay khi bị vật nuôi cắn, làm trầy xước, nhất là bị chó dại cắn, người bệnh sẽ lo lắng, hoảng loạn và dễ bị kích thích…
Ngay khi bị chó cắn, nạn nhân cần dự phòng ngay nguy cơ mắc bệnh dại, ngăn vi rút xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, đối diện cái chết sắp xảy ra. Cụ thể, chỗ vết thương bị chó cắn hay cào xước, cần rửa vết thương rộng bằng nước sạch và các dung dịch có thể tiêu diệt vi rút như: Xà phòng, chất tẩy rửa, povidone iodine,… ít nhất 15 phút, rồi băng bó đưa đến bệnh viện.
Điều trị bệnh dại sau khi phát bệnh
Thông thường, với người mắc bệnh dại đã có triệu chứng bệnh, người bệnh sẽ được tiêm vắc xin dại tế bào hoặc được dùng kết hợp giữa huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng được thực hiện càng sớm càng tốt. Hiện nay, vắc xin dại tế bào là an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Việt Nam sử dụng vắc xin dại tế bào Verorab từ năm 1992.
- Với phác đồ tiêm bắp: Người bệnh được tiêm 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
- Với phác đồ tiêm trong da: Người bệnh được dùng liều đơn 0,1ml x 8 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào các ngày 0, 3, 7. Lúc này, mỗi ngày tiêm 2 liều đơn vào 2 vị trí khác nhau của vùng cơ Delta. Sau đó, người bệnh được tiêm tiếp vào ngày 28 kể từ mũi tiêm thứ nhất, tiêm 2 liều vào cơ Delta.
Cách phòng bệnh dại
Một khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện, gần như 100% người bệnh tử vong.
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó là cách phòng bệnh dại hiệu quả
Loại bỏ bệnh dại ở chó
Hơn 90% trường hợp bệnh dại xảy ra là từ chó nhà. Do đó, điều quan trọng và cơ bản nhất để phòng bệnh dại là trước hết phải tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho thú cưng (chó, mèo…).
Nâng cao nhận thức về bệnh dại
Tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức về tác hại của bệnh dại và các giải pháp phòng bệnh. Đồng thời, mỗi gia đình khi nuôi thú cưng, nhất là chó nhà phải tuân thủ luật pháp về việc phòng tránh nguy cơ chó cắn người, nắm kiến thức sơ cứu khi bị chó cắn…
Phòng tránh chó cắn
Cần rọ mõm, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn không bỏ chạy vì đánh thức bản năng săn mồi của chó. Bạn đứng yên, 2 tay để hai bên tư thế giống một cái cây và nhìn lảng đi nơi khác, nhiều con chó sẽ mất hứng thú vì bị phớt lờ. Nếu vật nuôi bắt đầu cắn bạn, bạn phải tự vệ bằng cách đánh hoặc đá vào cổ họng, mũi và gáy của chó làm nó choáng và bạn có thời gian chạy thoát. Dùng toàn bộ trọng lượng cơ thể đè lên con vật, dùng đầu gối, khuỷu tay ấn mạnh xuống.
Những người có nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh cần được tiêm vắc xin phòng tránh phơi nhiễm như: Nhân viên y tế tiếp xúc người mắc bệnh dại, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm xử lý vi rút bệnh dại (lyssavirus), nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm lâm động vật hoang dã, người tiếp xúc trực tiếp với dơi, động vật ăn thịt hoặc động vật có vú khác có thể bị nhiễm bệnh.

An Nhứt