Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15212055
Số người đang truy cập: 21

Kỹ Thuật KNKN

Một số lưu ý khi bón phân cho cây ăn trái
Một chế độ bón phân cho cây trồng được coi là hợp lý, cân đối, vừa đạt hiệu quả nông học vừa đạt hiệu quả kinh tế phải đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

- Cây trồng được cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời những chất dinh dưỡng cần thiết để cho cây có đủ sức khỏe, sinh trưởng phát triển thuận lợi, đạt  năng suất cao, phẩm chất tốt.

- Duy trì và không ngừng làm tăng độ phì nhiêu (độ màu mỡ) của đất.

- Đem lại lợi nhuận cao nhất và ổn định  cho người sản xuất.

- Phù hợp với  tập quán  trình độ và điều kiện sản xuất hiện tại .

Để đạt các yêu cầu, khi bón phân cho cây cần chú ý các vấn đề sau:

1. Đặc điểm của cây trồng:

Mỗi loại cây ăn trái có đặc điểm và yêu cầu khác nhau về chất dinh dưỡng mà khi bón phân cần chú ý:

- Lượng các chất dinh dưỡng mà cây cần để có một năng suất nhất định. Tức là phải đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng đó. Đáp ứng cho từng giai đoạn và đáp ứng cho suốt một chu trình (một mùa vụ).

- Lượng các chất dinh dưỡng cây cần trong các giai đoạn sinh trưởng khác nhau, từ đó phân chia lượng phân bón các loại cho từng thời điểm khác nhau.

- Đặc điểm hệ rễ của cây để xác định vị trí bón phân tốt nhất. Cây ăn trái thì hệ rễ phát triển hấp thụ phân bón tương ứng với hình chiếu mép tán cây, nên bón phân trong phạm vi này (chú ý kỹ thuật đào rãnh, làm bồn).

- Tính thích ứng của cây đối với pH đất và loại phân, từ đó xác định lượng vôi và loại phân cần bón. Ta có thể chia các cây trồng ăn trái ở Việt Nam làm các nhóm như sau, tùy theo mức độ chịu chua của cây đối với đất:

(1)  Nhóm cây trồng rất mẫn cảm với độ chua: tức ưa đất từ trung tính đến hơi kiềm, pH từ 7,0 đến 8,0.

 (2)  Nhóm cây trồng mẫn cảm với độ chua: tức ưa đất từ ít chua đến trung tính, pH từ 6.5 đến 7,0.

(3)     Nhóm cây trồng mẫn cảm vừa với độ chua: tức có thể chịu đựng với đất chua vừa, pH từ 5,5 đến 6,5

 (4)  Nhóm cây trồng ít mẫn cảm với độ chua:  Những cây này có một phạm vi thích ứng rất rộng về pH đất, có thể dao động từ 3,5 - 7,5

(5)  Nhóm cây trồng ưa chua: Nhóm cây này có khả năng sống với pH=4,0 –5,5.

 

Ta đã biết trong dung dịch đất luôn luôn tồn tại các muối khoáng, chính các muối naỳ sẽ gây nên các phản ứng hoá học và các quá trình trao đổi giữa dung dịch đất với keo đất và giữa dung dịch đất với hệ rễ cây. Ion H+ là một trong số các sản phẩm tồn tại trong dung dịch đất, tuỳ theo nồng độ của ion H+ nhiều hay ít mà dung dịch đất sẽ có tính chua nhiều hay ít. Khi nồng độ H+ cao thì đất bị chua nhiều, khi H+ quá thấp thì chua ít. Để biểu thị cho mức độ chua(hay còn gọilà phản ứng của đất) người ta đặt ra chỉ tiêu độ pH và độ pH được tính như sau: pH = -lg[H+]

Như vậy: Khi giá trị pH càng thấp thì nồng độ pH càng cao, tức là đất càng chua nhiều và ngược lại khi pH càng cao thì nồng độ pH thấp tức là đất ít bị chua. Người ta đã phân mức như sau:

Độ pH hay còn gọi là phản ứng của đất và được đánh giá bởi nồng độ của ion H+ có trong đất. Độ pH phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng một số yếu tố chính đã quyết định đến hàm lượng của H+ chính là sự có mặt của các muối axít, các loại khoáng sét, các loại keo và hoạt động sống của hệ vi sinh vật trong đất.

Nếu trong dung dịch đất tồn tại nhiều loaị muối của axít mạnh như muối NaNO3; NaCl; MgCl2; KCl; CaCl2; CaSO4; MgSO4 sẽ làm cho đất có phản ứng trung tính. (pH trong khoảng từ 6,0 – 7,0)

Nếu trong dung dịch đất tồn tại nhiều loaị muối của axít mạnh với muối của bazơ yếu như: AlCl3; FeSO4; KAl(SO4)2... thì đất có phản ứng chua (pH < 6,0)

Nếu trong dung dịch đất tồn tại nhiều loại muối của bazơ mạnh và muối của axít yếu như: CaCO3; MgCO3; Na2CO3; NaHCO­3; K2CO3; thì đất có phản ứng kiềm (pH > 7,5)

Độ pH của đất còn phụ thuộc vào mức độ thực hiện các phản ứng trao đổi ion giữa keo đất (Thể rắn) vơí dung dịch đất (Thể lỏng); giữa dung dịch đất và hệ rễ của cây. Khi các sản phẩm trao đổi sinh ra nhiều ion H+ và ion Al+ sẽ làm cho pH đất giảm và đất có phản ứng chua.

Chỉ số pH chính là chỉ số phản ứng của đất hay dễ hiểu rõ hơn chính là chỉ số đánh giá mức độ chua hay kiềm của một loaị đất. Mỗi loaị cây trồng cần có một sự thích ứng nhất định về khoảng pH, khi khoảng pH đạt ở mức độ tối thích, cây trồng sẽ phát triển mạnh do quá trình hấp thu, trao đổi dinh dưỡng giữa hệ rễ cây và đất được thực hiện thuận lợi. Nếu pH lớn hơn hoặc nhỏ hơn khoảng tối thích sẽ ảnh hưởng đến đời sống cây trồng.

Khi pH < 4,5 (đất quá chua) sẽ sinh ra một số ion ở trạng thái di động như Fe2+; Fe3+ và Al3+ khi đó các ion này trở thành chất độc cho cây, đồng thời chúng còn tiết ra một số chất dinh dưỡng khác làm cho cây hấp thu và trở thành thiếu. Ví dụ: AlPO4; FePO4 (cố định phosphore). Khi đất chua dễ sinh ra hiện tượng mất đạm(N) cũng là nguyên nhân làm cho cây thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Khi pH > 0,8 (Đất bị kiềm quá) dễ làm cho các hạt keo đất bị phân tán, dễ bị rửa trôi các chất màu (các chất dinh dưỡng dễ tiêu), đất dễ bị lầy thụt, các chất vi lượng bị cố định nhiều. Cây sinh trưởng yếu và có thể chết. Như vậy, pH của đất đã có ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống của cây trồng.

Khi đất chua (pH < 4,5) có thể dùng biện pháp bón vôi để cải thiện độ chua. Vôi bón vào đất thường ở dạng CaO hoặc Ca(OH)2, nếu là bột đá vôi thì ở dạng CaCO3. Như vậy nhìn vào công thức của vôi ta đã biết ngay vai trò của nguyên tố Ca. Chính cation Ca2+ trao đổi với H+ (nguyên nhân gây chua) trong đất như sau: [Đât]H+  + Ca2+  = [Đât]Ca  + H20

Phản ứng trao đổi giữa H+ và Ca2+ như trên làm đất bớt chua.

Nếu là đất phèn thì nguyên nhân gây chua do các ion H+, Al3+, SO42-…muốn làm giảm độ chua của đất, ngoài biện pháp bón vôi người ta có thể sử dụng nước để ém phèn, rửa phèn.

Có thể bón thêm một số chất khác (ngoài vôi) vừa có tác dụng cải thiện độ chua lại vừa cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây như phân lân nung chảy (Lân Văn Điển, Lân Ninh Bình), bột đá Apatit, Phosphorit, Dolomit, bột Secpentin, phân lân thiên nhiên như phân Guano…

Bón phân hữu cơ hoai mục thường xuyên cũng là biện pháp tốt để cải thiện độ chua của đất.

2.Đặc điểm của đất (Tính chất đất).

- Căn cứ vào độ phì nhiêu và lượng chất dinh dưỡng trong đất có thể cung cấp cho cây trồng. Thí dụ đất chua thường thiếu lân, đất cát thiếu kali.

- Căn cứ vào độ pH của đất để chọn loại phân thích hợp. Đất chua nên bón phân lân nung chảy hoặc bột Apatit, hạn chế sử dụng các loại phân gây chua (VD: phân có gốc Sulphate).

- Căn cứ vào thành phần cơ giới đất. Đối với đất nhiều cát nên  bón phân xanh và vùi sâu, bón nhiều kali. Đối với đất có nhiều thành phần cơ giới nặng cần bón phân hữu cơ ủ hoai. Ngoài ra, ta có thể tạm chia đất thành 3 loại theo tính chất hóa học đất (hay độ phì nhiêu) như sau:

1) Đất tốt: Đất tốt là đất có các tính chất lý hóa và sinh học tốt. Các loại đất này thường không chua hoặc ít chua, giàu các nguyên tố đa lượng (NPK), giàu Canxi, Magie và các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng khác. Đất thường có Độ No Bazơ trên 60%, có chỉ số CEC cao, không có các độc tố và các loại vi sinh vật có hại.

2) Đất trung bình:Loại này thường bao gồm các loại đất đã bị chua hóa trung bình, có hàm lượng các chất NPK, Ca, Mg, S và cả các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng khác ở mức trung bình. Đất thường có Độ No Bazơ 40 – 60%, CEC trung bình.

 3)Đất xấu:Bao gồm các loại đất đã bị chua nhiều, có hàm lượng NPK, Ca, Mg và các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng ở mức nghèo. Đất thường có Độ No Bazơ nhỏ hơn 40%, CEC thấp, đất có độc tố (Al, Fe…) và các vi sinh vật có hại.

 

3.Đặc điểm khí hậu thời tiết

Trong điều kiện ít mưa, nhiệt độ thấp nên bón phân hữu cơ ủ hoai và nhiều phân hóa học dạng dễ tan hơn mùa mưa và nhiệt độ cao. Trời âm u, ít nắng cần chú ý bón kali , Mg để giúp cây tăng cường quang hợp và đồng hóa đạm.

Bón phân cho cây ăn trái

4. Đặc điểm của các loại phân

- Phản ứng của phân là chua (Sunfat đạm, Super lân), là kiềm (Nitrat Canxi, Lân nung chảy), hoặc trung tính (Urê, Nitrat amon). Các loại phân kiềm nên sử dụng cho đất chua và ngược lại.

- Tính dễ tiêu và độ hòa tan của phân. Các loại phân khó tiêu chủ yếu dùng bón lót như phân Lân nung chảy, Apatit…

- Các thành phần phụ trong phân có lợi hoặc có hại cho cây. Một số phân ngoài chất dinh dưỡng đa lượng còn có thêm chất trung lượng (Ca, S, Mg) hoặc chất vi lượng có lợi cho cây (Fe, Zn, Mn…). Một số cây hoặc đất không ưa một số chất phụ có trong phân như Cl-, SO4…Các phân có gốc Sunfat (SO4) trong điều kiện ngập nước dễ chuyển thành H2S có hại cho rễ cây. Tóm lại, muốn bón phân hợp lý cần "nhìn cây, nhìn đất, nhìn trời" như kinh nghiệm từ xưa đã nêu lên. Ngoài ra cần chú ý đến hiệu lực tồn tại của phân bón vụ trước, loại cây trồng trong chế độ luân canh, mật độ cây, trình độ kỹ thuật sử dụng phân bón. Sử dụng phân bón hợp lý phải dùng "Nguyên tắc 4 đúng" như sau:

•       Đúng chủng loại

•       Đúng liều lượng

•       Đúng thời kỳ

•       Đúng cách.

1)    Đúng chủng loại:

Ta phải phân biệt được phân cần sử dụng là loại phân nào ? Hữu cơ hay vô cơ?

Loại lỏng hay loại bột (hoặc dạng rắn khác)?Phân bón rễ hay phân bón lá?

Phân đơn hay phân đa lượng?Không thể sử dụng phân bón rễ để hòa nước rồi phun xịt như phân bón lá sẽ ít hiệu quả hoặc có khi gây cháy lá. Cũng không thể sử dụng phân bón lá để bón rễ vì giá thành cao sẽ giảm lợi nhuận

2)    Đúng liều lượng:

 Trong lĩnh vực hóa học, các nhà khoa học đã khẳng định: "Không có chất nào bổ, không có chất nào độc mà chỉ có liều lượng bổ và liều lượng độc".

Như vậy, chúng ta thấy tầm quan trọng của liều lượng. Với cùng một chất (hay là một loại phân) nếu đúng liều thì là chất bổ, nếu quá liều lại trở thành chất độc cho cây. Vì vậy, khi người nông dân muốn bón tăng lượng một loại phân bón với hy vọng năng suất sẽ tăng. Nhưng do chưa hiểu hết nguyên tắc 4 Đúng nên khi tăng phân bón thì thấy năng suất không những không tăng mà sâu bệnh hại xuất hiện nhiều hơn nên chi phí thuốc BVTV phải cao hơn dẫn đến lợi nhuận suy giảm.

Liều lượng ở đây phải hiểu là khi cần bón cho cây trồng một loại phân nào đó phải chú ý: Pha bao nhiêu gam cho 1lít nước? Bao nhiêu kg/ Công? Xịt bao nhiêu nước đã pha phân cho 1 đơn vị diện tích? Bao nhiêu lâu thì xịt 1 lần?Tỷ lệ N:P:K là bao nhiêu cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây trong giai đoạn đó. Ví dụ: Nếu giai đoạn hình thành đòng hoặc chuyển hóa để hình thành mầm hoa mà lại bón tăng tỷ lệ đạm (N) thì cây sẽ sinh trưởng mạnh hơn phát dục (lúa bị lốp, cây khó ra hoa). Giai đoạn nuôi hạt, nuôi trái, nuôi củ mà bón thiếu kaly sẽ làm hạt lép, quả và củ nhỏ, năng suất kém.

3)    Đúng thời kỳ:  

Thời kỳ ở đây có nghĩa là muốn xác định xem cây trồng đang ở tuổi nào? Đang ở giai đoạn nào của chu kỳ sinh trưởng phát triển. Bởi lẽ, mỗi một độ tuổi và ở mỗi giai đoạn thì nhu cầu về thành phần, tỷ lệ các chất dinh dưỡng cũng khác nhau. Chính vì thế, xác định đúng thời kỳ là xác định đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây. Khi thỏa mãn được nhu cầu dinh dưỡng của cây trong giai đoạn đó sẽ làm cơ sở phát triển tốt cho giai đoạn sau, nhờ đó mà ta dễ dàng đạt được năng suất và chất lượng nông sản. Bón sai thời kỳ không tăng năng suất mà còn có nguy cơ suy giảm do không đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng tối thích cho giai đoạn đó của cây trồng, thậm chí còn tăng sâu bệnh. Ví dụ: giai đoạn cây con cần bón P và N sớm, nếu bón trễ cây còi cọc và ra hoa sớm, năng suất kém.

4)    Đúng cách:

Đúng cách có nghĩa là bón phân đúng kỹ thuật. Tuỳ theo từng chủng loại cây và lọai phân để lựa chọn qui cách bón cho phù hợp nhằm khai thác triệt để hiệu quả của loại phân đó. Phải nắm vững kỹ thuật bón, kỹ thuật phun xịt phân dựa trên các dụng cụ, trang thiết bị, dựa vào điều kiện thời tiết khí hậu và mức độ đầu tư. Đặc biệt phải dựa vào tính chất đất (chủ yếu là dựa vào thành phần sa cấu đất) nếu là phân bón rễ. Ví dụ: Nếu bón phân cho cây lâu năm có bồn thì bón theo bồn sau đó xới nhẹ để khi có nước phân sẽ hòa tan và hấp thu ngay vào đất sẽ tránh thất thoát. Nếu không có bồn thì bón phân theo hình chiếu tán lá và đào rãnh. Bón phân cho cao su thì bón theo băng giữa hai hang cây, chiều rộng băng từ 1,0-1,2 m, bón phân xong xới nhẹ cho phân trộn với đất.

Bón phân thích hợp để đạt hiệu quả cao

Đối với cây ăn quả, muốn sử dụng phân bón hợp lý cần lưu ý các điểm sau:

1.  Đối với cây đang ở giai đoạn tăng trưởng: thường gọi là giai đoạn kiến thiết cơ bản (tức là cây được tính từ khi mới trồng đến khi chuẩn bị cho năm bói đầu tiên), cần đảm bảo mật độ hố trồng, kỹ thuật đào hố, liều lượng, tỷ lệ và chất lượng các loại phân bón lót.

Cây con trong thời kỳ này phải được bón phân thường xuyên (1-2 tháng cho 1 lần bón) ưu tiên tỷ lệ phân chứa N cao hơn nhằm giúp cây tăng sinh trưởng. Ưu tiên bón phân urê hoặc SA. Nếu là phân NPK thì chú ý tỷ lệ 3:2:1 hoặc 3:1:1 (tính chung cho cả phân bón lá và phân bón gốc). Thường xuyên xới xáo và chú ý giữ ẩm, chống đọng nước trong bồn và trong hố trồng để tạo độ thông thoáng khí, giúp cho bộ rễ phát triển mạnh và nhanh hơn.

2.  Đối với cây đang ở giai đoạn kinh doanh: (được tính từ vụ bói quả đầu tiên trở đi). Trong giai đoạn này, cây ăn quả nói chung muốn bảo đảm cho năng suất cao và ổn định cần lưu ý: Việc bón phân phải được chú trọng trong 4 thời kỳ (4 đợt bón) của một chu trình mùa vụ như sau:

-  Đợt 1: Tính từ khi kết thúc thu hoach vụ trước cho đến khi cây phục hồi sinh trưởng, tăng cường quá trình tích lũy dinh dưỡng. Trong thời kỳ này cần ưu tiên bón phân hữu cơ, phân lân và phân đạm (N) nhằm nhanh chóng giúp cây trồng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài phải huy động dinh dưỡng nuôi trái. Tạo tiền đề tốt cho việc tích lũy dinh dưỡng giúp cho các giai đoạn kế tiếp. Với một số cây ăn trái có thời gian từ khi kết thúc thu hoạch đến ra hoa vụ kế tiếp quá ngắn thì cần phải bón phân đợt 1 sớm, khi việc thu hoạch trái vụ trước đã đạt từ 70-80%. Đồng thời ở đợt bón phân này cũng cần bổ sung cả những loại phân bón lá nhằm tăng cường khả năng phục hồi và tích lũy chất trong cây (giúp đâm chồi nhánh mới và phát triển bộ lá).

-   Đợt 2 :  Được tính từ sau khi đã kết thúc đâm đọt lá non đã chuyển hoàn toàn sang lá già (Chu y: cây Cam, Quýt, Bưởi,Chanh thì phải bón trước khi đâm đọt mới vì nhóm cây này khi đâm đọt đồng thời với trổ bông). Giai đoạn này cần chú ý bón tăng tỷ lệ phân lân (P) và phân kali (K), giảm lượng phân đạm (N) nhằm giúp cho tỷ lệ C/N của cây tăng cao, thuận lợi cho quá trình hình thành mầm hoa, phát triển hoa. Giai đoạn này cũng cần bổ sung thêm các chất vi lượng (đặt biệt là vi lượng B) nhằm tăng thêm số lượng, chất lượng và sức sống của hạt phấn, giúp cho việc thụ phấn thụ tinh được dễ dàng sẽ giảm tỷ lệ rụng hoa, giúp cho cây ăn trái trổ hoa đều, tập trung.

-  Đợt 3: Được tính từ sau thụ phấn đến khi trái hoặc chùm trái phát triển tối đa về thể tích. Giai đoạn này cần bón cân đối các chất đa lượng NPK và cả các chất trung và vi lượng nhằm giúp hạn chế tỷ lệ rụng trái, lượng phân N ưu tiên bón cao hơn lượng phân kali (N > K) nhằm tăng nhanh việc phát triển thể tích trái và vỏ trái tạo điều kiện cho việc tăng số quả / cây và tăng trọng lượng trung bình quả. Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng cấu thành năng suất.

-  Đợt 4: Được tính trong khoảng thời gian trước thu hoạch 1 tháng. Đây là giai đoạn tích lũy và chuyển hóa các chất trong trái, tăng độ chắc của trái và tăng chất lượng của trái. Giai đoạn này rất cần chất kali (K) để tăng cường quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng từ lá cây vào trái (Lượng K > N), rất cần thêm tỷ lệ chất đạm (N), chất calci (Ca) và vi lượng (TE) để giúp cho độ bóng, độ dãy của vỏ được phát triển tốt làm tăng giá trị thương phẩm, hạn chế sự tấn công của mầm bệnh. Thúc đẩy nhanh quá trình chín sinh lý và sinh thái của trái, giúp cho việc chín đồng loạt và tăng chất lượng trái. Đợt bón này cần ưu tiên sử dụng các dạng phân có nhiều Ca; Một số phân thông dụng như : 20-0-20; NPK (14-7-21); NPK (20-20-20); fish Emultion; KNO3 ). Ưu tiên các loại phân có nguồn gốc hữu cơ sinh học để bảo đảm độ an toàn, chất lượng và thời gian lưu trữ.

Để góp phần canh tác các loại cây ăn trái theo qui chuẩn GAP cần lưu ý tới việc qui hoạch và phát triển thích hợp sao cho kinh tế vườn phát triển bền vững nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người làm vườn và  phát triển các vùng nguyên liệu trái cây theo đặc thù từng vùng (khai thác ưu thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…). Có nhiều giải pháp thực hiện yêu cầu trên, trong đó cũng có cả giải pháp. Sản xuất trái cây theo GAP cần chú trọng tới qui trình kỹ thuật bón phân cân đối hợp lý, không lạm dụng chất Điều hòa sinh trưởng thực vật, hạn chế sử dụng chất 2,4 D; Pachlobutazon. Cần sử dụng phân hữu cơ các loại (hữu cơ truyền thống, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, than sinh học-Biochar) nhằm giảm lượng phân hóa học. Nếu sử dụng phân vô cơ thì nên sử dụng những loại phân chuyên dùng. Kết hợp phân bón rễ với phân bón lá nhằm duy trì và nâng cao "Sức khỏe của đất", tăng cao sức khỏe của cây, nâng cao hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế và chất lượng các loại trái cây. Chuyển dần sang canh tác nông nghiệp hữu cơ bền vũng. Để sản xuất trái cây có hiệu quả và bền vững, chúng ta cần tổ chức và khuyến khích các mô hình " Tổ chức, liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây", xây dựng nhãn hiệu các loại trái cây Việt Nam để từ đó sẽ có một thương hiệu trái cây Việt Nam có uy tín ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.