Kỹ Thuật KNKN
Biện pháp canh tác
- Trồng cây giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh.
- Thu dọn triệt để và tiêu hủy toàn bộ tàn dư thực vật mang nguồn sâu bệnh hại trước khi làm đất.
- Trồng cây đúng mật độ và khoảng cách. Đồng thời, thường xuyên đánh tỉa chồi, cắt tỉa lá nhằm tạo độ thông thoáng cho vườn chuối.
- Tiêu thoát nước kịp thời cho vườn chuối. Nguồn nước tưới phải được kiểm tra và xác định không mang nguồn bệnh.
- Bón phân đa lượng NPK cân đối, tăng cường phân hữu cơ, không lạm dụng bón nhiều phân đạm nhằm nâng cao sức đề kháng của cây chuối.
Biện pháp cơ học
- Cày bừa kỹ để vùi lấp nguồn bệnh, đồng thời làm đất tơi xốp giúp cây chuối sinh trưởng khỏe.
- Đặt bẫy trưởng thành sâu đục thân chuối: Tiến hành vào cuối tháng 2 đầu tháng 3. Dùng những cây chuối vừa thu hoạch buồng, chặt thành những khúc dài khoảng 70-80 cm, bổ đôi thành hai mảnh rồi úp mặt vừa chẻ xuống đất xung quanh gốc chuối hoặc chẻ dọc ở một đầu làm hai hoặc làm bốn khe, sau đó đặt đầu chẻ xuống đất gần các gốc chuối. Ban đêm con trưởng thành sẽ mò ra ăn và ẩn nấp phía dưới của các mảnh thân cây chuối và ở những khe chẻ này, sáng sớm hôm sau lật khúc chuối lên để bắt con trưởng thành. Trong sản xuất biện pháp này thường mang lại hiệu quả cao.
- Ngắt bắp và bao buồng quả sớm, ngay sau khi hoa cái nở hết để phòng trừ bọ trĩ và sâu gặm vỏ quả
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy toàn bộ thân lá chuối mang nguồn sâu bệnh hại.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện các cây chuối bị bệnh hại nguy hiểm như héo rũ Panama, chùn đọt BBTV. Đối với những cây bệnh này cần sớm đào bỏ đem tiêu hủy. Khử trùng hố bằng vôi bột và không trồng chuối trong thời gian ít nhất 1 năm.
Hình: sâu cuốn lá chuối (ảnh sưu tầm)
Biện pháp hóa học
Khi buộc phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh thì việc lựa chọn loại thuốc là quan trọng nhất. Ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, bao gồm đúng thời điểm, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng phương pháp để đảm bảo an toàn cho người, sản phẩm và môi trường. Khuyến cáo một số loại thuốc hóa học áp dụng cho các loại sâu bệnh chính gây hại chuối như sau:
- Sâu đục thân: thuốc chứa hoạt chất Abamectin như Dibamec 5WG, hoặc chứa hoạt chất Acetamiprid như Checsusa 500 WP, Dogent 800 WG ...
s- Sâu gặm vỏ quả: thuốc chứa hoạt chất Abamectin như Abamine 3.6 EC, Agbamex 5 EC; chứa hoạt chất Acetamiprid như Mospilan 3 EC hoặc chứa hoạt chất Azadirachtin như Agiaza 4.5 EC, Altivi 0.3 EC ...
- Bọ trĩ: thuốc chứa hoạt chất Deltamethril như Decis 250 WG, Deltaguard 2.5 EC, chứa hoạt chất Abamectin như Abamine 3.6 EC, Abatimex 3.6 EC hoặc chứa hoạt chất Acetamiprid như Mopride 20 WP, Ascend 20 SP…
- Tuyến trùng: các loại thuốc chứa hoạt chất Carbosunfal hoặc chứa hoạt chất Abamectin như BN – Tegosuper 5 SC, Tervigo 020 SC, Abathi 10.5 GR.
- Bệnh đốm lá: thuốc chứa hoạt chất Propiconazole như Folitasuper 300 EC, Tilgolsuper 300 EC hoặc chứa hoạt chất Azoxystrobin như Amistar 250 SC, Envio 250 SC ...
- Bệnh héo rũ Panama: Áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác và biện pháp cơ học. Để hạn chế tác hại và phòng ngừa bệnh lây lan có thể sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole...
- Bệnh chùn đọt BBTV: Chưa có thuốc đặc hiệu trừ bệnh, áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác và biện pháp cơ học. Để trừ rầy mềm là môi giới truyền bệnh có thể phun các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin như Azimex 40 EC, Daphamec 5.0 EC hoặc chứa hoạt chất Benfurcard như Oncon 5 GR, Oncon 20 EC ...
- Bệnh thán thư: thuốc chứa hoạt chất Azoxystrobin như Azony 25 SC, Majestic 250 SC hoặc chứa hoạt chất Mancozeb như Aikosen 80 WP, Bypha 800 WP ...Các loại thuốc khuyến cáo nêu trên được sử dụng theo liều lượng và phương pháp hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thu Minh