Kỹ Thuật KNKN

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Weather

Visit Counter

total-visit-counter: 15222966
online-visitor-counter: 22

Kỹ Thuật KNKN

Điều kiện sinh thái của cây nhãn

Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27o C; mùa hoa nở cần nhiệt độ cao 25-31oC; Mùa Đông cần một thời gian nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa. Đối với các giống nhãn ở miền Bắc, để cho cây phân hóa được mầm hoa tốt, từ tháng 12 dến tháng 1 năm sau cần một thời gian có nhiệt độ thấp trến dưới 10o C. Nếu trong thời gian này, nhiệt độ dao động từ 18 - 20 độ sẽ không có lợi cho sự hình thành và phát triển chùm hoa. Thời kỳ hoa nở, nhiệt độ thích hợp là 20 - 27o C (Trần Thế Tục, 1998).

Đối với các giống nhãn ở miền Nam đòi hỏi phải có một mùa đông ngắn với nhiệt độ từ 17 - 22o C trong thời gian từ 8 - 10 tuần để kích thích sự ra hoa và theo sau là nhiệt độ cao cho mầm hoa phát triển. Như vậy, trong điều kiện khí hậu ở ĐBSCL, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm từ 19 - 20o C thường xuất hiện trong tháng 12-1 và sau đó tăng cao trong tháng 2-3 là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ra hoa nhãn. Ngoài ra, thời điểm xuất hiện nhiệt độ thấp cũng là mùa khô nên đây cũng là yếu tố hình thành nên mùa vụ ra hoa nhãn. Nhiệt độ thấp và khô hạn là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự ra hoa nhãn, tuy nhiên nếu nhiệt độ thấp hay khô hạn kéo dài mầm hoa sẽ không phát triển được (PROSEA, 1989). Nakasone và Paull (1998) cho biết nếu trong thời kỳ kích thích ra hoa nhiệt độ trên 22o C hoặc thời gian xuất hiện nhiệt độ thấp dưới 8 tuần cây sẽ không ra hoa.

Hình: Nhiệt độ thích hợp cho nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27o C

Ánh sáng: Nhãn cần nhiều ánh sáng. Ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, các giống nhãn ở miền Bắc là cây ưa sáng nhưng lại sợ ánh sáng trực xạ, còn nhãn miền Nam nếu bị rợp bóng, cây sẽ cho ít quả, chỉ những cành nhận đầy đủ ánh nắng mới ra hoa, đậu quả tốt (Trần Thế Tục, 1998).

Lượng mưa và độ ẩm: Lượng mưa thích hợp cho nhãn từ 1.200 đến 1.600 mm. Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Ngược lại, nếu gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn. Trong thời gian ra hoa và sinh trưởng của quả, cây nhãn cần nhiều nước. Ngược lại, trong các tháng mùa đông và trong thời gian quả vào chín, cây nhãn cần ít nước. Trong thời kỳ nở hoa nếu mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh của hoa, tỷ lệ đậu quả sẽ thấp (Trần Thế Tục, 1998).

Gió: Gió có tác dụng hỗ trợ hoa thụ phấn, thụ tinh. Tuy cây nhãn là cây có sức chống chịu gió bão tốt nhưng trong thời gian quả phát triển, gió to làm quả bị rụng, cành gãy, thậm chí đổ cây. Gió Tây khô, nóng gây khô hạn ở một số vùng trồng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của quả. Chính vì vậy, khi thiết kế chọn vườn cần có biện pháp bảo vệ vườn cây khi gió bão và gió nóng như: Che, chắn, chống giữ cây hay trong quá trình canh tác, cắt tỉa thường xuyên để cây có bộ tán thấp.

Đất: Nhãn có tính thích ứng rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất từ vùng nước ngọt quanh năm đến vùng nhiễm mặn. Tuy nhiên, đất trồng nhãn thích hợp nhất là đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông, đất có độ pH từ 5,5 – 6,5. Nhãn không thích hợp trên đất sét nặng và quá ẩm ướt. Nên trồng nhãn ở các vùng đất thấp, không trồng ở quá cao, nơi thiếu nước (Trần Thế Tục, 1998, Huỳnh Trí Đức, 2003).

Quang Nhật