Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15213112
Số người đang truy cập: 20

Kỹ Thuật KNKN

Những vùng trồng cây sầu riêng của Việt Nam
Cây sầu riêng (Durio zibethinus Murr.) là chủng loại cây ăn quả đặc sản, đây là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao nên được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, quả sầu riêng được tiêu thụ thuận lợi, giá bán ở mức cao nhiều năm liền, người trồng sầu riêng có lãi lớn, vì vậy diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh.

Cây sầu riêng trồng tập trung tại các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên. Theo kết quả điều tra của Viện Cây ăn quả miền Nam năm 2000 thì sầu riêng ở Nam Bộ có 59 giống/dòng, tuy nhiên trong sản xuất hiện nay chỉ có 3 giống sầu riêng được thị trường ưa chuộng là Ri6 và DONA (Monthong) và sầu riêng Cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa.

Vùng Tây Nguyên sầu riêng được trồng tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Vùng Đông Nam Bộ thì sầu riêng được trồng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Đồng Nai có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và được trồng tập trung ở các huyện Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú. Các giống sầu riêng được ưa chuộng trồng trên địa bàn là giống DONA.

Vùng ĐBSCL sầu riêng được trồng tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng. Tại Tiền Giang, sầu riêng trồng nhiều tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước và thị xã Cai Lậy. Vùng trồng sầu riêng của Vĩnh Long tập trung vào các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn, Long Hồ. Ở tỉnh Bến Tre, sầu riêng trồng tập trung ở huyện Chợ Lách, Châu Thành.

Hình: xây dựng vùng trồng sầu riêng khu vực Đông Nam bộ (ảnh sưu tầm)

Sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu đi nước ngoài. Kết quả khảo sát các vựa, cơ sở kinh doanh sầu riêng tại khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ cho thấy có tới 65,8% sản lượng sầu riêng sản xuất từ các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ được xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 34,2%. Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 0,09 triệu USD năm 2010 lên 29,2 triệu USD năm 2016. Từ năm 2008 đến 2018 sản xuất sầu riêng tăng nhanh. Đặc biệt trong những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá đứng ở mức cao nhiều năm liền, người trồng sầu riêng có lãi lớn. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu hầu hết đi thị trường Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc quanh năm và có xu hướng tăng, điều này dẫn đến giá cả sầu riêng trong những năm gần đây tăng ở mức cao. Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam đến thời điểm tháng 9/2020 thì vẫn chưa được Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch nên giá cả biến động liên tục, đồng thời việc xuất khẩu với sản lượng lớn bị giới hạn.

 Bên cạnh thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn xuất khẩu sang một số thị trường khác nhưng sản lượng nhỏ. Tại thị trường nội địa, sầu riêng được tiêu thụ tại khắp cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn nhất trong cả nước.

Riêng đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng diện tích sản xuất sầu riêng là 1.149,8 ha, phân bố chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Phú Mỹ, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, ... Giống sầu riêng sản xuất chủ yếu là sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái, ... cây sầu riêng cho năng suất trung bình 6-8 tấn/ha, với sản lượng ước tính khoảng 4.937 tấn.

Được biết, ngày 02/3/2023, Cục Bảo vệ thực vật ban hành văn bản số 537/BVTV-HTQT về vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, năm (05) vùng trồng sầu riêng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là Xà Bang và Láng Lớn của huyện Châu Đức, gồm: Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức I; Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức II; Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức III; Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức IV và Hợp tác xã Sầu riêng 9 Bê, với tổng diện tích 124,2ha, nay đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.

Minh Khang