Danh Mục

ban Biên tập

Video Tư Liệu kỹ Thuật

Thông Tin Thời Tiết

Thống Kê Truy Cập

Tổng số lượt truy cập: 15212205
Số người đang truy cập: 15

Kỹ Thuật KNKN

San hô tại Côn Đảo bị chết do nhiệt độ nước biển tăng cao trong những ngày qua
Theo Báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo vào ngày 10/6/2024 thì san hô vùng biển quanh quần đảo Côn Đảo bị tẩy trắng trên diện rộng bắt đầu từ giữa tháng 5. Nguyên nhân chính do nhiệt độ nước biển tăng cao vượt giới hạn về điều kiện sinh trưởng.

San hô là gì?

San hô là các động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các cá thể này tiết ra carbonat calci để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô. Hiểu đơn giản, mỗi cá thể polip có cấu tạo gồm nhóm tảo cộng sinh với vi khuẩn trên nền giá thể carbonat calci.

Các rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng bậc nhất dưới đáy biển, được ví như hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên cạn.

Giới hạn về điều kiện sinh trưởng

Màu sắc đa dạng của san hô là màu của các giống tảo tạo nên, hầu hết các nhóm tảo này cùng các sinh vật sống trong các polyp san hô  phát triển ở các vùng biển có nhiệt độ trung bình > 200C (tối ưu ở nhiệt độ 24 – 280C), nhưng không quá 300C. Ngoài ra, độ trong (để hấp thụ ánh sáng mặt trời cho quá trình quang hợp), độ mặn của nước (độ mặn tối ưu là 32 – 35 phần nghìn) cũng là các yếu tố quan trọng giúp chúng sinh trưởng và phát triển bình thường và có giới hạn phụ thuộc theo loài.

Các biến động của môi trường vượt ngoài giới hạn về điều kiện sinh trưởng sẽ làm san hô đóng kín các polip hoặc tiết ra các dịch nhờn, đầu tiên là để bảo vệ các nhóm tảo này và tạo nên màu trắng (gọi là hiện tượng san hô bị tẩy trắng), nếu các điều kiện bất lợi này kéo dài một thời gian sẽ dẫn đến các tập đoàn san hô bị chết do không thu nhận được nguồn thức ăn từ quá trình quang hợp hoặc bẫy bắt các sinh vật phù du trong nước.

San hô vùng biển phía Nam Việt Nam bị tẩy trắng

Theo kết quả phân tích từ dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOOA) thì các sạn san hô ở vùng biển phía Nam của Việt Nam bị đe doạ ở mức:

- Cảnh báo tẩy trắng mức 1: từ ngày 06 tháng 4 đến ngày 21 tháng 4;

- Cảnh báo tẩy trắng mức 2: từ ngày 22 tháng 4 đến ngày 06 tháng 5;

- Cảnh báo tẩy trắng mức 3: từ ngày 07 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5;

- Cảnh báo tẩy trắng mức 4: từ ngày 23 tháng 5 đến ngày 09 tháng 6 năm 2024 (mức nguy cơ chết nghiêm trọng ở nhiều loài san hô, tỷ lệ san hô chết >50%). Đây là mức cảnh báo cao nhất theo số liệu thống kê của NOOA kể từ ngày 01/01/1985 đến ngày 09/6/2024.

(Nguồn: https://coralreefwatch.noaa.gov/product/vs/data/southern_vietnam.txt)

San hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng

Theo phân tích và cảnh báo của NOOA thì các sạn san hô ở vùng biển Côn Đảo bị đe doạ ở mức cảnh báo tẩy trắng (xem hình 3) cụ thể như sau:

- Cảnh báo tẩy trắng mức 1: từ ngày 17 tháng 5 đến ngày 01 tháng 6.

- Cảnh báo tẩy trắng mức 2: từ ngày 02 tháng 6 đến  nay (ngày 09 tháng 6).

Hình 3: loạt các ảnh cảnh báo tẩy trắng san hô tại vùng biển Côn Đảo cho thấy cảnh báo tẩy trắng mức 1 từ ngày 17/5 đến ngày 01/6 và cảnh báo tẩy trắng mức 2 từ ngày 02 đến 09/6.

(https://coralreefwatch.noaa.gov/product/vs/timeseries/east_asia.php#southern_vietnam)

Theo kết quả báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo và ngày 10/6/2024, cho thấy:

Các điểm rạn phía Đông Nam có tỷ lệ san hô bị tẩy trắng cao hơn nhiều so với các rạn phía Tây Bắc. Độ sâu các vùng rạn bị tẩy trắng thường thấy <14m, kết quả đo nhiệt độ ở tầng đáy độ sâu từ 8- 14m tại Hòn Tài đều là 320C (đây là nhiệt độ quá giới hạn đặc điểm sống của hầu hết các loài san hô).

Các điểm rạn khu vực Đông Bắc, Đông Nam như Đầm Tre, Hòn Cau, Hoàn Tài và Cựa Gà san hô bị tẩy trắng từ 80 – 100%, trong đó khoảng 15-20% đã bị chết; hầu hết các giống san hô cứng đều bị tẩy trắng.

Các điểm rạn khu vực phía Tây và phía Bắc như hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ, bãi Ông Cường, bãi Ông Đụng san hô bị tẩy trắng khoảng 60-70% và san hô xác định là đã chết chiếm khoảng 10%.

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tỷ lệ san hô tẩy trắng bị chết cần phải tiếp tục theo dõi thêm một thời gian nữa.

Hiện tượng san hô Côn Đảo bị tẩy trắng cũng đã từng ghi nhận vào các năm 1998, 2000, 2002, 2010, 2016 và 2019.

Hình: san hô bị tẩy trắng tại Hòn Tài vào ngày 03/6/2024
(Ảnh: Nguyễn Văn Vững - Phòng Bảo tồn biển, VQG Côn Đảo)

Trong điều kiện hiện tại các nhà quản lý nên tiếp tục theo dõi tình hình sức khoẻ của các rạn san hô, hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực đến chúng và không nôn nóng, tổ chức chương trình phục hồi rạn bằng phương pháp trồng phục hồi (phải thu lấy nguồn giống từ các khu vực rạn ít bị tác động) có thể làm nghiêm trọng về giảm độ phủ là cơ hội cho các loài rong biển phát triển, ức chế sự phục hồi của san hô . Đặc biệt, đối với vùng rạn san hô tại Côn Đảo, nơi đây được xem là hạ nguồn của lưu vực sông Mê kong và có thể bị tác động bởi mùa nước nước nổi (mùa nước lũ) thường là vào cuối tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, điều này đã xảy ra đối với rạn san hô Côn Đảo vào đầu tháng 10 năm 2005.

Trường Giang